Ai Cập phát hiện “thành phố vàng” 3.000 năm tuổi

VHO- Ai Cập công bố, các nhà khảo cổ đã phát hiện "thành phố vàng" đã biến mất ở tỉnh Luxor, miền Nam nước này

Một phần của "thành phố vàng" đã biến mất ở tỉnh Luxor. (Ảnh: AP)

Một nhà Ai Cập học tại Mỹ đã mô tả, phát hiện này là khám phá khảo cổ lớn nhất kể từ khi tìm ra lăng mộ của Tutankhamun gần một thế kỷ trước.

Một nhóm các nhà khảo cổ do cựu Giám đốc cổ vật của Ai Cập Zahi Hawass dẫn đầu đã khai quật "một số địa điểm hoặc khu vực lân cận" của thành phố 3.000 năm tuổi này sau 7 tháng đào bới tìm kiếm.

Mục tiêu ban đầu của nhóm là tìm một ngôi đền chôn cất của pharaon Tutankhamun, ngôi mộ được phát hiện ở Thung lũng các vị vua ở Luxor vào năm 1922. Tuy nhiên, thay vào đó, họ đã khai quật các phần của thành phố cổ này.

Ai Cập phát hiện “thành phố vàng” 3.000 năm tuổi - Ảnh 1.

Hài cốt được tìm thấy ở thành phố cổ. (Ảnh: AP)

Thành phố, mà ông Hawass còn gọi là "Sự trỗi dậy của Aten," có từ thời vị vua thứ 18 của triều đại Amenhotep III, người cai trị Ai Cập từ năm 1391 đến năm 1353 trước Công nguyên.

"Cuộc khai quật bắt đầu diễn ra vào tháng 9.2020 và diễn ra trong vòng vài tuần. Và trước sự ngạc nhiên lớn của nhóm nghiên cứu, các tàn tích gạch bùn bắt đầu xuất hiện ở mọi nơi", Bộ Cổ vật Ai Cập cho biết trong một tuyên bố. "Những gì họ khai quật được là địa điểm của một thành phố lớn trong tình trạng bảo quản tốt, với những bức tường gần như hoàn chỉnh, nhiều căn phòng chứa đầy dụng cụ sinh hoạt hàng ngày".

Ai Cập phát hiện “thành phố vàng” 3.000 năm tuổi - Ảnh 2.

Các nhà khảo cổ Ai Cập đã khai quật các phần của thành phố cổ. (Ảnh: AP)

Phần phía Nam của thành phố bao gồm một lò bánh mì, lò nướng và đồ gốm đựng đồ. Trong khi đó, ở phía Bắc, phần lớn vẫn nằm dưới cát, bao gồm các khu hành chính và khu dân cư.

Ông Hawass nói: "Đây là khu định cư hành chính và công nghiệp lớn nhất trong thời đại nền văn minh Ai Cập cổ đại ở bờ Tây Luxor. Các đường phố của thành phố được bao quanh bởi những ngôi nhà, với một số bức tường cao tới 3 m".

Ai Cập phát hiện “thành phố vàng” 3.000 năm tuổi - Ảnh 3.

Hiện vật được tìm thấy. (Ảnh: AP)

Theo ông Hawass, thành phố này hoạt động trong thời kỳ Amenhotep III đồng nhiếp chính với con trai của ông Akhenaten. Sau đó, Akhenaten (pharaon Amenhotep IV) đã cho xây dựng thành phố cổ Amarna, ở tỉnh Minya ngày nay, cách Cairo khoảng 250 km về phía Nam và cách Luxor 400 km về phía Bắc.

Betsy Brian, giáo sư về Ai Cập học tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, cho biết, phát hiện này có tầm quan trọng chỉ đứng sau phát hiện về lăng mộ của pharaon Tutankhamun.

VTV.VN

Ý kiến bạn đọc