Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Làm gì khi bị lừa kiếm tiền online? (Bài 1): Điêu đứng vì ham làm giàu

Thứ Hai 19/04/2021 | 11:18 GMT+7

VHO- Thời gian gần đây, cơ quan an ninh phòng, chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an, thành phố Hà Nội và nhiều địa phương khác đã nhận các đơn tố cáo, kêu cứu của hàng trăm người dân trình báo về hiện tượng lừa đảo, chiếm dụng tiền với cách thức kiếm tiền trên mạng ảo. Trên thực tế số người làm đơn tố cáo chỉ là số nhỏ so với lượng người bị lừa kiếm tiền online.

Trung úy Nguyễn Tiến Dũng, Phòng Tham mưu Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao gặp gỡ đại diện của nhóm nạn nhân bị lừa

 Trong 2 ngày 15-16.4, các cơ quan an ninh phòng, chống tội phạm gồm: Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội đã nhận được đơn tố cáo của một số công dân về việc họ đã bị một số app (ứng dụng) kiếm tiền online trên mạng lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỉ đồng.

Loạn “ma trận” app kiếm tiền

Lá đơn tố cáo do chị Q.T.T (Thanh Xuân, Hà Nội) đứng tên trong danh sách người bị lừa gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an đề nghị cơ quan an ninh mạng vào cuộc tiến hành điều tra, xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của nhóm người đã lợi dụng mạng online để tổ chức chương trình đầu tư sinh lời kiếm tiền trên mạng. Nội dung đơn khẳng định nhóm người này đã lập ra rất nhiều các app kiếm tiền như Shopping Mall, Tiki88996.com, richnvi.com, Pchome online với các trò đầu tư nhiều cấp bậc từ số tiền vài trăm nghìn đến hàng trăm triệu đồng với lãi suất cao và sau đó là đánh sập, rồi ôm tiền của người đầu tư biến mất.

Trong đơn, chị Q.T.T viết: “Nếu cứ để cho nhóm người này tiếp tục lập app kiếm tiền và làm sập thì sẽ có hàng trăm nghìn người bị lừa đảo, số tiền hiện nay theo ước tính của nhóm chúng tôi lên tới hàng chục tỉ đồng. Có rất nhiều người vì xấu hổ, vì lo gia đình biết mà phải chấp nhận im lặng không dám lên tiếng. Nhưng cá nhân tôi cũng như nhóm người tham gia viết đơn tố cáo này với mục đích mong muốn pháp luật nhanh chóng vào cuộc để cứu nguy cho những người cả tin như chúng tôi, nếu không số lượng người và số lượng tiền bị lừa sẽ còn tăng gấp nhiều lần”.

Chị L, một nạn nhân chơi app Shopping Mall chia sẻ: “Tôi bị mất gần 100 triệu. Càng lao vào chơi thì tôi càng đánh mất đi lý trí. Về nhà chẳng thèm lo lắng cơm nước cho gia đình, đến giờ ăn cơm cứ chúi đầu vào iPhone để “làm đơn kiếm tiền” và để xem tiền lãi hay tiền rút đã về được tài khoản chưa…”.

Người chơi đủ mọi tầng lớp

Qua tiếp cận hồ sơ những đối tượng bị lừa trong đơn tố cáo thì thấy các thành phần bị lừa đảo thuộc đủ tầng lớp và ở khắp mọi miền. Có người làm ăn buôn bán nhỏ lẻ, có người làm nội trợ ở nhà, bán hàng online và đa phần là dân chuyên đầu tư tài chính, chứng khoán, chuyên chơi app forex ảo.

Xem qua điện thoại với những màn “khoe hàng” trong các group được các “đại lý”của các ứng dụng lập ra có rất nhiều những người có tài khoản lên tới 500.000.000 đồng. Việc này đồng nghĩa khi app bị đánh sập thì số tiền trong ứng dụng chỉ là giá trị ảo. Chị M, người tham gia app Richnvi báo sập ngày 7.4 cho biết: “Đa phần những người bị lừa đảo chơi kiếm tiền online là chị em phụ nữ. Và rất nhiều người chỉ làm công việc nội trợ, có thời gian rảnh rỗi. Chúng tôi cũng lập hội nhóm và lôi kéo nhau chơi theo từng nhóm. Có những nhóm bạn khóc dở mếu dở khi ngồi nhẩm tính số tiền mỗi người bị mất bởi trò kiếm tiền ảo này lên tới hàng trăm triệu đồng. Tiếc tiền đứt ruột mà không dám chia sẻ với gia đình”. Có lẽ vì sợ mang tiếng, vì sợ dính líu tới cơ quan công an mà đa số những người bị lừa đảo tiền trên mạng ảo không dám nhờ tới pháp luật can thiệp hoặc chí ít là để cảnh báo cho xã hội về hiện tượng đáng báo động này.

Trao đổi với Văn Hóa, nhân viên của một ngân hàng cho biết: “Chúng tôi cũng nhận được một số trường hợp phản ánh họ bị lừa đảo trên mạng nên đã chuyển tiền. Chứng kiến cảnh nhiều chị em phụ nữ mặt mũi hớt hải, nước mắt lưng tròng bước vào truy vấn tài khoản của người mà họ đã gửi mà không khỏi đau lòng. Nếu có nạn nhân bị lừa, thì phía ngân hàng chúng tôi sẽ sẵn sàng đứng về phía các nạn nhân khi có công văn đề nghị phối hợp hợp tác của cơ quan công an”. 

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã tiếp nhận nhiều vụ việc tố cáo như thế này và đã có những vụ việc được phanh phui. Cục sẽ nghiên cứu hồ sơ và sẽ gửi cho phòng điều tra có trách nhiệm ở lĩnh vực này. Chúng tôi chỉ muốn khuyến cáo các công dân là cần có trách nhiệm tố cáo những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Với những nạn nhân, xin hãy bỏ tâm lý e ngại không dám đi trình báo. Pháp luật bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản của công dân nếu công dân bị xâm hại. Công dân phải có trách nhiệm trình báo với cơ quan an ninh và giúp thu thập những tài liệu về vụ việc mà cơ quan đang tiến hành điều tra.

(Trung tá VŨ THỊ HẢI YẾN, cán bộ tiếp dân của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao)

HIỀN LƯƠNG

 

 Bài 2: Nhận diện các chiêu trò

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top