Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Lần đầu công bố tài liệu quý về người anh hùng Thánh Gióng

Thứ Hai 03/05/2021 | 09:04 GMT+7

VHO- “Ai ơi mồng chín tháng tư / Không đi hội Gióng thì hư một đời”. Đã thành thông lệ, hằng năm cứ vào ngày mồng 6 đến mồng 9 tháng tư âm lịch, Lễ hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) lại được tổ chức để tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Mộc bản sách “Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập”, quyển 9, mặt khắc 2 khắc ghi bài thơ ngự chế “Phù Đổng nhi” của vua Tự Đức về anh hùng đánh giặc Thánh Gióng (nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

 Nếu như trong tất cả các lễ hội dân gian ở nước ta, hội Gióng là lễ hội được nhắc đến nhiều nhất thì trong khối Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới, Thánh Gióng cũng như đền thờ của Ngài cũng được ghi chép khá đầy đủ, rõ ràng.

Truyền thuyết người Việt nào cũng đã từng nghe

Hội Gióng gắn với truyền thuyết về một cậu bé kỳ lạ ở làng Phù Đổng. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 3, 4 ghi về tích xưa Thánh Gióng như sau: “Đời Hùng Vương thứ 6, ở hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn 3 tuổi ăn uống béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: “Xin cho một thanh gươm, một con ngựa, vua không phải lo gì”. Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Vũ Ninh. Quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là Thiên tướng, liền đến xin hàng cả. Đứa trẻ phi ngựa lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế”.

Từ đó, ngài Gióng được thiêng hóa thành một vị Thánh bất tử, bảo hộ mùa màng, hòa bình cho đất nước và thịnh vượng cho muôn dân. Để tưởng nhớ công ơn của Ngài, về sau, vua Lý Thái Tổ phong ngài là Xung Thiên Thần vương. Đền thờ của ngài được lập lên ở cạnh chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng và mở hội hằng năm với tên gọi là hội Gióng. Về đền thờ của Thánh Gióng, Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 9, mặt khắc 2 có ghi lại rằng: “Vua Hùng đời thứ 6, ở làng Phù Đổng, bộ Vũ Ninh, có ông nhà giàu, sinh ra một đứa con trai, đã lên 3 tuổi... đứa trẻ cưỡi ngựa bay lên không mất. Vua mệnh cho ngay trên vườn nhà ở, xây miếu thờ. Đời sau, vua Thái Tổ Triều Lý phong làm Xung Thiên Thần vương. Đền thờ tại làng Phù Đổng, nay phong là Đổng Thiên vương”. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 19, mục Đền miếu, tỉnh Bắc Ninh cũng ghi: “Đền Đổng Xung Thiên Thần vương: Ở xã Phù Đổng, huyện Tiên Du. Phần ngoại kỷ của Sử chép đời Hùng Vương, giặc Ân xâm lược, thần cưỡi ngựa sắt đánh tan giặc, đi đến núi Vệ Linh thì bay lên trời. Hùng Vương sai lập đền ở trong hương để thờ. Đời Lê Đại Hành, thần giúp sức đánh tan quân Tống, Lê Đại Hành phong Thượng đẳng thần. Lê Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần vương. Nay núi Vệ Linh cũng có đền thờ”.

Hội Gióng trở thành lễ hội truyền thống ở nhiều nơi

Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, ngay từ thời Lý, lễ hội Thánh Gióng đã được chú trọng, phát triển và được cộng đồng bảo tồn qua hàng ngàn năm lịch sử. Đến triều Nguyễn, đền thờ Thánh Gióng cũng được xem là một trong những đền thiêng của cả nước. Năm Tân Tỵ (1821), ngay sau khi lên ngôi báu, vua Minh Mạng đã sai người đến tế ở đền Thánh Gióng. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 12, mặt khắc 6 còn ghi: “Cho tế núi sông toàn hạt Quảng Đức, thần núi Triệu Tường ở Thanh Hoa, Văn Miếu, đền Chân Võ, thần núi Tản Viên và Xung Thiên Đổng Thần vương ở Bắc Thành, mỗi sở một đàn”. Đến tháng 5 năm Đinh Hợi (1827), vị vua thứ 2 của triều Nguyễn đã cho định lệ phu miếu và con hát ở các miếu thờ đế vương. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 46, mặt khắc 2 ghi việc này rằng: “Đế vương các đời chính thống nối nhau cùng là các chính thần có công đức rõ rệt, thì các đền miếu chỗ phát tích từ trước đã cấp dân phu coi giữ, thế là để tôn trọng các triều trước và tỏ ý yên ủi các thần. Còn việc đặt con hát để hằng năm ngày khánh tiết lên hát chúc thọ và hát trong những lễ cầu, lễ tạ, theo lễ thì cũng nên thế… Miếu Hùng Vương ở Sơn Tây, miếu Lý Bát đế và miếu Thục An Dương vương ở Bắc Ninh, miếu nhà Trần ở Nam Định, miếu Lê Thái tổ ở Cao Bằng, đều xin theo lệ Văn Miếu ở Kinh, đặt phu miếu mỗi miếu 50 người. Miếu Xung Thiên Đổng Thần vương và miếu Đổng Thiên vương ở Bắc Ninh… phu miếu mỗi miếu 30 người”.

Vào năm Canh Tý (1840), vua Minh Mạng tiếp tục sai các quan đến tế các đền thiêng trong cả nước, trong đó có đền Thánh Gióng: “Vua sai các quan đến tế các đền thiêng. Vua dụ bộ Lễ rằng: Thần giúp việc trời, ai làm thiện thì cho phúc. Nhà nước tôn thờ chính thần, để cầu phúc thiêng. Vua đời xưa cầu khấn thần kỳ, vọng tế núi sông, có chép ở sách. Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, kính tôn đạo trời, mến yêu bách thần, chỉ mong cho giúp nước giúp dân, đến được đại thuận. Năm nay gặp chính thọ ngũ tuần của trẫm, ơn trạch ban khắp, thần và người đều thấm ơn cả. Nhân nghĩ: Thần thiêng ở các hạt từ Hữu Kỳ trở ra Bắc, trong ấy rất có tiếng như Thục An Dương vương ở Nghệ An, Chân Vũ tôn thần ở Hà Nội, Đổng Thần vương ở Bắc Ninh, Tản Viên Sơn tôn thần,... Lang trung bộ Hộ là Nguyễn Đức Hộ đến đền Đổng Thần vương. Đều trước kỳ đem hương lụa ở trong kho đến nơi, do tỉnh thần sở tại sửa lễ lợn bò, đến ngày mồng 3 tháng 7 làm lễ”.

 Mộc bản sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, quyển 3, mặt khắc 3, 4 ghi về tích xưa Thánh Gióng (nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)

Dưới triều vua Thiệu Trị, vào năm Nhâm Dần (1842), trong chuyến ngự giá ra Bắc, biết đền Đổng Thần vương linh thiêng nổi tiếng, vua đã sai Vệ uý Nguyễn Văn Đức làm lễ tế Đổng Thần vương, lại sai Vệ uý Tôn Thất Đàm làm lễ tế các thần núi Tản Viên, phụ tặng mỗi vị thần 1 chiếc áo gấm đỏ. Đến triều vua Tự Đức, cảm kích trước chiến công của người anh hùng truyền thuyết trẻ tuổi Thánh Gióng, vua đã làm một bài thơ ngự chế. Mộc bản sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 9, mặt khắc 2 khắc ghi bài thơ như sau:

Phù Đổng nhi:

Làng Phù Đổng,

Bộ Vũ Ninh.

Trẻ ba tuổi,

Khỏe, thông minh,

Ăn uống được,

Nói không rành.

Nói không rành, ý chờ đợi,

Vua lo, chiếu cầu tướng giỏi.

Trẻ lên nhời,

Bảo mọi người.

Chỉ xin một gươm với một ngựa,

Vì vua đuổi giặc khắp nơi nơi.

Công thành, thân thoái, ngựa bay mau,

Tới, tới từ đâu, về, về từ đâu.

Và sau này, bài thơ Phù Đổng nhi của vua Tự Đức đã được soạn thành ca khúc hát quen thuộc cho tất cả mọi người.

Ngày nay, hội Gióng đã trở thành lễ hội truyền thống hằng năm ở nhiều nơi nhằm tưởng niệm người anh hùng Thánh Gióng với sức mạnh vô địch, kiên cường, anh dũng, là đại diện tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh quật khởi của dân tộc ta trước giặc ngoại xâm. Vào năm 2003, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận hội Gióng ở đền Phù Đổng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

  Hội Gióng đã trở thành lễ hội truyền thống hằng năm ở nhiều nơi nhằm tưởng niệm người anh hùng Thánh Gióng với sức mạnh vô địch, kiên cường, anh dũng, là đại diện tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh quật khởi của dân tộc ta trước giặc ngoại xâm. Vào năm 2003, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận hội Gióng ở đền Phù Đổng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 THƠM QUANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top