Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Khai mạc triển lãm “Hình ảnh và hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh”

Thứ Sáu 07/05/2021 | 15:31 GMT+7

VHO - Triển lãm “Hình ảnh và hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh” vừa khai mạc sáng 7.5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM. Hoạt động do Nhà Văn hóa Điện ảnh tại TP.HCM (trực thuộc Viện Phim Việt Nam) phối hợp cùng Bảo tàng tổ chức. Triển lãm mong muốn mang đến cho công chúng yêu điện ảnh thêm một góc nhìn sâu sắc và thú vị về Người lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Cắt băng khai mạc Triển lãm “Hình ảnh và hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh”

Triển lãm diễn ra đến ngày 24.5.2021, là hoạt động thiết thực kỷ niệm lần thứ 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2021) và 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911-5.6.2021); kỷ niệm 67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7.5.1954-7.5.2021); đồng thời nhằm giới thiệu rộng rãi về cuộc đời hoạt động của Bác được ghi lại qua các tài liệu, tư liệu, tác phẩm điện ảnh lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam, thông qua đó góp phần bồi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho công chúng, nhất là giới trẻ.

Một góc triển lãm

Triển lãm giới thiệu hơn 140 bức ảnh, áp-phích phim với 3 nội dung chính. Phần 1 có chủ đề “Tìm đường đi cho dân tộc Việt Nam (giai đoạn 1911-1945)”, giới thiệu những tác phẩm chân thực về hoạt động của Bác trong giai đoạn này đã được các nhà làm phim ghi lại qua các phim tài liệu: Ngày độc lập 2/9/1945, Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin, Đường về Tổ quốc, Tên Người là Hồ Chí Minh, Những chặng đường cách mạng vẻ vang, Việt Nam - Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu,…

Triển lãm diễn ra từ ngày 7-24.5.2021

Phần 2 với nội dung “Hồ Chí Minh - Vị cha già của dân tộc Việt Nam (giai đoạn 1946-1969)”, giới thiệu những hình ảnh của Bác được trích trong các phim thời sự, tài liệu: Bộ đội Cụ Hồ, Hồ Chủ tịch ở Việt Bắc, Việt Nam - Cuộc chiến 10.000 ngày, Bác đi chiến dịch, Cuộc đụng đầu lịch sử, Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh - Chân dung một con người, Tiếng hát át tiếng bom, Đại hội Đảng - Những mốc lịch sử, Bác Hồ sống mãi trong lòng miền Nam, Bác Hồ với nông dân, Quyết tâm thắng hạn, Nhà Bác…; các Phim thời sự số 12, 27, 30/1956; Phim thời sự số 5/1957; Phim thời sự số 6, 18, 37, 38, 43/1958; Phim thời sự số 11, 13, 18, 40/1960; Phim thời sự số 13/1961; Phim thời sự số 3, 11, 16, 17/1962,…

Một hình ảnh tại triển lãm

Phần 3 “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Điện ảnh Cách mạng Việt Nam”, giới thiệu một số hình ảnh tư liệu về sự quan tâm của Bác đối với nền điện ảnh nước nhà. Đồng thời giới thiệu hình tượng của Người đã được các nghệ sĩ điện ảnh cảm tác, thể hiện qua các phim truyện Vượt qua Bến Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Nhìn ra biển cả, Thầu Chín ở Xiêm,… 

Các đại biểu xem triển lãm

Ngoài ra, triển lãm cũng giới thiệu bộ sưu tập một số áp-phích phim tài liệu và phim truyện về Bác như: Nam Bắc một lòng, Mười năm thắng lợi, Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin, Đường về Tổ quốc, Vượt qua Bến Thượng Hải, Nhìn ra biển cả, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Thầu Chín ở Xiêm, Nhà tiên tri,…Cùng với hoạt động trưng bày các hình ảnh, tài liệu, tư liệu nói trên, triển lãm sẽ lần lượt giới thiệu 2 bộ phim tài liệu đã đạt giải thưởng cao tại các Liên hoan phim Việt Nam, bao gồm Đường về Tổ quốc (kịch bản Hồng Hà, đạo diễn Bùi Đình Hạc), Xưởng Phim Thời sự Tài liệu Trung ương sản xuất 1980, giải Bông Sen Vàng đặc biệt tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ IV năm 1980, và Hồ Chí Minh - Chân dung một con người (biên kịch Bành Bảo, đạo diễn Bùi Đình Hạc và Lê Mạnh Thích), Hãng phim Ngọc Khánh sản xuất 1989, giải Bông Sen Vàng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ IX năm 1990.

Triển lãm với mong muốn góp phần bồi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho công chúng, nhất là giới trẻ

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM  nhấn mạnh, Hồ Chí Minh - tên Người có sức tỏa sáng tới mọi con tim, là đề tài bất tận, nguồn cảm hứng sáng tạo chưa bao giờ ngưng nghỉ của các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước ở nhiều loại hình nghệ thuật. Đặc biệt, tên Người còn in đậm trong các tác phẩm điện ảnh của nước nhà… Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, nghệ thuật trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tại triển lãm

Ngày 15.3.1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147 thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”, khai sinh nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Không chỉ quan tâm đến nền điện ảnh nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành thời gian thăm hỏi, động viên các nghệ sĩ. Sự quan tâm ân cần của Bác, những lời dạy của Bác đối với đội ngũ những người làm công tác điện ảnh là nguồn động viên vô cùng to lớn và ý nghĩa. Từ đó, người làm công tác điện ảnh đã không ngừng học hỏi và tìm cho mình một nét riêng trong các tác phẩm. Họ đã tìm cho mình những tác phẩm ca ngợi “người thật, việc thật”, các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, mà trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một điển hình về “người thật, việc thật”, hình tượng của Người mãi là mạch nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho các thế hệ điện ảnh Việt Nam. “Tôi xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với sự tâm huyết và tài năng của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam, đã lưu giữ hình ảnh và đưa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong lòng dân tộc thông qua những tư liệu vô cùng quý giá”, ông Hùng chia sẻ.

Giám đốc Nhà Văn hóa Điện ảnh tại TP.HCM Huỳnh Công Khôi Nguyên (phải) trao tặng bộ sưu tập tư liệu đến Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM

Nhằm đóng góp, bổ sung thêm nguồn tư liệu, tài liệu, hình ảnh phục vụ lâu dài cho công tác tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng, sau khi kết thúc triển lãm, Viện Phim Việt Nam trao tặng bộ sưu tập “Hình ảnh và hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tác phẩm điện ảnh” cho Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM lưu giữ và sử dụng.
Trong khuôn khổ triển lãm, các đại biểu cũng đã dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng.

THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top