Hút khách đến bảo tàng: Để trở thành điểm đến… phải đến

VHO - Câu chuyện làm gì để thay đổi? Thay đổi như thế nào nhằm thu hút ngày càng đông du khách… là nội dung điểm nhấn tại Hội nghị Khách hàng của Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 2024, với thông điệp “Hành trình kết nối văn hóa”. Sự kiện diễn ra ngày 20.3 tại Hà Nội.

Hút khách đến bảo tàng: Để trở thành điểm đến… phải đến - Anh 1

Bảo tàng Hồ Chí Minh đang nỗ lực làm mới mình để thu hút du khách

 Lần đầu tiên, các đơn vị lữ hành, công ty du lịch, đối tác, hướng dẫn viên... đã cùng lãnh đạo, cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh thẳng thắn đặt ra những câu hỏi, tình huống, thách thức để bàn thảo, hiến kế, tìm giải pháp nhằm thu hút ngày càng đông du khách đến với Bảo tàng.

Bài toán phải đổi mới

Lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh mới hiện nay, bài toán cần nỗ lực thay đổi được đặt ra cấp thiết. Hội nghị nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới bạn bè, du khách quốc tế; tăng cường sự phối hợp, gắn kết với các đơn vị lữ hành, các công ty du lịch và hướng dẫn viên nhằm thu hút khách tham quan, đặc biệt là khách quốc tế đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Hơn 30 năm chính thức mở cửa đón khách tham quan, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón tiếp hơn 30 triệu lượt khách, trong đó có gần 7 triệu lượt khách quốc tế. Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng chia sẻ, trong năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đặt chỉ tiêu đón tiếp 18 triệu lượt khách quốc tế, trên 100 triệu lượt khách trong nước và phấn đấu đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. “Để góp phần hiện thực hóa những mục tiêu quan trọng này, Bảo tàng mong muốn cùng các đơn vị lữ hành, công ty du lịch, đối tác, hướng dẫn viên du lịch đối thoại, lắng nghe để cùng nhau thay đổi, tạo ra các sản phẩm du lịch có giá trị, thỏa mãn nhu cầu của du khách, nhất là du khách quốc tế mỗi khi đến với cụm di tích lịch sử - văn hóa - chính trị Ba Đình, trong đó có Bảo tàng Hồ Chí Minh - nơi lưu giữ và phát huy một cách đầy đủ nhất những tài liệu, hiện vật về Người”, ông Vũ Mạnh Hà chia sẻ.

Giám đốc Vũ Mạnh Hà nhấn mạnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế để khai thác, phát huy nhằm thu hút du khách. Đó là hệ thống trưng bày theo phương pháp Bảo tàng học hiện đại; nhiều khu vực trưng bày động hấp dẫn, có thể kết nối các nội dung thành một câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và những bài học về đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các chuyên đề độc lập giúp người xem có thể hình dung bối cảnh lịch sử Việt Nam và các sự kiện quan trọng diễn ra trên thế giới, có tác động và ảnh hưởng đến Người. Bên cạnh đó, Bảo tàng có đội ngũ thuyết minh viên nhiều kinh nghiệm, các khu công năng, khu dịch vụ, cửa hàng, bãi đỗ xe… 14 di tích lớn trong cả nước như Pác Bó (Cao Bằng), Kim Liên (Nghệ An), Bến Nhà Rồng... thuộc chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng là những địa chỉ có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng.

Bên cạnh lợi thế, lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh thẳng thắn, những năm gần đây, dù lượng khách tham quan đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn thấp hơn đáng kể so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Lượng khách nước ngoài suy giảm mạnh. Vì nhiều lý do mà nhiều đoàn khách đến Hà Nội, đến Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình nhưng không được sắp xếp vào tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Về phía Bảo tàng, nhiều dịch vụ, tiện ích còn chậm được áp dụng, chưa tập trung được vào một số đối tượng khách cụ thể; việc kết nối với các đơn vị lữ hành, các hướng dẫn viên còn chưa thường xuyên, chưa thực sự hiểu rõ nhu cầu và nguyện vọng của khách tham quan…

Nhiều câu hỏi từ thực tiễn đã được đại diện các đơn vị lữ hành, công ty du lịch đặt ra cho lãnh đạo Bảo tàng với mong muốn tìm được câu trả lời là những giải pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản khiến cho lượng khách đến với Bảo tàng còn khiêm tốn, chưa xứng tầm và như kỳ vọng. Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Cty CP du lịch VietSense Travel chia sẻ, trong các địa chỉ khi du khách đến Hà Nội không thể thiếu cụm di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thực tế khi tổ chức các tour đến đây các đơn vị lữ hành thường đối diện thực trạng rất đông các đoàn khách, phải xếp hàng mất nhiều thời gian, nhiều đơn vị buộc phải cắt bỏ chương trình tham quan Bảo tàng để đảm bảo thời lượng. “Bảo tàng có giải pháp nào để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch có thể đảm bảo thời gian vừa thăm Lăng Bác, vào Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa có thể tham quan Bảo tàng?”, ông Tài đặt câu hỏi.

Đại diện Saigontourist nêu vấn đề hệ thống trưng bày tại Bảo tàng nhiều năm qua không có nhiều thay đổi để đáp ứng nhu cầu du khách. Các đơn vị lữ hành cũng băn khoăn khi hệ thống các Bảo tàng, di tích trong cả nước thời gian qua hầu như có sự chuyển động rất mạnh mẽ, với các tour đêm, sản phẩm du lịch mới liên tiếp ra mắt nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong khi đó, những đổi thay đột phá dường như chưa được nhìn thấy trong hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Phó Giám đốc Bảo tàng Phạm Thị Thanh Mai bày tỏ, thấu hiểu rằng nội dung trưng bày là vấn đề cốt lõi, là cầu nối giữa Bảo tàng với công chúng. Tuy nhiên, là một Bảo tàng danh nhân, yếu tố chính trị được đặt lên hàng đầu nên mọi thay đổi đều cần tính toán kỹ lưỡng. Giám đốc Vũ Mạnh Hà cũng nhấn mạnh, đặc thù của Bảo tàng Hồ Chí Minh khiến những thay đổi khó hơn với các Bảo tàng, di tích khác. Tuy nhiên, không phải vì khó mà không làm. “Bảo tàng luôn mong muốn đổi mới và sẵn sàng lắng nghe, tìm giải pháp đổi mới, từ đó thu hút các công ty du lịch và hướng dẫn viên đưa du khách trong nước và quốc tế đến với Bảo tàng; góp phần quảng bá cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh đến với bạn bè thế giới…”, ông Hà nhấn mạnh.

Hút khách đến bảo tàng: Để trở thành điểm đến… phải đến - Anh 2

Tận dụng nền tảng mạng xã hội

Trong những vấn đề đặt ra, câu chuyện đổi mới phương thức truyền thông, marketing, tận dụng thế mạnh của các nền tảng mảng xã hội được nhiều đại diện đơn vị lữ hành nhấn mạnh. Làm sao để tối đa hóa lượng khách đến Bảo tàng? Giám đốc Cty CP du lịch VietSense Travel Nguyễn Văn Tài nhắc đến khâu quảng bá. Là Bảo tàng quan trọng hàng đầu cả nước, với các nội dung trưng bày gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi có nhiều hình ảnh, hiện vật đặc biệt quý…, vậy cần truyền thông như thế nào để đạt hiệu quả tốt hơn? Ông Tài nhấn mạnh, chúng ta cần một hệ thống tư liệu quảng bá ấn tượng, tạo sức hấp dẫn, bên cạnh cảm xúc từ những câu chuyện thiêng liêng về Bác thì còn cần tạo sức hút về mặt mỹ thuật. “Đặc biệt, phải tiếp cận các phương tiện truyền thông mới để lan tỏa nhiều hơn, các nền tảng mạng xã hội với ưu thế vượt trội sẽ kết nối Bảo tàng với công chúng, khẳng định đây là điểm đến phải đến ở Hà Nội”, vẫn theo ông Nguyễn Văn Tài.

Dẫn chứng nhiều sản phẩm du lịch mới, giàu sức sống được các di tích liên tiếp ra mắt trong thời gian qua, đặc biệt là những chương trình tour đêm tạo sự thay đổi đột phá cho những điểm đến như di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám…, các đơn vị lữ hành đặt vấn đề, Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ tính toán đến các hoạt động mới nào trong thời gian tới để phù hợp với đặc thù của mình, đáp ứng nhu cầu du khách. Đây phải là những sản phẩm để chắc chắn khách đến Hà Nội sẽ phải đến Bảo tàng.

Ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist kể câu chuyện đổi mới của hai di tích Nhà tù Hỏa Lò và Hoàng thành Thăng Long như một câu trả lời cho câu hỏi: Sản phẩm gì để giữ chân khách lâu hơn? “Chúng tôi tư vấn xây dựng tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò và thực sự, đây là một bước đi tạo đột phá. Hoàng thành Thăng Long trước đây chủ yếu hoạt động về bảo tồn, nhưng giờ đây với những nỗ lực đổi mới, trong đó có sản phẩm tour đêm được ra mắt cũng đã tạo sức thu hút lớn đối với du khách đến với Hà Nội…”, ông Thái chia sẻ. Lãnh đạo Hanoitourist cũng lưu ý, trong các giải pháp, Bảo tàng Hồ Chí Minh có thể cùng các chuyên gia bàn cách thay đổi về chiến lược marketing. Ở khâu này, di tích Nhà tù Hỏa Lò là một điểm sáng để học tập. Thay đổi chiến lược truyền thông khiến cho từ một di tích có quy mô nhỏ, đến nay, các đoàn khách phải đặt trước 1,5 - 2 tháng mới có thể tham gia trải nghiệm tour đêm.

Khẳng định việc tổ chức Hội nghị khách hàng sẽ tạo cú hích cho việc nâng cao chất lượng phục vụ du khách đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, di sản văn hóa là “mỏ vàng” của du lịch. Bảo tàng Hồ Chí Minh là địa chỉ quan trọng hàng đầu, nơi có những tài liệu, hiện vật vô giá về Bác Hồ. Vì vậy, những nỗ lực đổi mới cùng sự kết nối, đồng hành với các doanh nghiệp lữ hành, du lịch sẽ là giải pháp quan trọng để nơi đây thực sự trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách đến với Thủ đô Hà Nội.

Ông Vũ Mạnh Hà bày tỏ, những câu chuyện, giải pháp được đưa ra tại Hội nghị là những chia sẻ hết sức quý báu. Hy vọng sự lắng nghe - thay đổi sẽ tạo ra những giá trị mà các bên đều có lợi, vừa góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, vừa góp phần tạo ra các giá trị vật chất đích thực.

 PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc