Lời giải cho người cao tuổi

VHO - Cán bộ, công chức hay công nhân công nghiệp đến tuổi nhỉnh hơn sáu mươi bắt đầu nghỉ công việc chuyên môn của mình. Từ tuổi này, cuộc đời có vẻ như dần ngắn lại, nhưng trước mắt là thời gian dài rộng, không ràng buộc, muốn làm gì thì làm. Người ta gọi những người này là “tỉ phú thời gian”. Những tỉ phú thời gian này thường làm gì? Người tiếp tục công việc chuyên môn của mình theo một cách khác. Người quay về lo việc tộc họ, thờ cúng ông bà. Người tập trung vào tập thể dục, thư giãn bằng cà phê, làm thơ, đi du hý.

Người đóng đinh ở nhà suốt ngày mở điện thoại thông minh, lướt xem thông tin, lên mạng xã hội để đăng, bình, tương tác, rồi xem ti vi, sửa cây cảnh. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi cách, có người vui nhưng không ít người buồn, hay than thở, trách móc.

Quay nhìn về người nông dân hay ngư dân, ta thấy họ cứ tự nhiên sống, tự nhiên đi làm cho đến khi không còn làm việc được nữa, hầu như ở họ không có tình trạng như vậy. Mới thấy rằng chỗ khác nhau ở đây là người ta biết làm gì và không biết làm gì. Người cao tuổi, sau tất cả những tiêu khiển, thời gian trống rất lớn còn lại bỗng trở nên cảm giác vô vị. Quả nhiên đời sống văn hóa tinh thần của người cao tuổi chính là một vấn đề lớn, có khi còn lớn hơn nhu cầu vật chất. Bởi tiền bạc không thiếu vì nhu cầu ăn mặc cũng ít, nhưng sống không biết làm gì mới trở thành vấn đề.

Quan sát thấy nhiều nơi hội người cao tuổi cũng như các cơ quan nhà nước có nhiều sự chăm lo cho người cao tuổi, và người cao tuổi cũng chủ động tham gia nhiều hoạt động. Thấy có nhiều người tham gia bảo tồn văn hóa địa phương, dân tộc. Nhiều người tham gia các chương trình văn nghệ người cao tuổi. Nhiều người tham gia công tác từ thiện xã hội. Nhưng bấy nhiêu có lẽ cũng chưa phải bài giải cho đời sống tinh thần. Thấy ở Nhật, nhiều người cao tuổi vẫn tham gia lao động phù hợp với tuổi của mình. Người ta đi làm có thể để kiếm thêm thu nhập nhưng quan trọng hơn là thấy thời gian sống của mình có nhiều ý nghĩa. Thấy những người đàn ông cao tuổi, có người bán lẻ ở cửa hiệu tạp hóa. Số người cao tuổi khác tham gia lau kính ở một buyn-đinh. Tại khu công viên của bảo tàng nạn nhân bom nguyên tử ở Hiroshima, có diện tích khoảng 6 ha, thấy các bà cụ cầm chổi quét lá, hỏi ra thì họ là những tình nguyện viên của bảo tàng.

Mỗi người một cách thức để giải quyết cái quỹ thời gian của mình, có người vui, cũng có người không vui. Không vui chủ yếu bởi không biết làm gì. Văn nghệ thì thanh sắc không còn như hồi trẻ. Lo việc họ, việc từ thiện thì chỉ là những thời khắc. Cà phê, du hý, lướt điện thoại, xem ti vi hoài rồi cũng chán. Vậy thì làm gì cho hết thời gian?

Sực nhớ khi xưa, những ông bà nông dân quần quật việc đồng áng, vậy mà ban đêm vẫn chong ngọn đèn dầu để đọc Thủy hử, Tam quốc. Những người già khi không còn làm được gì nữa cũng say các truyện tương tự thế này như điếu đổ. Thời hiện đại, người ta bỗng cuốn theo nhịp “sống nhanh” với mạng xã hội, mãi theo những sự vụ nóng hổi, mà quên mất nhịp “sống chậm” với sách. Sách, mà trọng tâm là sách văn học, chính là cách tiêu thụ thời gian rất hợp lý cho người cao tuổi. Đọc sách, người ta vừa tiêu khiển, vừa như sự rèn luyện trí não, thấm thía với những nghĩa lý cuộc đời mà các nhà văn nhiều thế hệ gửi gắm trong đó. Không chỉ “truyện Tàu” vô cùng hấp dẫn, mà ngày nay ta còn dễ tiếp cận với vô số sách dịch với những tuyệt phẩm, từ Nga, Tây Âu, Mỹ, Nhật, Mỹ La-tinh, tất nhiên không thể quên các tác phẩm kinh điển trong nước.

Các thư viện công cộng, các nhà sách, mỗi gia đình có thể “tư vấn” cho người cao tuổi về phương hướng giải quyết thời gian bằng đọc sách. Tất nhiên sách không phải là giải pháp duy nhất, nhưng nên là giải pháp quan trọng trong lời giải về quỹ thời gian của người cao tuổi. 

 CAO CHƯ

Ý kiến bạn đọc