Thêm một nghệ sĩ piano quốc tế “đi để trở về “

VHO- Học viện Âm nhạc và Trình diễn nghệ thuật Soul (SMPAA), TP.HCM vừa chính thức công bố tân Trưởng khoa Piano từ năm học 2020-2021, đó là nghệ sĩ biểu diễn piano quốc tế Nguyễn Đức Anh, gương mặt triển vọng mang âm nhạc hàn lâm đến gần hơn với công chúng.

Thêm một nghệ sĩ piano quốc tế “đi để trở về “ - Anh 1

Sinh năm 1991 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, Nguyễn Đức Anh được tiếp xúc với âm nhạc từ khi còn nhỏ. Anh bắt đầu học piano từ năm 7 tuổi tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Năm 2013, anh tiếp tục theo học tại Nhạc viện Freiburg - CHLB Đức. Tại đây, năm 2017 Nguyễn Đức Anh đã hoàn thành bằng Cử nhân và Thạc sĩ Piano chuyên ngành Biểu diễn. Anh sinh sống và làm việc ở Leipzig, CHLB Đức với tư cách là nghệ sĩ và giảng viên piano. Anh đã giành được nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế, trong đó nổi bật là giải Nhì (không có giải Nhất) tại cuộc thi Piano quốc tế Alkan-Zimmerman tại Athens năm 2014; là nghệ sĩ khách mời trong Lễ kỉ niệm 40 năm Quan hệ Ngoại giao Việt Nam - CHLB Đức tại Berlin năm 2015; giành được học bổng của nhà nước Đức cho sinh viên xuất sắc trên toàn quốc năm 2015; nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được tôn vinh là một trong 10 đại biểu danh dự người Việt Nam tại Đức có thành tích vượt trội, cống hiến cho nghệ thuật do Đại sứ quán Việt Nam tại Đức trao tặng...

Trong buổi lễ công bố, nghệ sĩ Nguyễn Đức Anh đã có màn trình diễn “chào sân” ấn tượng với những giai điệu thăng hoa trong các tác phẩm bất hủ của những nhà soạn nhạc vĩ đại như Sonata Op. 13 No.2 của Ludwig van Beethoven và Grand Sonata Op. 33 - 1st movement của Charles-Valentin Alkan. Sau khi thành danh tại nước ngoài, trở về Việt Nam trong vai trò Trưởng khoa Piano của SMPAA là một trong những cột mốc mang tính bước ngoặt trong hành trình nghệ thuật của Nguyễn Đức Anh. Anh chia sẻ: “Tôi tin rằng cùng sứ mệnh tạo nên môi trường giáo dục nghệ thuật "mở", chặng đường mới tại SMPAA sẽ tập trung vào nuôi dưỡng niềm yêu thích đam mê với âm nhạc nghệ thuật hơn là tạo nên những áp lực như cách giáo dục truyền thống”.

A.HUY

Ý kiến bạn đọc