Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

70 năm thành lập Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam: Xứng đáng để tự hào

Thứ Bảy 25/12/2021 | 15:10 GMT+7

VHO-Sáng 26.12, Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã diễn ra với sự hiện diện của các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí Thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới dự và chúc mừng các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát.

Nhiều thế hệ cán bộ, nghệ sĩ đã về dự Lễ kỷ niệm 

Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tiền thân là Đoàn văn công nhân dân Trung ương, qua 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát luôn là nơi quy tụ những tên tuổi lớn của nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Đây cũng là nơi ra đặt nền móng cho nhiều hình thức nghệ thuật biểu diễn ca, múa, nhạc ở Việt Nam như: Độc tấu nhạc cụ dân tộc, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hòa tấu dàn nhạc giao hưởng, nhạc kịch…

Với định hướng phát huy vốn văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, vừa giữ được cốt cách dân tộc, vừa mang hơi thở của thời đại, 70 năm qua, Nhà hát đã xây dựng hàng nghìn tiết mục phục vụ công chúng, nhân dân trên mọi miền Tổ quốc, trong kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng cuộc sống mới. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định 70 năm một chặng đường phấn đấu sáng tạo không ngừng của nhiều thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, người lao động, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam đã thực sự trở thành cái nôi nghệ thuật lớn, hội tụ tỏa sáng của nhiều nghệ sĩ tài năng tâm huyết, tên tuổi gắn liền với chặng đường phát triển rực rỡ vinh quang của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Với những đóng góp của mình, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và nhiều phần thưởng khác.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Thứ trưởng cũng bày tỏ sự chia sẻ với những thành tựu và đóng góp của các nghệ sĩ, cán bộ Nhà hát thế hệ hôm nay. Trong thời kỳ đổi mới, trước sức ép của cơ chế thị trường, với sự bùng nổ của công nghệ truyền thông đã làm thay đổi căn bản xu hướng tiếp cận các loại hình văn hóa nghệ thuật, nhiều loại hình giải trí mới ra đời, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường giải trí đã làm ảnh hưởng tới các hoạt động nghệ thuật của các Nhà hát. Khắc phục khó khăn, tập thể lãnh đạo và các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã kiên trì định hướng nghệ thuật là bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật ca múa nhạc dân gian dân tộc. Thay đổi tư duy, quan điểm nghệ thuật biểu diễn, thích ứng với xu thế xã hội, xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng cao phục vụ nhu cầu nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị. 

Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm có sự tham gia của nhiều thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát

Nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ ngày càng cao của khán giả trong và ngoài nước, đồng thời để Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam phát triển vững mạnh, đạt nhiều thành tích hơn nữa trong hoạt động nghệ thuật, Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo Nhà hát phải luôn quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra với tinh thần “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hội nhập quốc tế….”; Tập thể Lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên, người lao động Nhà hát luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, xây dựng đơn vị vững mạnh về tổ chức, chú trọng đào tạo tài năng trẻ, nghệ sĩ có lòng yêu nước, đạo đức nghề nghiệp trình độ chuyên môn; Nhà hát cần không ngừng tìm tòi, đầu tư, xây dựng nhiều tác phẩm có chất lượng nhằm tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi hơn nữa với nhân dân trong nước, đặc biệt là khán giả trẻ và bạn bè thế giới, nêu cao hơn nữa trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống xứng đáng là “Cánh chim đầu đàn” của nghệ thuật ca múa nhạc Việt Nam; Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam cần tập trung mọi nguồn lực, phát triển cơ sở vật chất, tăng cường hợp tác quốc tế …chủ động đối diện và vươn lên thách thức trong tình hình mới. Vững bước đi lên trong cơ chế thị trường, không ngừng nâng cao đời sống của nghệ sĩ, diễn viên, người lao động.

Chứng kiến những khó khăn của nghệ thuật biểu diễn thời gian qua trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh mới thấu hiểu và trân trọng hơn những nỗ lực mà Ban Giám đốc và cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã làm. Nhà hát đã trở thành một điểm sáng nổi bật đóng góp cùng với ngành tìm đủ mọi biện pháp để vượt qua khủng hoảng bằng những hoạt động thiết thực, có sức lan toả mạnh mẽ đối với toàn xã hội. Cùng với 12 đơn vị nghệ thuật của Bộ VHTTDL, Nhà hát đã thực hiện các chương trình online phát sóng 2 tuần lần trên kênh Youtube, chủ động kết hợp với các Đài Truyền hình thực hiện 6 chương trình biểu diễn trực tuyến phục vụ nhân dân. Nhà hát còn xây dựng các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị như: Chương trình chào mừng thành công Đại hội Đảng XIII, Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trao giải Báo chí, Hội Nghị Văn hoá toàn quốc 2021, Ngày hội Di sản Văn hoá đoàn kết các dân tộc… cùng nhiều chương trình lớn mà Đảng và Nhà nước tin tưởng giao cho. Đó là niềm tự hào, niềm vui và vinh dự của Nhà hát. 

 

 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng chia vui với các cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát

 

 Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh khẳng định, đó là sự đoàn kết, đồng lòng của các cán bộ, công nhân viên, tài năng và nhiệt huyết của đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ cùng hoạt động theo tiêu chí “Lấy sản phẩm là thước đo công việc” đã tạo nên những thành công của Nhà hát. Việc đảm bảo đời sống, ổn định tư tưởng cho trên 170 cán bộ, nghệ sĩ, người lao động là bài toán khó có lời giải thoả đáng đặt ra cho Ban lãnh đạo Nhà hát. Nhưng với phương châm “Không để ai ở lại phía sau” cộng với tinh thần đoàn kết, thấu hiểu và cùng nhau chia sẻ khó khăn vất vả nên mọi chế độ chính sách, lương hàng tháng của cán bộ, nghệ sĩ và người lao động vẫn được đảm bảo. Có những thời điểm khó khăn nhất, Nhà hát vận động anh em chỉ hưởng nửa lương, từ Ban Giám đốc đến các nghệ sĩ chỉ hưởng mức lương 4 triệu/tháng. Rất hạnh phúc và cảm động là anh chị em đều đồng ý, đồng lòng, gắn kết và xác định rõ: Nhà hát phải tồn tại thì mới thành công. Giám đốc Nhà hát Nguyễn Hải Linh nhấn mạnh: “Các thế hệ nghệ sĩ đi trước đã để lại một gia sản không nhỏ các chương trình, tác phẩm nghệ thuật cho nhà hát và nghệ thuật ca múa nhạc nước nhà. Các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ ngày hôm nay đang đứng trên vai người khổng lồ và chắc chắn chúng tôi sẽ không thể ngủ quên bởi chiến thắng. Chúng tôi sẽ luôn phấn đấu từng bước để ngày càng đưa Nhà hát phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng là cánh chim đầu đàn của nền nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã được xem một chương trình nghệ thuật mang tên Những cánh chim không mỏi với sự tham gia của các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát vô cùng trang trọng và xúc động. Các tác phẩm phần lớn đều đo chính các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát sáng tác. Có thể cảm nhận được phần nào sự lớn mạnh cũng như trình độ chuyên nghiệp của đội ngũ nghệ sĩ ngày hôm nay Nhà hát. NSND Đỗ Tiến Định, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam chia sẻ: “Chương trình có sự tham gia của hơn 50 nghệ sĩ đã nghỉ hưu, họ vẫn đàn, vẫn hát bên thế hệ trẻ ở độ tuổi 18, đôi mươi. Sự hiện diện của các thế hệ nghệ sĩ trên cùng một sân khấu hôm nay đã giúp cho chương trình càng trở nên thiêng liêng và ý nghĩa, chúng tôi như những con tằm vẫn tiếp tục nhả tơ, cống hiến cho đời những điều tốt đẹp. Chúng tôi hết sức tin tưởng, tự hào về thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nghệ sĩ hôm nay. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn vừa phải độc lập tự chủ về kinh tế, vừa phải đối diện với ảnh hưởng của dịch Covid-19 mấy năm nay. Khó khăn tăng lên gấp 10 lần so với bình thường, vậy mà Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam vẫn đứng vững vàng trên đôi chân của mình, vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ là điều đáng khâm phục”. 

Từng hàng chục năm đảm nhiệm cương vị Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), NSND Chu Thuý Quỳnh bồi hồi xúc động : “14 tuổi tôi đã trúng vào Nhà hát khi đó là Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương, cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi gắn bó và trưởng thành từ Nhà hát. Theo sát từng bước từng giai đoạn phát triển của Nhà hát đến nay, chúng tôi rất mừng vì thế hệ cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát hôm nay đã rất bản lĩnh và vững vàng, làm dày thêm truyền thống 70 năm bằng những thành tích đáng ghi nhận, đó là các chương trình nghệ thuật của Nhà hát luôn được đánh giá cao qua các kỳ liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Điều nđó khảng định phương hướng và cách làm của Nhà hat Ca múa nhạc Việt Nam là đúng, năng động, sáng tạo, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội và xứng đáng là cách chim đầuđàn của ngành nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp nước nhà”.

 

Một số tiết mục tại chương trình nghệ thuật chào mừng 

 

Có những thời điểm được Chính phủ, Nhà nước và lãnh đạo Bộ VHTTDL tin tưởng, Nhà hát cùng lúc thực hiện xây dựng từ 5 đến 7 chương trình nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng, tạo được dấu ấn riêng. Nhà hát tự hào khi có một bộ máy đầy đủ nhân lực từ đội ngũ sáng tạo, thiết kế đến tập thể nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu thực hiện các chương trình với nhiều format khác nhau, từ truyền thống cho tới đương đại. Khối lượng sản phẩm nghệ thuật khổng lồ được Nhà hát lưu giữ và trở thành kho tư liệu vô giá. Điều này đã làm nên sự khác biệt với nghệ thuật thị trường chỉ mang tính thương mại và có giá trị nhất thời. Bước vào năm 2021, chủ trương của Ban lãnh đạo Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đó là làm sao khẳng định hơn nữa vị trí và trách nhiệm của một “cánh chim đầu đàn” trong làng ca múa nhạc chuyên nghiệp, bên cạnh việc tiếp tục nhiệm vụ bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, Nhà hát sẽ phải nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo cái mới để thay đổi chính mình bằng những chương trình nghệ thuật vừa mang đậm giá trị truyền thống, vừa tiếp cận được các giá trị của nghệ thuật đương đại. Đồng thời duy trì Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ thành một điểm đến văn hóa nghệ thuật hấp dẫn với khán giả Thủ đô.

THUÝ HIỀN, Ảnh :  ĐÀO ANH, T.T

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top