Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

19 Tháng Ba 2024

Ứng dụng công nghiệp 4.0 vào nghệ thuật biểu diễn: Ai cũng mong nhưng còn “nghèo quá”

Thứ Sáu 13/09/2019 | 17:15 GMT+7

VHO- Hiện cả nước có khoảng tám mươi nhà hát, công trình có chức năng tương đương đang hoạt động nhưng lại có rất ít đơn vị có thể áp dụng những thành tựu của các mạng công nghiệp 4.0 vào trong hoạt động của mình. Đơn vị có tư duy đổi mới thì cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị âm thanh, ánh sáng lại quá nghèo nàn, lạc hậu không thể đáp ứng yêu cầu. Có đơn vị đủ điều kiện nhưng lại không có nhân lực đủ khả năng sử dụng và phát huy kỹ thuật hiện đại. 

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì hội thảo

Thất khó mà lạc quan cho được

Tại Hội thảo khoa học “Tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật” do Bộ VHTTDL tổ chức, rất nhiều ý kiến cho rằng nghệ thuật biểu diễn rất mong muốn áp dụng công nghệ hiện đại vào nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên sự thiếu đồng bộ đã dẫn tới nhiều đơn vị vẫn chỉ dừng ở cảnh “con nhà nghèo” và việc ứng dụng công nghệ vẫn là khoảng trống khó lấp khiến nghệ thuật biểu diễn đang dần tụt hậu. 

“Chúng tôi rất yêu CMCN 4.0, muốn thực hành theo CMCN 4.0 nhưng cơ sở vật chất sân khấu nhà hát thời bao cấp quá cũ kỹ, nghèo nàn, lạc hậu, bé nhỏ, ọc ạch, lỗi thời nên không sao “vung tay” lên được!”, PGS, TS Trần Trí Trắc cho biết ông đã nhận được câu trả lời như vậy của rất nhiều nghệ sĩ được coi là “cấp tiến” về công nghệ. TS, NSƯT Trần Văn Hải, Q. Giám đốc Học viện Múa VN cho rằng các nhà hát chưa tiến kịp sự sáng tạo của nghệ thuật đương đại về các mặt như không gian sân khấu, trang thiết bị kỹ thuật và đội ngũ kỹ thuật phục vụ biểu diễn nghệ thuật bằng trang thiết bị kỹ thuật công nghệ mới. Nhiều nhà hát trên cả nước đã quá cũ, không gian nhỏ hẹp không đáp ứng lắp đặt các trang thiết bị kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, thiết kế đồ hoạ, kiến trúc mỹ thuật sân khấu… 

Còn GS, TS Lê Thị Hoài Phương lại nói, hiện trang sân khấu mà chúng ta đang đề cập ở đây giống như bàn tới chuyện của nhà giầu khi nhắc tới cụm từ CMCN 4.0. Thật khó mà lạc quan được khi mà cho đến nay trang thiết bị sân khấu ngay như ở các nhà hát trung ương cũng đã quá cũ kỹ, lạc hậu, thiếu thốn. Phương tiện máy móc và đạo cụ học tập cho sinh viên các trường đại học sân khấu, điện ảnh rất thiếu và cũ kỹ... Thế thì sân khấu với cách mạng 4.0 như thế nào đây. 

Khán giả trẻ nô nức nhận vé mua qua online trước giờ biểu diễn ở Nhà hát Tuổi Trẻ

Nhưng cũng không thể đứng ngoài được..

Thẳng thắn nhìn nhận nếu đứng ngoài cuộc với công nghệ, với CMCN 4.0 thì nghệ thuật biểu diễn sẽ bị đào thải, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, chủ trì Hội thảo cho biết đây là lý do mà Bộ VHTTDL đã tổ chức hội thảo này cũng như liên tiếp các cuộc hội thảo về tác động của CMCN 4.0 với các lĩnh vực khác như điện ảnh, mỹ thuật.  Đây là dịp để cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các nghệ sĩ, nhà quản lý, đại diện các cơ quan đơn vị hoạt động trong ngành biểu diễn nghệ thuật để thống nhất các giải pháp cho phù hợp tình hình mới. 

Theo ThS Nguyễn Công Tú, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, các nhà hát trên cả nước có lẽ đang ở giai đoạn đầu của 3.0. Ông cho rằng rất cần có sự quan tâm của Nhà nước, các cấp Bộ ngành; cần có chiến lược đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực về các lĩnh vực này một cách bài bản và đặc biệt chuyên sâu; có những chính sách cụ thể với những người làm âm thanh và ánh sáng cho nghệ thuật biểu diễn; cần có sự đánh giá đúng bản chất vấn đề của âm thanh, ánh sáng và AR hiện đại và phải coi nó như là một thành phần đồng sáng tạo trong nghệ thuật biểu diễn mà xưa nay coi nó là không quan trọng. Đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, ThS Vũ Nhật Tân cho biết hầu hết các trường đại học và học viện âm nhạc lớn trên thế giới hiện nay đều đã thiết lập và xây dựng xong hệ thống studio âm nhạc điện tử và  khoa âm nhạc điện tử, tập trung vào đào tạo thử nghiệm ứng dụng các yếu tố mới nhất trong công nghệ vào quá trình sáng tạo. Nhờ vậy, họ ngày càng phát triển nhanh hơn và nâng cao chất lượng phổ cập âm nhạc tới công chúng hơn, thay bằng việc ứng dụng tự phát và tự học như ở ta, khi mà nước ta chưa hề có một Studio âm nhạc điện tử hoặc khoa âm nhạc điện tử tại một trường đại học- học viện nào.

  Hiện trang sân khấu mà chúng ta đang đề cập ở đây giống như bàn tới chuyện của nhà giầu khi nhắc tới cụm từ CMCN 4.0. Thật khó mà lạc quan được khi mà cho đến nay trang thiết bị sân khấu ngay như ở các nhà hát trung ương cũng đã quá cũ kỹ, lạc hậu, thiếu thốn. Phương tiện máy móc và đạo cụ học tập cho sinh viên các trường đại học sân khấu, điện ảnh rất thiếu và cũ kỹ... Thế thì sân khấu với cách mạng 4.0 như thế nào đây.  GS, TS Lê Thị Hoài Phương

Từ thực tiễn hoạt động của mình, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN cho rằng việc áp dụng công nghệ trong nghệ thuật xiếc sẽ tạo nên "sản phẩm nghệ thuật" độc đáo, việc làm mới về kỹ thuật biểu diễn đối với một tiết mục xiếc là rất khó khăn, để nâng cao một động tác kỹ thuật xiếc cũng phải mất hàng năm, vì vậy ứng dụng công nghệ hiện đại vào sân khấu, ánh sáng, hình ảnh và thiết kế đạo cụ là vô cùng quan trọng. Để hấp một chương trình nghệ thuật xiếc mới, đặc biệt là đối với các màn biểu diễn ảo thuật sẽ trở nên kỳ bí với những biến hóa trên sân khấu nhờ sự tương tác với màn hình, điều khiển thiết bị bằng sóng điện tử...

Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn tổng hợp, xây dựng kế hoạch ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 tư vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Xây dựng chính sách, giải pháp đột phá để phát triển ngành, trước hết xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối ngành. Các đơn vị nghệ thuật xây dựng sản phẩm thiết thực phù hợp với lĩnh vực hoạt động mà đơn vị đang quản lý... Thứ trưởng nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn phải dựa trên nền tảng nghệ thuật, kỹ thuật và kinh tế, phù hợp với từng loại hình nghệ thuật biểu diễn, chú trọng đến bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Cơ quan quản lý nhà nước cần lựa chọn, có chính sách đặc thù trong ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực biểu diễn, tập huấn việc ứng dụng công nghệ đối với nhân lực nghệ thuật cho các cơ quan quản lý, các nhà hát, các nghệ sĩ... 

Thứ trưởng cũng cho rằng yếu tố quan trọng nhất để có thể chủ động ứng dụng công nghệ vẫn là con người. “Cần xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong đó cần có sự hài hòa, đồng bộ giữa đào tạo nhân lực sáng tác, biểu diễn với đội ngũ ứng dụng công nghệ cung cấp các dịch vụ liên quan để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ văn hóa về biểu diễn nghệ thuật. Trong đó vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, tạo cơ hội để nghệ sĩ được tiếp cận các nền biểu diễn nghệ thuật tiên tiến. Đồng thời cũng cần lựa chọn ứng dụng công nghệ để phù hợp với từng loại hình biểu diễn, đặc biệt là việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.  

HIỀN LƯƠNG-NGỌC NHIÊN


 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top