Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

28 Tháng Ba 2024

Chuyển động văn học nhìn từ văn hóa

Thứ Tư 18/01/2023 | 23:00 GMT+7

VHO- Trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Văn hóa còn dân tộc còn. Đòn bẩy chính sách văn hóa chính là hiện thực hóa đường lối “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Bác Hồ.

Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X tại TP Đà Nẵng, một trong những điểm nhấn của đời sống văn học trong năm 2022  Ảnh: Xuân Quỳnh 

Chuyển động văn học

Văn học, nghệ thuật được xác định là bộ phận tinh tế nhất của văn hóa, phù hợp với truyền thống dân tộc: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu (Nguyễn Trãi - Bình ngô đại cáo). Tính đến năm 2020, Hội Nhà văn Việt Nam có 1.623 hội viên, trong đó có gần 200 nhà văn nữ, hơn 300 nhà văn - nhà giáo, hơn 400 nhà văn mặc áo lính. Đó là những con số biết nói. Nhưng hiện tượng già hóa (gần 70% hội viên tuổi trên 60) đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải trẻ hóa đội ngũ. Vì thế, chiến lược của Hội Nhà văn Việt Nam trong tương lai (gần và xa) là cần bồi đắp, kiến tạo nên một lực lượng mới trẻ và khỏe.

Văn trẻ phát triển theo quy luật tất yếu “tre già măng mọc”. BCH Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025) đã tập trung cho đề án “Văn trẻ” như một đường hướng phát triển văn học trong thời kỳ lịch sử mới. Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X (tổ chức tại TP Đà Nẵng, tháng 6.2022, có gần 120 đại biểu chính thức tham dự), với khẩu hiệu “Vì sao chúng ta viết?”, được hiểu đồng thời cũng là câu trả lời có tầm nhìn xa trong lao động sáng tạo. Các cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1998-2019) tạm ngưng để thay thế bằng Giải thưởng thường niên Văn học trẻ được BCH Hội Nhà văn Việt Nam phát động và thu được những thành tích đáng cổ vũ. Tuy nhiên, trong bước đi ban đầu không tránh khỏi những sai sót, nhưng trên tinh thần cầu thị, BCH Hội Nhà văn Việt Nam đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, khẩn trương khắc phục hậu quả.

 Văn học thiếu nhi, tương lai của đất nước, được quan tâm sâu sắc hơn (Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập Hội đồng Văn học thiếu nhi thay cho Ban chuyên môn trước đó). “Quỹ văn học thiếu nhi” được đề xuất thành lập, đã hứa hẹn những tiền đề lạc quan cho một khu vực sáng tác lâu nay nặng về hình thức. Giải thưởng Dế Mèn đã kích thích tinh thần sáng tác của nhà văn với tâm niệm cống hiến tất cả những tác phẩm tốt đẹp nhất cho lớp măng non của đất nước.

Đời sống văn học năm 2022 được xem xét trong một không gian - thời gian đặc biệt, được coi là “Năm văn hóa Việt Nam”, khi UNESCO, từ tháng 11.2021, vinh danh hai nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương là Danh nhân văn hóa thế giới. Tỉnh Bến Tre và Nghệ An đã tổ chức trọng thể lễ đón nhận bằng Danh nhân văn hóa thế giới của hai “nghệ sĩ ngôn từ lớn” của dân tộc trong một chuỗi sự kiện văn hóa có ý nghĩa.

Sứ mệnh hòa giải, hòa hợp dân tộc của văn học là một “điểm nhấn”, hay là “điểm độc sáng” được cả xã hội quan tâm hiện nay. Hiện tượng đặc sắc nhất trên phương diện này là sự xuất hiện tiểu thuyết Hương của nhà văn Nguyễn Thụy Kha, do NXB Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành (quý III, năm 2022), với số lượng lần in thứ nhất 2.500 bản (trong đó 1.000 bản dành ưu tiên chuyển tới bà con Việt kiều đang định cư tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới). Đây có thể coi là sự tiếp nối liền mạch tinh thần “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” - một sự kiện văn học quan trọng do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2017, với sự tham gia của gần 30 nhà văn từ nước ngoài về Việt Nam tham dự. Cuộc gặp gỡ “vô tiền khoáng hậu” này thể hiện tình nghĩa đồng bào, con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt, thể hiện chủ nghĩa nhân văn cao cả “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, vì nền văn học Việt Nam thống nhất trong mt nền văn hóa thống nhất có truyền thống hàng ngàn năm.

Tiểu thuyết “Hương” của nhà văn Nguyễn Thụy Kha viết về tình yêu, tình người ở chiến trường Quảng Trị năm xưa, được xem là hiện tượng văn học trong năm 2022   Ảnh: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật

Chấn hưng văn hóa đọc là một nhiệm vụ kép của phát triển bền vững văn học. Năm 2022, nhiều sự kiện có hàm lượng văn hóa được tổ chức, kích thích văn học phát triển. Tiếp sau cuộc thi Viết về cuốn sách yêu thích của em do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức (lần thứ X, 2020), chủ yếu dành cho đối tượng học sinh phổ thông, cuộc thi Viết về cuốn sách yêu thích của bạn mở rộng đối tượng ở mọi lứa tuổi, trong phạm vi cả nước và cả ở nước ngoài, tờ báo của “phái đẹp” được cư dân, nhất là phụ nữ Hà thành yêu quý, tiếp tục một hoạt động chấn hưng văn hóa đọc.

Giải sách Quốc gia 2022 dành cho 2 tác phẩm văn học Cô bé nhìn mưa (hồi ký) của PGS.NGƯT Đặng Thị Hạnh (ĐHQG Hà Nội) và Nậm Ngặt mây trắng (tiểu thuyết) của nhà văn, cựu chiến binh Nguyễn Hùng Sơn đã khẳng định vị thế của văn học trong nhiệm vụ xây đắp các giá trị tinh thần “chân - thiện - mỹ”. Nhiều cá nhân và tổ chức gần đây đã xây dựng “Tủ sách cộng đồng”, đặc biệt ưu tiên vùng sâu, vùng xa như một cách thức chấn hưng văn hóa đọc của người Việt Nam trong thời đại văn hóa nghe nhìn và công nghiệp giải trí lên ngôi, bành trướng. Đây là dấu hiệu đáng phấn khởi, tin tưởng khi sách (giấy) truyền thống được tôn vinh.

Niềm hy vọng thiêng liêng

Đề án “Đào tạo tài năng sáng tác văn học” do Bộ VHTTDL xây dựng từ năm 2017 đã được hiện thực hóa (nhiệm vụ cụ thể được giao cho khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội). Sinh viên học ở đây đã được thụ hưởng chính sách văn hóa mới từ niên học 2020-2021. Tất nhiên, tài năng văn học do nhiều yếu tố cấu thành (thiên bẩm, lòng kiên nhẫn), nhưng học tập (suốt đời) là một cách thu nhận (nạp năng lượng) văn hóa. Nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, không có nghĩa là ngồi đợi mà phải phát hiện, bồi dưỡng, phải tạo “không gian văn hóa nhân văn” để những hạt giống tốt nảy nở trên một thung thổ tích cực, giàu có.

“Giấc mơ Nobel văn học” đang kích thích sự hưng phấn sáng tác với mọi thế hệ cầm bút (không biết lớp nhà văn trẻ có thực sự hào hứng quan tâm hay không?). Văn học Việt Nam quả thực còn rất khiêm tốn trên bản đồ văn học thế giới. Không ít người nại ra lý do vì “Tiếng Việt cô đơn” (!?). Nhưng, vấn đề then chốt là chúng ta còn thiếu những tài năng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nghệ thuật ngôn từ. Hiện chúng ta đang ở trong tình trạng “nhập siêu” văn học thế giới. Nhưng sẽ đến một ngày tình trạng này được cải thiện. Nếu thực sự quyết tâm, “Giấc mơ Nobel văn học” không phải là một cái gì quá xa vời hay viển vông. Ai trong số các nhà văn Việt Nam sẽ là người mang vinh quang về cho đất nước như GS Ngô Bảo Châu với Giải Fields (được coi như Nobel Toán học). Có thể, chúng ta sẽ phải chờ đợi những công dân Việt Nam hôm nay còn đang ngồi trên ghế nhà trường (hoặc chưa ra đời), nhưng như người ta nói, đôi khi chờ đợi cũng gây men niềm vui, hưng phấn và có thể là hạnh phúc trong hồi hộp với điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai.

BÙI VIỆT THẮNG  

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top