Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Giải trí

28 Tháng Ba 2024

Người sáng tạo nghệ thuật độc đáo từ tăm giang

Thứ Tư 17/05/2023 | 09:54 GMT+7

VHO- Nhiều tác phẩm sáng tạo của KTS Hoàng Tuấn Long (SN 1974, TP.HCM) đã thu hút du khách trong nước và quốc tế chiêm ngưỡng. Điểm nhấn của những công trình sáng tạo này là sử dụng vật liệu từ cây giang (họ tre) thân thiện với môi trường và gần gũi trong đời sống và văn hóa của người Việt Nam.

 

 Người dân và du khách tại Huế tham gia thực hiện tác phẩm “Bản đồ Việt Nam” bằng tăm giang

Nhiều năm làm thiết kế công trình, đến năm 2012, KTS Hoàng Tuấn Long bắt tay sáng tạo mô hình các công trình kiến trúc nổi tiếng bằng vật liệu tăm giang. Ban đầu, anh kể rằng chỉ làm cho vui vì đam mê sáng tạo của bản thân, nhưng không ngờ những tác phẩm của anh thực sự đã thu hút công chúng.

Tái hiện những công trình di sản kiến trúc nổi tiếng thế giới

Đến năm 2016, tác phẩm về mô hình chùa Một Cột được làm bằng tăm giang của anh đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập kỷ lục là “Mô hình chùa Một Cột bằng tăm giang lớn nhất”. Cũng từ dịp đó, nghệ thuật Boarc độc đáo do KTS Hoàng Tuấn Long sáng tạo đã được cộng đồng biết đến rộng rãi hơn.

Nghệ thuật Boarc là loại hình nghệ thuật kết hợp giữa vật liệu truyền thống từ cây giang với công nghệ laser trên các tấm acrylic, nhằm tạo nên sự gắn kết để sáng tạo ra những mô hình độc đáo, bắt mắt. Tăm giang là vật dụng quen thuộc trong cuộc sống của người dân Việt Nam, trong khi đó các chi tiết cắt laser lại đòi hỏi kỹ thuật hiện đại và tư duy thiết kế. Chính vì thế những tác phẩm mô hình kiến trúc bằng tăm giang vừa đậm nét truyền thống, vừa mang giá trị kiến trúc hiện đại và tinh tế. Sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống và hiện đại là điểm nhấn độc đáo của những tác phẩm theo nghệ thuật Boarc. KTS Hoàng Tuấn Long chia sẻ, “khi thực hiện mô hình kiến trúc chùa Một Cột, tôi đã mất thời gian gần 6 tháng và sử dụng hơn 100.000 cây tăm giang. Đây là công trình lớn đầu tiên mà tôi thực hiện nên các công đoạn đều được thực hiện rất kỹ càng, tỉ mỉ, chi tiết, trong đó khó nhất là khâu thiết kế. Việc chuyển đổi một ngôi chùa có thực sang mô hình nghệ thuật sáng tạo rất khó. Sau công trình này, tôi có thêm nhiều kinh nghiệm hơn và tiếp tục thực hiện nhiều tác phẩm khác”.

Những tác phẩm sáng tạo theo phong cách nghệ thuật Boarc của KTS Hoàng Tuấn Long với những công trình kiến trúc, di sản văn hóa nổi tiếng, như công trình Ngọ Môn Huế, chợ Bến Thành, Tháp đồng hồ BigBen (Anh), đền Taj Mahal (Ấn Độ), Điện Capitol (Hoa Kỳ)… Các tác phẩm này liên tục được triển lãm ở các nước như Mỹ, Đức, Ấn Độ, Anh, Thái Lan, Singapore… và nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế chiêm ngưỡng. Năm 2020, KTS Long cũng đã vinh dự nhận kỷ lục thế giới do Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) với nội dung: Người đầu tiên trên thế giới sáng tạo và tái hiện các mô hình công trình di sản kiến trúc nổi tiếng trên thế giới bằng nghệ thuật Boarc. Mới đây, những tác phẩm mô hình kiến trúc bằng tăm giang của KTS Hoàng Tuấn Long đã được trưng bày và giới thiệu đến công chúng tại Triển lãm “Thiết kế sáng tạo thủ công” trong khuôn khổ tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế 2023 đã tạo dấu ấn mạnh trong lòng công chúng.

Lan tỏa năng lượng tích cực từ cộng đồng

Trong không gian triển lãm, đông đảo du khách cũng đã tham gia thực hiện dự án “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang” do KTS Hoàng Tuấn Long khởi động. Đây là dự án mang ý nghĩa giáo dục, hướng đến việc cộng đồng cùng chung tay hoàn thành tác phẩm, qua đó góp phần lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, nhất là trong giới trẻ. Để hoàn thành bản đồ Việt Nam này sẽ cần khoảng hơn 100.000 cây tăm giang, và dự kiến thực hiện trong vòng 6 tháng, với sự tham gia của khoảng 2.000 - 10.000 người tùy theo tốc độ.

“Ngay sau khi khởi động dự án ở TP.HCM, chúng tôi đã đưa đến Huế để cộng đồng cũng tham gia thực hiện. Sau đó, dự án sẽ đưa vào các điểm công cộng ở TP.HCM để người dân tiếp tục tham gia, và sẽ di chuyển ra Hà Nội và một số địa phương khác. Việc người dân ở khắp ba miền Bắc - Trung - Nam cùng hoàn thành tác phẩm “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang” sẽ lan tỏa năng lượng tích cực, mang ý nghĩa tự hào về lãnh thổ quê hương, đất nước”, KTS Long chia sẻ. Trước đó, tác phẩm “Vũ trụ Mandala” thực hiện theo phong cách nghệ thuật Boarc cũng được KTS Hoàng Tuấn Long khởi xướng và đã đón nhận sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng. Tác phẩm với hình tượng Mandala đặt ở trung tâm, bao bọc xung quanh là 379 chữ trong bài Chú Đại Bi (của Phật giáo), phía ngoài cùng là vòng tròn được cách điệu từ cánh hoa sen. Tác giả có ý tưởng từ năm 2021, song vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên năm 2022 mới thực hiện và hoàn thành trong vòng hơn 3 tháng.

Theo KTS Hoàng Tuấn Long, tác phẩm này sử dụng khoảng 27.000 cây tăm giang, và điều đặc biệt là 379 người cùng hoàn thiện 379 chữ của bài Chú Đại Bi. Với ý nghĩa mang đến sự gắn kết, bình đẳng, yêu thương nên việc cộng đồng cùng tham gia hoàn thiện tác phẩm là điều thành công của “Vũ trụ Mandala”. Năm 2022, tác phẩm được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục: “Vũ trụ Mandala”, tác phẩm tranh nghệ thuật bằng tăm giang theo phong cách Boarc với số lượng người tham gia thực hiện nhiều nhất (379 người). Tác phẩm này sẽ được đấu giá và làm thiện nguyện, hỗ trợ cho các em nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp nối từ ý nghĩa cộng đồng từ “Vũ trụ Mandala”, tác giả này khởi động dự án “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang” với mong muốn tạo nên tác phẩm văn hóa độc đáo, chuyển tải năng lượng tích cực để lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước trong cộng đồng. Tác phẩm thể hiện rõ cao độ tương đối của các vùng miền trên toàn lãnh thổ Việt Nam, sẽ góp phần giáo dục lịch sử - địa lý cho thế hệ trẻ. Sau khi hoàn thiện, tác phẩm này cũng sẽ đấu giá để làm thiện nguyện.

“Thông qua tác phẩm bản đồ Việt Nam bằng tăm giang, Vũ trụ Mandala, hay các mô hình kiến trúc các công trình nổi tiếng, tôi muốn giới thiệu đến cộng đồng, bạn bè trong nước và quốc tế về loại hình sáng tạo nghệ thuật bằng vật liệu thân thuộc của Việt Nam (tre) và do người Việt Nam sáng tạo. Tre không chỉ là vật dụng thường ngày trong đời sống của người Việt mà có thể sáng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật”, KTS Hoàng Tuấn Long chia sẻ. 

SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top