Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Ra mắt Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh: Tranh giả, ảnh nhái hãy chờ đấy!

Thứ Sáu 07/12/2018 | 10:01 GMT+7

VHO- Chấm dứt tình trạng thật- giả lẫn lộn khiến cho uy tín của thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cuộc ra mắt chính thức của Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh vào sáng qua 6.12 tại Hà Nội đang mang đến nhiều kỳ vọng không chỉ cho các nghệ sĩ, nhà sưu tập trong nước.

 Họp ra mắt Trung tâm Giám định

 Hình dung về một thị trường nghệ thuật nhiếp ảnh, tạo hình tồn tại đường đường chính chính, công khai minh bạch dường như đã rõ nét hơn khi hoạt động của Trung tâm được cam kết sẽ có sự hỗ trợ, tham gia của nhiều chuyên gia và hệ thống máy móc hiện đại từ Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).

“Tuýt còi” hàng giả

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) cho biết, trước thực trạng tranh mạo danh tác giả, tranh sao chép không đúng quy định, tranh nhái phong cách tác phẩm, vi phạm bản quyền tác giả đang tác động xấu đến thị trường mỹ thuật Việt Nam ở trong nước và quốc tế. Nhu cầu cần có đơn vị làm “trọng tài” trong công tác giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh trở thành một đòi hỏi bức thiết hơn bao giờ hết...

Cũng theo họa sĩ Thành, thường thì ở các nước, các cá nhân, tổ chức phi chính phủ sẽ đứng ra thực hiện công việc giám định tác phẩm mỹ thuật- nhiếp ảnh. Nhưng tại Việt Nam hiện không có đơn vị, cá nhân, tổ chức phi chính phủ nào đứng ra thực hiện công việc này. “Cực chẳng đã, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã đề xuất với lãnh đạo Bộ bổ sung thêm chức năng giám định tác phẩm mỹ thuật- nhiếp ảnh cho Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh trực thuộc Cục”, Cục trưởng nói.

Trực tiếp lãnh đạo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng đã từng nhiều lần đi vận động các cá nhân, tổ chức phi chính phủ đứng ra thực hiện công việc giám định nhưng chẳng ai muốn làm, mặc dù lên báo thì vị nào cũng bức xúc. Ngay cả người trong cuộc, những đối tượng đang phải đối đầu với vấn nạn bị xâm phạm bản quyền, làm giả tác phẩm cũng ngần ngại. Vì thế, cơ quan quản lý nhà nước về mỹ thuật, nhiếp ảnh sẽ buộc phải “đứng mũi chịu sào” trong một thời gian. Sau khi công việc này dần đi vào nề nếp và minh bạch, công khai hóa thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh, biết đâu sẽ có những cá nhân, tổ chức nào đó đứng ra gánh vác công việc này…

Hội đồng giám định của Trung tâm đã hình thành với nhiều tên tuổi uy tín trong giới như họa sĩ Lương Xuân Đoàn, họa sĩ Thành Chương, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, nhà điêu khắc Vương Học Báo, nhà điêu khắc Lê Lạng Lương, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh… Quy trình thực hiện giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh gồm các bước

 như tiếp nhận hồ sơ, trả lời hồ sơ, ký hợp đồng giám định, nhận tác phẩm cần giám định, trả lời kết quả giám định bằng văn bản sau 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận tác phẩm đề nghị giám định. Đối với vụ việc phải sử dụng công nghệ, kỹ thuật của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thì thời gian trả kết quả giám định sẽ được thỏa thuận giữa hai bên theo hợp đồng. Kinh phí giám định bao gồm kinh phí trả cho Hội đồng giám định và kinh phí để kiểm tra bằng công nghệ kỹ thuật, kinh phí mời chuyên gia khi cần thiết.

Theo đó, mức giá chi trả cho việc thẩm định của hội đồng từ 1-3 tác phẩm là 35.200.000 đồng; từ 4-10 tác phẩm là 70.400.000 đồng; từ 11-20 tác phẩm là 140.800.000 đồng; từ 21- 50 tác phẩm là 281.600.000 đồng. Trên 50 tác phẩm sẽ được báo giá theo thoả thuận. Bên cạnh đó, mức giá để thẩm định bằng công nghệ, kỹ thuật sẽ được thực hiện theo báo giá của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).

Trao đổi thêm với báo chí về mức kinh phí thẩm định này, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết, bảng báo giá đã được xây dựng trên cơ sở tham khảo mức kinh phí thẩm định của Hàn Quốc. Tuy nhiên, đây là kinh phí thẩm định đối với những tác phẩm thông thường, còn những tác phẩm đắt tiền thì Trung tâm sẽ “tuỳ cơ”. “Thường thì mức thẩm định được tính theo % giá trị của tác phẩm. Nhưng như vậy thì Trung tâm sẽ vấp phải một khó khăn khác là việc phải định giá tác phẩm. Đối với một đơn vị vừa ra đời, còn non trẻ thì công việc này sẽ là không tưởng...”, ông Thành bộc bạch.

Không ngại thẩm định bằng máy móc

Cùng với sự tham gia trong Hội đồng giám định của các chuyên gia uy tín về mỹ thuật, nhiếp ảnh, để đảm bảo sự chân xác, công việc thẩm định của Trung tâm sẽ được hỗ trợ bằng hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). “Chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi được Viện Khoa học hình sự cam kết sẽ hỗ trợ khoảng trống này. Thiếu thốn về trang thiết bị máy móc để thẩm định vốn là nỗi lo lớn của lãnh đạo Cục khi xây dựng đề án về chức năng giám định của Trung tâm. Sự hỗ trợ này có thể được coi là tăng thêm nhiều phần sức nặng của kết quả giám định. Hợp đồng nguyên tắc với Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) triển khai thực hiện công tác kỹ thuật phòng, chống tội phạm và giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đã được ký kết...”, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết thêm.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng băn khoăn về độ chính xác của việc đưa công nghệ vào giám định các tác phẩm mỹ thuật. Theo ông, với những bức tranh giám định thì không được phép lấy ra một phần vật chất mà phải giữ nguyên trạng. “Như vậy thì xác định độ thật giả như thế nào?”, họa sĩ Phan Cẩm Thượng nêu câu hỏi. Giải đáp lo lắng này, thượng tá Đồng Đắc Thọ, Viện Khoa học hình sự khẳng định, việc giám định bằng máy móc chắc chắn sẽ không làm thay đổi hiện trạng tác phẩm. Theo thượng tá, việc giám định chuyên sâu có thể tổng hợp nhiều biện pháp, phương pháp giám định mà không tác động đến nguyên bản của tác phẩm, đơn cử như việc so sánh mẫu chữ ký, hình dấu, ký hiệu riêng của tác giả.

Cục trưởng Vi Kiến Thành cũng chia sẻ, trong chuyến đi thực tế học tập kinh nghiệm công tác giám định ở Hàn Quốc vừa qua cho thấy, công tác giám định mỹ thuật của nước bạn đã có 15 năm. Đến nay, Hàn Quốc có tới 15 trung tâm, trong đó có 2 Trung tâm quy mô lớn đảm trách công việc này, với con số tác phẩm được thẩm định mỗi năm rất lớn. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào phải sử dụng tới máy móc trước khi đưa ra kết quả giám định. “Nhưng ở Việt Nam lại khác. Khi mà niềm tin trong thị trường nghệ thuật bị khủng hoảng thì việc vào cuộc của các chuyên gia kỹ thuật hình sự và thẩm định bằng máy móc càng giúp gia tăng độ tin cậy...”.

Như vậy, sau khi chính thức đi vào hoạt động theo hình thức dịch vụ công đáp ứng nhu cầu của đời sống mỹ thuật, nhiếp ảnh, Trung tâm Giám định do Bộ VHTTDL thành lập được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực, giúp cho thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam trở nên lành mạnh hơn, công khai và minh bạch hơn. 

 Việc giám định bằng máy móc chắc chắn sẽ không làm thay đổi hiện trạng tác phẩm. Giám định chuyên sâu có thể tổng hợp nhiều biện pháp, phương pháp mà không tác động đến nguyên bản của tác phẩm, đơn cử như việc so sánh mẫu chữ ký, hình dấu, ký hiệu riêng của tác giả.

(Thượng tá Đồng Đắc Thọ, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an)

 HOÀNG NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top