Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Những đóa hoa nở giữa phong ba

Thứ Tư 27/10/2021 | 11:23 GMT+7

VHO- Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày Sắt – Son và kéo dài tới hết tháng 5.2022. Những hình ảnh “biết nói” đã kể cho công chúng câu chuyện về những người phụ nữ nhân hậu luôn hết lòng vì gia đình, nhưng đến khi Tổ quốc lâm nguy đã dũng cảm đứng lên trực tiếp cầm súng bảo vệ quê hương, đất nước.

Những tài liệu, hình ảnh tại triển lãm Ảnh: TÙNG L

Với ý chí kiên trung, bất khuất, phụ nữ Việt Nam đã vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt nhất trong chốn lao tù cũng như hiên ngang đối mặt với quân thù nơi chiến trường ác liệt… Tuy chưa mở cửa trở lại vì đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp song những thông tin về triển lãm Sắt - Son trong những ngày đặc biệt này vẫn thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Không gian trưng bày được thể hiện qua hai màu sắc chủ đạo là xám và đỏ, phù hợp với hai phần nội dung Sắt Son.

Theo BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Sắt là câu chuyện về những “đóa hoa nơi ngục lửa”, giới thiệu tấm gương của 9 nữ chiến sĩ yêu nước tiêu biểu trong hoàn cảnh lao tù khắc nghiệt. Sự đày ải của kẻ địch đã khiến nhiều chị mất đi thiên chức làm mẹ hay vĩnh viễn mang nỗi đau trên cơ thể. Nhưng, chính các “địa ngục trần gian” này đã tôi luyện ý chí, giúp các chị vượt qua những đòn thù tàn khốc, sẵn sàng đón nhận những bản án tử hình khắc nghiệt để giữ vững khí tiết người cách mạng. Đó là tấm gương nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn đầu tiên Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941) với câu nói nổi tiếng trước khi bị xử bắn năm 1941: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn cho Tổ quốc chúng tôi được độc lập, dân chúng tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì…”. Là câu chuyện về chị Nguyễn Thị Quang Thái (1915-1944), em ruột của chị Nguyễn Thị Minh Khai, cũng là người vợ đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; năm 29 tuổi, chị hy sinh sau hai năm sống dưới chế độ lao tù khắc nghiệt tại Nhà tù Hỏa Lò. Là nữ anh hùng huyền thoại Võ Thị Sáu (1933-1952), mới 14 tuổi đã trở thành chiến sĩ trinh sát đội công an xung phong vùng Đất Đỏ (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); chị được kết nạp Đảng vào đêm trước ngày bị đưa đi xử bắn.

Tấm gương của chị Lê Thị Riêng (1925-1968) dành trọn tuổi trẻ “chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho người không còn tang tóc, chia ly” được toàn thể phụ nữ và nhân dân miền Nam cảm mến, tin yêu. Nữ tướng Nguyễn Thị Định (1920-1992) tên tuổi gắn liền với phong trào Đồng Khởi tại Bến Tre đầu những năm 1960; “đội quân tóc dài” dưới sự lãnh đạo của bà đã trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù. Nụ cười rạng rỡ, hiên ngang của nữ tù trẻ tuổi Võ Thị Thắng (1945-2014) đã trở thành biểu tượng cho khí phách anh hùng của thế hệ thanh niên Việt Nam những năm chống Mỹ cứu nước. Nữ chiến sĩ kiên trung trở về từ cõi chết Trần Thị Lý (1933-1992), dù qua nhiều nhà tù, chịu nhiều hình thức tra tấn dã man như điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung, nhưng không lay chuyển và khuất phục được người con gái sông nước Thu Bồn.

Cuối cùng, câu chuyện về bản lĩnh của bà Nguyễn Thị Bình (1927) tại Hội nghị Paris năm 1973 và sự kiên cường của bà Trương Mỹ Hoa (1945) trước những ngón đòn tra tấn của kẻ thù tại Nhà tù Côn Đảo, sẽ mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Son, nội dung thứ hai của triển lãm tiếp tục kéo dài mạch chuyện cảm động về những người phụ nữ kiên trung, được thể hiện qua hai tiểu mục: Tốt gỗ Tốt sơn. Những hình ảnh, tài liệu khắc họa câu chuyện những người phụ nữ nơi hậu phương “giỏi một nghề, biết nhiều việc”, các mẹ, các chị đảm đang chăm lo sản xuất, nuôi dạy con ngoan, học hành tiến bộ, chăm sóc cha mẹ già yếu; bảo đảm sự ổn định, vững vàng của hậu phương lớn miền Bắc, hỗ trợ đắc lực cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tiếp nối truyền thống, phụ nữ Việt Nam hôm nay luôn nỗ lực vượt qua rào cản về định kiến giới, năng động, sáng tạo, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, hăng say cống hiến để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong thời đại mới “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Tiểu mục ảnh Tốt sơn tôn vinh những nét đẹp của phụ nữ Việt Nam trong mọi khía cạnh, mọi hoàn cảnh của cuộc sống, trong suốt chiều dài lịch sử. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc đáng giá với những câu chuyện cảm động, nhân văn... 

 PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top