Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Nhớ ơi là nhớ!

Thứ Tư 14/02/2018 | 15:17 GMT+7

VH- Khi những tờ lịch cuối cùng của năm cũ cứ mỏng dần trên cuốn lịch treo tường, cánh cửa mùa đông đang khép lại, đón chào mùa xuân đến cùng cái Tết dương lịch 2018, cũng là lúc tất cả chúng ta đều cảm nhận rất rõ ngày Tết cổ truyền của dân tộc cũng đang đến gần. Giữa cái bộn bề của cuộc sống ngày càng hối hả, tưởng như không còn nhiều thời gian dành cho những hoài niệm, vậy mà cảm giác nhớ cái Tết miền Bắc không hiểu sao vẫn chợt ùa về trong tôi, một người sinh ra ở Hà Nội và đã xa Hà Nội tròn 40 năm.

Ảnh: T.L

Vào những năm thập niên 70, khi còn là cô bé học cấp 1 tại Trường Thanh Quan - Hà Nội, nhà tôi ở gần phố Hàng Lược, cái con phố nhỏ bình thường vốn đã nhộn nhịp, vào những ngày gần Tết lại càng tưng bừng hơn bởi sự xuất hiện của cả một rừng đào chen nhau khoe sắc, đơn giản vì đó là chợ hoa Tết có lẽ lâu năm nhất HN nằm ngay giữa lòng phố cổ… Vào những ngày giáp Tết, lũ học sinh chúng tôi hớn hở được cất cặp nghỉ học ăn Tết với một đống bài tập về nhà cô giáo dặn phải hoàn tất… rồi mới được chơi. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác hồi hộp lôi bộ quần áo mới ra ngắm rồi lại cẩn thận cất vào tủ chờ mặc đúng đêm giao thừa, cùng mẹ ra chợ mua bó lá dong, xếp hàng ở chợ Đồng Xuân mua lạng thịt ba chỉ chuẩn bị gói bánh, và không quên lụi cụi làm bài tập cô giao cho xong trước Giao thừa … Tết ngày xưa tưng bừng tiếng pháo! Không phải là pháo hoa rực rỡ bắn vào đêm Giao thừa như bây giờ mà là pháo dây với tiếng nổ “đùng”, “đoàng” rất vui tai. Vào thời khắc Giao thừa , mọi nhà lại châm pháo và tạo nên những tiếng nổ rộn ràng, mùi khói pháo lan tỏa khắp mọi nẻo đường. Khi đó, tôi chỉ mới 7, 8 tuổi và mỗi lần pháo nổ là lại bịt tai vào và khoái chí nhìn những xác pháo màu hồng, màu đỏ phủ đầy trước sân nhà .

Cuộc sống của những năm 76, 77 còn nhiều khó khăn. Tuy nghèo nhưng mọi người đều chuẩn bị cho mình mọi thứ với mong muốn ba ngày Tết phải vui tươi nhất, ăn Tết vẫn đầy đủ với “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh”... Cái giờ phút cùng ngồi rôm rả canh chừng nồi bánh chưng, đêm Ba mươi cả nhà quây quần bữa cơm cuối năm, rồi ngày đầu năm đi chúc Tết họ hàng, láng giềng, thầy cô, nhận những phong bao lì xì (tôi nhớ thời ấy, người nào khá giả lắm mới lì xì tờ tiền 10 đồng màu đỏ ), giơ tay hứng những hạt mưa xuân lất phất bay làm đậm hơn cái se lạnh đặc trưng vào dịp Tết của miền Bắc… đã làm nên một hồi ức không quên trong tôi về cái Tết Hà Nội của tuổi thơ, cái Tết thực sự mang ý nghĩa trọn vẹn của nó với những hình ảnh, mùi vị khó quên để khi nghĩ tới, không chỉ riêng tôi, ai đã từng sống qua giai đoạn ấy cũng đều cảm thấy nao lòng.

Tết bây giờ đã nhiều đổi khác, theo sự phát triển tất yếu của cuộc sống. Với guồng quay của cuộc sống hiện đại, việc chuẩn bị Tết ngày nay cũng nhanh gọn và đơn giản hơn nhiều. Tết Hà Nội hay tết Sài Gòn không còn nhiều sự khác biệt, vì hoa đào miền Bắc cũng đã tràn vào thành phố Hồ Chí Minh, người miền Bắc cũng kỳ công chuyển mai ở Sài Gòn về nhà để thỏa cái thú chơi hoa của mình, bất chấp cái khí hậu của miền Bắc có thể ảnh hưởng đến việc nở hoa của cây mai vốn thích hợp với nắng vàng rực rỡ đất phương Nam. Việc mua sắm cũng đã khác xưa, cần thứ gì thì cứ vào chợ hay siêu thị là có ngay, không cần phải chuẩn bị hàng tháng trời như trước đây. Việc chúc Tết, bạn bè, xóm giềng cũng giảm, thay bằng những chuyến đi chơi xa. Pháo dây bị cấm từ năm 1995 nên hơn 20 năm qua, Giao thừa trở nên “lặng lẽ” hơn vì vắng hẳn tiếng pháo , chỉ còn những màn pháo hoa được tổ chức theo quy định tại một số điểm nhất định trong thành phố. Tết ngày nay đến nhanh và đi cũng rất nhanh! Có lẽ, chỉ còn lũ trẻ con vẫn còn được hưởng trọn vẹn cái không khí náo nức của những ngày Tết, để được đi chơi, được ăn ngon và diện những bộ quần áo mới, nhất là được lì xì mừng tuổi!

Tuy đã có nhiều thay đổi giữa Tết xưa và nay, nhưng tinh thần Tết Việt thì vẫn không thay đổi, vẫn náo nức, vẫn rộn ràng, vẫn được kết nối bằng những khoảnh khắc sum vầy, vẫn có nhớ và mong, vẫn có hoài niệm và hy vọng!

Trưởng thành ở Sài Gòn đã 40 năm, đã xem mình là một công dân thành phố này, đã quen với nhịp sống hối hả của một thành phố trẻ hiện đại, đã rất đỗi thân thương với không khí Tết Sài Gòn, với sắc mai vàng rực rỡ, với những đòn bánh tét béo ngậy bên cạnh chiếc bánh chưng, đã biết cách làm dưa giá thay thế dưa hành… nhưng đâu đó, nơi sâu thẳm trái tim, mỗi khi Tết đến, tôi vẫn nhớ quay quắt cái Tết Hà Nội gắn liền với tuổi thơ tôi…

Hồng Hạnh

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top