NSND Trần Phương: Người trong top“khai mở” phim truyền hình dài tập

VHO- Năm 1986, tôi đầu quân về Hãng phim truyện Việt Nam (PTVN), đạo diễn Trần Phương (chúng tôi hay gọi là chú Trần Phương, còn ông rất thích gọi bọn nhóc mới vào nghề chúng tôi là… em và xưng chú) thuộc biên chế của Xưởng phim I, không phải nơi tôi được biên chế vào. Lúc đó Hãng PTVN có 3 xưởng làm phim, mỗi xưởng đủ nhân sự cho một đoàn phim điện ảnh chính quy.

NSND Trần Phương: Người trong top“khai mở” phim truyền hình dài tập - Anh 1

Tang lễ của ông sẽ được tổ chức tại nhà tang lễ Phùng Hưng (Hà Nội) vào ngày 30.8.

 Tuy nhiên, cả lớp biên kịch đạo diễn trẻ mới ra trường đều ngưỡng mộ ông vì phim Tội lỗi cuối cùng, rồi Hy vọng cuối cùng của ông đã làm mưa làm gió trên các rạp chiếu toàn quốc. Trong mắt chúng tôi, ông quá tài hoa, lại có một vẻ đẹp rất nam tính khiến cả nhóm thường chỉ dám thán phục từ xa mà không dám làm quen. Hai năm sau, Xưởng phim I được tách ra, trở thành Hãng phim truyện I ngày nay. Đạo diễn Trần Phương không còn làm việc dưới danh nghĩa Hãng PTVN nữa. Đương nhiên với tôi, biên kịch của Xưởng II, cơ hội làm việc với ông cũng gần như không còn hy vọng.

Cơ duyên đến khi ông đã… nghỉ hưu

Vào đầu những năm 1990, việc làm phim truyện đồng loạt được khởi động trên các đài truyền hình phía Bắc. Ngoài chương trình Văn nghệ Chủ nhật của Trung tâm nghe nhìn VTV thì Công ty Nghe nhìn Hà Nội cũng bắt đầu khởi động làm phim. Sau vài phim một tập, hai tập… được làm như một động thái “chạy thử”, Công ty đã dũng cảm khởi động những dự án phim truyền hình dài tập đầu tiên và trước nhất trong cả nước. Nói là dũng cảm, nhưng thực ra quyết định này đã được hình thành dựa trên một đội ngũ cộng tác viên trong mơ: Đạo diễn, nhà quay phim Trần Trung Nhàn; Đạo diễn Trần Phương; Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương… Những tinh hoa của điện ảnh phía Bắc với những tên tuổi lẫy lừng ấy đã đồng loạt xây dựng và thực hiện nhiều dự án cùng lúc.

Phải nói rằng, hai bộ phim truyện dài tập Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ Ngã ba thời gian mà đạo diễn Trần Phương lần lượt thực hiện vào khoảng những năm 1996, 1997 (kịch bản Lê Phương, Trịnh Thanh Nhã) đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với công chúng xem phim. Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, khái niệm phim truyền hình dài tập lúc đó còn rất mới mẻ. Mỗi tập phim được quy ước dài… 90 phút, tức là bằng một phim điện ảnh chiếu rạp. Một dự án từ 10 đến 12 tập, được làm cẩn trọng từ khâu kịch bản đến khâu đạo diễn, quay phim… ở cấp độ điện ảnh!

NSND Trần Phương: Người trong top“khai mở” phim truyền hình dài tập - Anh 2

 Vai A Phủ của NSND Trần Phương trong bộ phim “Vợ chồng A Phủ”

Và chuyện hậu trường đáng nhớ

Có lần, một người tham gia một vai quần chúng trong phim Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ mon men hỏi trợ lý của đạo diễn Trần Phương rằng: Sao làm phim vất vả thế? Ăn vội, ngủ vội, làm thì hùng hục, đạo diễn chỉ đạo quay lạc cả tiếng (vì nhiều cảnh quay ngoài đồng không mông quạnh, gió thổi át tiếng người mà đoàn phim không có… loa)! Thế cái ông già ộ ệ ấy đã nghỉ hưu rồi không ở nhà mà cứ lăn ra đây làm gì ? Cậu trợ lý phì cười, bảo: “Ông ấy có nghề hành xác”.

Đó là suy nghĩ của người ngoại đạo, còn chúng tôi biết, làm phim là lẽ sống của đạo diễn Trần Phương. Ông lúc này đã có phần xổ người vì tuổi tác nên bước đi trên cánh đồng nom thật vất vả, nhưng việc làm phim với ông vẫn là mục đích sống. Vì thế, mỗi tập phim đều được tính toán thận trọng từng cảnh quay, từng tình huống. Ông làm phim truyền hình mà khó tính như làm phim điện ảnh, từ đòi hỏi về dựng cảnh, đến góc máy, ánh sáng, hóa trang và đặc biệt diễn xuất của diễn viên.

Khi bối cảnh đã được mô tả trong kịch bản, nhưng bị thay đổi do sự chuyển dịch của cơ cấu tổ chức cánh đồng và thôn xóm, ông thường yêu cầu biên kịch chạy thẳng ra hiện trường, nhìn lại cái bối cảnh hiện hữu ấy để xây dựng lại tình huống. Chúng tôi từng ngồi ngay bên bờ ruộng với cuốn kịch bản mở trên đầu gối và ông như vị tướng đứng chỉ trỏ để tôi hình dung diễn viên của ông sẽ đi từ đâu tới đâu và chỉnh sửa tại lời thoại cho phù hợp. Để rồi ngay sau đó, diễn viên sẽ bỏ cả buổi trưa vừa ăn cơm vừa học cho thuộc lời mới và đem cái nhiệt huyết ấy vào cảnh diễn một cách đầy hào hứng.

Một lần khác, ông thấy ngờ ngợ về một chi tiết trong kịch bản (phim Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ), nửa đêm, chuông điện thoại cố định nhà tôi bỗng réo lên. Và đó là đạo diễn gọi, vì ông nghi ngờ chi tiết đó không có thực, phi logic. Tôi phải mất nửa đêm còn lại đến sáng để trích thông tin, sớm hôm sau mang ra trường quay cho ông. Mà cái thông tin ấy chỉ có trong một câu thoại.

Không mô tả trên phim điều mình không biết, không thấu hiểu đó là nguyên tắc làm việc của đạo diễn Trần Phương. Đồng thời, “gu” thẩm mỹ tinh tế và kinh nghiệm diễn xuất tuyệt vời của ông đã giúp ông lựa chọn được những dàn diễn viên phù hợp và đầy ấn tượng. Ông có thể biến một diễn viên sân khấu không mấy tên tuổi và có vẻ ngoài rất “nông dân” như nghệ sĩ Thành An (đã mất) thành một nhân vật đàn ông đầy sức mạnh, đầy cá tính, khiến cho một nhân vật nữ do nghệ sĩ, người đẹp Hoàng Cúc đóng (phim Ngã ba thời gian) thể hiện được cái tình yêu trái khoáy đầy trắc trở mà không một khán giả nào thấy bị khiên cưỡng.

Như vậy, những phim truyền hình dài tập đầu tiên của Việt Nam đã được thực hiện bởi người nghệ sĩ tài hoa đạo diễn NSND Trần Phương. Những diễn viên sau này trở thành gương mặt thân quen của khán giả màn ảnh nhỏ như Quyền Linh, Phạm Cường, Minh Hòa… cũng đã được ông lựa chọn cho những thử thách đầu tiên ấy.

Nhớ về ông, chúng tôi, những người thuộc thế hệ con cháu, sẽ còn nhớ mãi về một người đàn ông điển trai, mạnh mẽ trên mọi bước đường đời, là niềm ngưỡng mộ của bao người đẹp, nhưng cũng là bậc thầy của họ, khi bằng những dự án phim điện ảnh hoặc truyền hình đã tạo nên những tượng đài diễn xuất không thể phủ nhận của một thời sáng tạo đam mê. 

  NSND Trần Phương sinh năm 1930 tại Thái Nguyên. Năm 1955, ông đầu quân về Xưởng phim truyện Việt Nam và trở thành một trong những gương mặt diễn viên kỳ cựu của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Năm 1959, NSND Trần Phương tham gia đóng bộ phim đầu tiên Vợ chồng A Phủ và khắc họa xuất sắc hình tượng chàng thanh niên người Mông. Đến nay, A Phủ vẫn là vai diễn nổi tiếng nhất của NSND Trần Phương. Khi chuyển sang làm công tác đạo diễn, ông cũng thành công với nhiều tác phẩm đoạt giải cao như Tội lỗi cuối cùng, Hy vọng cuối cùng hay Dòng sông hoa trắng... Thời phim thị trường nở rộ, ông là tác giả của nhiều bộ phim ăn khách như SBC (Săn bắt cướp), Vụ án Hồ Con Rùa…

 Nhà biên kịch TRỊNH THANH NHÃ

Ý kiến bạn đọc