“Đói” phim hè cho thiếu nhi

VH- Thiếu kịch bản hay, nên khi đã vào hè rồi các nhà làm phim truyền hình dành cho thiếu nhi mới giật mình: Phim cho các con thiếu trầm trọng!

“Đói” phim hè cho thiếu nhi - Anh 1

 Đã rất lâu, vẫn chưa có bộ phim thiếu nhi nào gây được ấn tượng mạnh và tạo nên “cơn sốt” với các em nhỏ như “Kính vạn hoa” - phim được nhiều đài tỉnh chiếu đi chiếu lại vào mỗi dịp hè

 Nếu những mùa hè trước, khán giả nhí có dịp tiếp cận với những bộ phim thiếu nhi ấn tượng, ngộ nghĩnh thì mùa hè năm nay các bộ phim mới rất ít, khi lên sóng lại chiếu theo kiểu nhỏ giọt. Thực trạng đáng buồn trên dẫn đến hiện nay các em tìm đến phim ngoại, những chương trình giải trí và phim ảnh không phù hợp với lứa tuổi.

Chia sẻ về nguyên nhân phim dành cho thiếu nhi thiếu trầm trọng, đại diện hãng phim TFS - một trong số những đơn vị hiếm hoi sản xuất các bộ phim cho các em nhỏ trong nhiều năm qua cho biết rất nhiều đạo diễn của hãng sẵn sàng làm phim “không công” cho thiếu nhi nhưng việc thiếu những kịch bản hay, hóm hỉnh, mang tính giáo dục cao, có chất lượng để dựng thành phim khiến các đạo diễn mỏi mòn chờ đời.

Thống kê cho thấy, số lượng kịch bản dạng này những năm qua gửi về các hãng phim chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh, tác giả của các phim thiếu nhi như Mùa hè sôi động, Xúc xắc mùa thu cho biết vì các em có nhiều hoàn cảnh và suy nghĩ rất khác với người lớn nên khó khăn lớn nhất khi viết kịch bản thiếu nhi là người viết phải “nhập vai” để hiểu tâm lí và tìm được tiếng nói chung với trẻ. Nếu không sống trong thế giới trẻ em thì dù có viết ra những kịch bản đọc thì rất hay nhưng không thể dựng phim được vì thực tế lăng kính của người lớn không phù hợp với tư duy trẻ nhỏ. Đạo diễn Nguyễn Minh Cao (từng làm nhiều phim thiếu nhi) thì cho rằng để có một kịch bản phim thiếu nhi, người viết phải đầu tư rất nhiều từ chất xám, đến trí tưởng tượng, tư duy sao cho hóm hỉnh để chinh phục các thiên thần nhỏ; đầu tư nhiều là thế nhưng hiện nhuận bút trả cho thể loại này chưa cao nên khó mà thu hút được những người có nghề tham gia viết lách. Hơn hết chuyện xin tài trợ, quảng cáo cho phim người lớn với các yếu tố “giật gân, câu khách” hiện nay đã vô cùng khó huống hồ phim chiếu cho các cháu coi, do đó làm phim thiếu nhi nếu không vì cái tâm, tình yêu thương con trẻ thì chẳng ai đảm nhận vì hầu như chuyện hòa vốn đã khó huống chi mơ đến có lời. Tương tự nữ đạo diễn Mỹ Khanh (từng thành công với phim truyền hình trẻ em Lục lạc huyền bí) cho biết làm phim thiếu nhi giống như một cuộc phiêu lưu, mà ở đó người lớn phải tìm được các “báu vật trong hành trình trở về tuổi thơ”. Ví dụ như “săn” được kịch bản hay, rồi đến diễn viên nhí diễn xuất tốt, cũng như đội ngũ ê kíp muốn làm một tác phẩm chỉn chu cho trẻ nhỏ… Qua đó chia sẻ thêm kinh nghiệm để phim của mình hấp dẫn, chị đã từng mang bản dựng chiếu cho con gái của mình và trẻ em hàng xóm xem để góp ý và chỉnh sửa bộ phim nhiều lần bởi không ai có thể đánh giá phim hay hoặc dở chính xác nhất bằng chính đối tượng công chúng mà tác phẩm hướng tới. Hiện một số đài truyền hình tỉnh có đầu tư về thể loại phim truyền hình về câu chuyện cổ tích, nội dung khuyên con người sống nên ăn hiền ở lành, mang tính giáo dục cũng như chân-thiện-mỹ, một số còn có phim thiếu nhi viễn tưởng (có phép thuật, mang nội dung phiêu lưu về quá khứ hay lạc vào truyện cổ tích…) nhưng số này vẫn chưa thỏa mãn được “cơn đói” phim thiếu nhi vốn dai dẳng và cần số lượng lẫn chất lượng nhiều hơn thế. Mặc khác nội dung cũng như lối diễn xuất của các diễn viên thường là không chuyên ở thể loại này vẫn chưa thật sự hấp dẫn, gần gũi trẻ em Việt. Từ đây đề xuất các nhà viết kịch bản hãy bắt đầu sáng tác kịch bản phim thiếu nhi từ những thứ đơn giản như nội dung xoay quanh các mối quan hệ giữa ông bà với con trẻ, tình bạn tình thân, tình thầy trò… chắc chắn sẽ dễ “thấm” và giúp các em học hỏi được nhiều hơn trong cách đối nhân xử thế, ứng xử xung quanh mình. Bên cạnh đó, các đạo diễn thành thật chia sẻ họ đang vô cùng nôn nóng và sẵn sàng làm phim thiếu nhi (nếu có kịch bản thật sự tốt) dù không cát xê cũng chấp nhận bởi nỗi sợ các em lớn lên sẽ quay lưng lại với phim Việt nếu cứ mãi để tình trạng “đói phim” như trên kéo dài thêm nữa.

 QUANG KHẢI

Ý kiến bạn đọc