Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Phim Nhà nước vẫn... nan giải

Thứ Sáu 29/06/2018 | 09:48 GMT+7

VH- Lãnh đạo Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) cho biết, đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước đến nay vẫn là câu chuyện nan giải, chưa thể biết đích xác khi nào điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục có được những phim đặt hàng có giá trị nghệ thuật, tính định hướng để tích cực phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Đây cũng là vấn đề được đại diện các đơn vị sản xuất, phổ biến phim đặt ra tại Hội nghị sơ kết công tác điện ảnh 6 tháng đầu năm 2018, diễn ra sáng qua 28.6 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Phúc Diên, PGĐ Trung tâm Chiếu phim Quốc gia chia sẻ, rất buồn khi tuần phim kỷ niệm nào cũng chỉ quanh quẩn chiếu các bộ phim đã cũ như Sống cùng lịch sử, Mùi cỏ cháy, Nhà tiên tri, Đường xuyên rừng, Thầu Chín ở Xiêm... Không có phim mới, nhiều khán giả cũng không muốn đến rạp xem lại những phim đã chiếu tới 2-3 lần trong các tuần phim kỷ niệm. “Để đáp ứng nhu cầu khán giả, đã nhiều lần chúng tôi phải đi thuê phim để chiếu”, ông Diên cho biết.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan thừa nhận, do có nhiều vướng mắc khiến cho phim nhà nước đang là một khoảng trống trong diện mạo điện ảnh Việt Nam vài năm qua. Các đợt phim kỷ niệm vì thế đành “lấp chỗ trống” bằng phim cũ và lựa chọn thêm một số phim phù hợp của các hãng tư nhân để chiếu.

Báo cáo 6 tháng của Cục cho biết, Cục Điện ảnh đang gặp khó khăn trong triển khai đặt hàng sản xuất phim từ ngân sách nhà nước các năm 2015, 2016, 2017 và cấp ngân sách đặt hàng sản xuất phim năm 2018.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về bổ sung dự toán chi ngân sách của Bộ VHTTDL để đặt hàng sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị các năm 2015, 2016, 2017, Cục Điện ảnh đã triển khai đặt hàng các đơn vị sản xuất phim theo kế hoạch được Bộ phê duyệt. Nhưng đến nay, Cục không giải ngân được hết kinh phí đã được giao vì đến tháng 8.2017, Bộ Tài chính bổ sung dự toán chi ngân sách. Tháng 12.2017, Bộ giao dự toán chi ngân sách nhà nước đặt hàng đợt 1, 2 cho các đơn vị đặt hàng sản xuất phim theo kế hoạch được phê duyệt.

“Theo quy định của Luật Ngân sách, kinh phí đặt hàng sản xuất phim không thuộc loại kinh phí đương nhiên được chuyển nguồn. Do vậy hết niên độ ngân sách 2017, kinh phí đặt hàng sản xuất phim 2015-2017 chưa được giải ngân hết sẽ bị hủy. Cục Điện ảnh đã báo cáo Bộ trình các cấp có thẩm quyền xin được chuyển nguồn kinh phí đặt hàng sản xuất phim 2015-2017 chưa thực hiện hết năm 2017 chuyển sang 2018, hoặc được cấp bổ sung kinh phí năm 2018 từ nguồn kinh phí đã bị hủy năm 2017...”, Cục Điện ảnh cho hay.

Về kinh phí đặt hàng sản xuất phim năm 2018, Văn phòng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương thực hiện đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách năm 2018 theo hình thức “Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt” và sẽ trình Thủ tướng quyết định.

Cục trưởng Ngô Phương Lan cho biết thêm, bên cạnh những khó khăn về hành chính, chất lượng kịch bản phim cũng là một vấn đề. Cục đã xem xét và thẩm định rất kỹ các phim được trình lên, có phim phải chỉnh sửa 3-5 lần nhưng vẫn chưa ổn. Trong ba phim truyện đã được Cục trình Bộ phê duyệt giá chi tiết để đặt hàng sản xuất (gồm Lính chiến, Người yêu ơi, Hợp đồng bán mình của các đơn vị: Công ty CP Phim Truyện 1, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam (VFS) và Công ty CP Phim Giải Phóng), bộ phim Người yêu ơi của VFS gặp khá nhiều khó khăn bởi đơn vị sản xuất còn đang trong quá trình chờ kết luận thanh tra.

Ông Nguyễn Tiến Hưng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phim Giải phóng) kêu khó vì từ năm 2015 đến nay, Công ty chưa nhận được kinh phí nhà nước tài trợ đặt hàng sản xuất phim truyện hằng năm. Việc sản xuất phim gia công cho đối tác cũng hạn chế do nguồn vốn tự chủ không có.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam kiến nghị, do đặc thù sản xuất một phim hoạt hình mất nhiều thời gian, có khi mất đến 8 tháng cho việc sản xuất 10 phút phim, nên để hoàn thành kế hoạch, Công ty chủ động đưa vào sản xuất những phim đã có giám định về chất lượng kịch bản của Cục Điện ảnh. Khi có quyết định chính thức của Nhà nước về kế hoạch đặt hàng, Công ty mới xin được... hồi tố.

Đồng tình rằng chờ nguồn vốn sẽ làm mất đi cơ hội sản xuất nhiều bộ phim, ông Nguyễn Tiến Hưng ví dụ, nếu làm phim tài liệu về nhiễm mặn thì phải làm vào thời điểm sau Tết ở khu vực miền Nam, bởi hiện tượng này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Phải chờ kinh phí rất có thể khiến các nhà làm phim đợi tiếp đến... năm sau.

Thấu hiểu tâm tư của các đơn vị sản xuất và phổ biến phim, bà Ngô Phương Lan cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi nền công nghiệp điện ảnh ngày càng phát triển, thị trường sôi động với hàng chục bộ phim liên tục được các hãng tư nhân sản xuất và đưa ra rạp mỗi năm thì các đơn vị nhà nước cũng cần thay đổi tư duy. Mặt khác, việc đặt hàng là để hướng tới các tác phẩm điện ảnh chất lượng chứ không nhằm giải quyết khó khăn thường nhật của các hãng phim.

Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh, trong bối cảnh này, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng như Đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh càng cần được tập trung để sớm ra đời, góp phần khắc phục khó khăn của ngành.

Cũng theo Thứ trưởng, nên chăng cần tính đến sự thay đổi về giải pháp đặt hàng sản xuất để có được những tác phẩm điện ảnh thực sự chất lượng. “Theo đó, Nhà nước sẽ tìm đến các nghệ sĩ điện ảnh có “thương hiệu” - các tác giả được Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, các NSND, NSƯT để trực tiếp đặt hàng thay vì cách thức như hiện nay...”, Thứ trưởng gợi ý. 

 HOÀNG VY; ảnh: THU HẰNG

 

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top