“Chìa khóa” thoát nghèo bền vững

VHO - Cùng với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, tinh thần và ý thức vươn lên chính là “chìa khóa” để người dân huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) thoát nghèo.

“Chìa khóa” thoát nghèo bền vững - Anh 1

 Ông Nguyễn Hữu Hai (ngoài cùng bên phải) với mô hình sản xuất đũa

Phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp

Năm 2019, với số vốn ban đầu 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành, ông Nguyễn Hữu Hai (60 tuổi), ở thôn Đề An, xã Hành Phước đã biết vượt qua khó khăn, nắm bắt xu hướng phát triển và vươn lên thoát nghèo bằng mô hình sản xuất đũa với quy mô kinh tế hộ. Với quyết tâm thoát cái nghèo đeo bám, ông Hai đầu tư phát triển kinh tế gia đình bằng cách mở xưởng đũa gồm các loại: Đũa thốt nốt, đữa dừa, đũa sao, đũa chò, đũa gáo, đũa cẩm liên. Giờ đây, xưởng của ông không những giúp gia đình khá lên mà còn tạo công việc cho nhiều lao động tại địa phương. “Đến nay tôi đã có 20 năm gắn bó với nghề. Trước đây tôi làm đũa ở trong miền Nam, sau một thời gian, tôi tích lũy được kinh nghiệm và một số vốn cộng với số vốn vay, tôi trở về quê mạnh dạn đầu tư mở xưởng của riêng mình từ năm 2019 đến nay”, ông Hai tâm sự.

“Chìa khóa” thoát nghèo bền vững - Anh 2

 Ông Trần Văn Phiên thoát nghèo nhờ chăn nuôi

Mỗi ngày cơ sở của ông Hai sản xuất 30.000 đôi đũa các loại. Giá đũa từ 5.500 đồng - 14.000 đồng/chục tùy loại, doanh thu 18 triệu/ngày. Sau khi trừ chi phí ông lãi 15 triệu đồng/tháng. Cở sở xuất hàng đi thị trường các tỉnh Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai, Hà Nội. Tùy nhu cầu thị trường mà ông Hai xuất các loại hàng khác nhau… “Thị trường giờ khó tính hơn, nếu muốn sống được bằng nghề thì hàng hóa của mình làm ra phải đạt chất lượng và phải biết giữ uy tín với bạn hàng nên chúng tôi đặt chất lượng lên hàng đầu. Mình thà thu nhập ít mà luôn có việc làm ổn định còn hơn mất uy tín với khách hàng”, ông Hai nói.

Cơ sở sản xuất đũa của ông Hai hiện giải quyết cho 10 lao động thường xuyên, một lao động thời vụ với thu nhập 160.000 đồng/ngày công. Chị Hồ Thị Cẩm Ly (công nhân xưởng đũa) cho biết: “Lúc trước gia đình chỉ làm nông không đủ trang trải cuộc sống nói chi đến chuyện con cái học hành, nhưng nhờ khi bắt đầu làm xưởng đũa có thêm nguồn thu nhập ổn định, đủ lo cho cuộc sống”.

Ông Hai cho biết thêm, ông vừa được Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành hỗ trợ 100 triệu vốn giải quyết việc làm để nâng công suất máy sản xuất 50.000 đôi đũa/ngày.

“Chìa khóa” thoát nghèo bền vững - Anh 3

 Với sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước, tinh thần và ý thức vươn lên giúp người dân huyện Nghĩa Hành phát triển kinh tế

“Tiếp sức” để hộ nghèo vươn lên

Ông Trần Văn Phiên (61 tuổi), ở thôn Kỳ Thọ Bắc, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành cho biết, năm 2019, gia đình ông thuộc hộ cận nghèo, muốn chăn nuôi nhưng thiếu vốn. Biết được hoàn cảnh, mong muốn của gia đình Hội nông dân xã Hành Đức đã đề xuất với Ngân hàng CSXH huyện cho ông vay vốn diện hộ cận nghèo 50 triệu đồng để mua hai con bò giống sinh sản. Nhờ nguồn vốn tiếp sức, cần cù trong lao động sản xuất, chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi bò lai. 2 con bò giống của ông được chăm sóc, phòng bệnh tốt, phát triển khỏe, sinh sản đều. Đến nay, ông đã xuất bán được 3 con (vừa con giống vừa nuôi thành bò thịt), mang lại lợi nhuận và nhân đàn bò trong chuồng lên được 5 con.

“Nhờ tiếp sức của chính quyền và Ngân hàng CSXH mà gia đình tôi đã thoát khỏi hộ cận nghèo. Hiện nguồn vốn vay diện hộ cận nghèo đã đến kỳ hạn trả gốc, bản thân cũng đã nắm vững kỹ thuật chăn nuôi bò lai. Vì vậy, tôi mong muốn tiếp tục được vay nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH để đầu tư, mở rộng thành gia trại nuôi bò lai, đưa kinh tế gia đình ngày càng đi lên”, ông Phiên vui vẻ nói.

“Chìa khóa” thoát nghèo bền vững - Anh 4

 Người dân xã Hành Đức cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả theo chủ trương xây dựng NTM nâng cao

Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% số thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Trong năm 2023 giúp cho 651 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, thu hút tạo việc làm ổn định cho 526 lao động từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.

Thông qua 12 chương trình tín dụng chính đang triển khai, doanh số cho vay đạt 104 tỉ đồng, đã tạo điều kiện cho 2.146 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình. Nâng tổng dư nợ đến nay đạt 366 tỉ đồng, tăng 38 tỉ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 12%.

Theo ông Đỗ Văn Kha, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hành, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện. 

 “Trong thời gian qua, huyện Nghĩa Hành vận động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài huyện chăm lo cho người nghèo. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện phong trào. Qua đó, góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện phấn đấu thực hiện hoàn thành chỉ tiêu năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Nghĩa Hành còn 2,29%, hộ cận nghèo còn 3,94%, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo”.

 

 NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc