An Giang:

Nỗi đau ai thấu?

MINH NGỌC

VHO - Ngoài vẻ đẹp trác tuyệt của thiên đường xanh ngập nước, rừng tràm Trà Sư còn là ngôi nhà chung để vạn vật quần tụ, sum vầy réo gọi ngày xanh. Như một phần thưởng vô giá cho những người ngày đêm bảo vệ những sinh mệnh chim muông là bản hòa tấu không ngừng, chúng cùng đồng thanh hòa giọng cất lên khúc hát ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp, ca ngợi cuộc sống bằng những giai điệu nồng nàn, thắm thiết.

Nỗi đau ai thấu? - ảnh 1

Khung trời yên bình - đàn thiên điểu thỏa sức tung bay

Ấy thế nhưng “kho báu” của Trà Sư đang bị đe dọa bởi những “cò tặc” lộng hành, thường xuyên hoạt động vào lúc giữa đêm. Nếu như nhà đầu tư chăm bẵm, nâng niu, bảo vệ và dành tình yêu thương trọn vẹn cho muôn loài bao nhiêu thì những kẻ săn bẫy công khai thách thức luật pháp bấy nhiêu. 

Mới đây, đơn vị quản lý rừng, lực lượng kiểm lâm, công an xã, phối hợp với chính quyền địa phương trong lúc tuần tra, kiểm soát truy đuổi “bắt tận tay day tận trán”, cảnh cáo và xử lý nghiêm đối với những trường hợp này. Những chú chim vô tội, sinh mệnh nhỏ bé liên tục bị sát hại, từng “cánh cò trắng ngổn ngang” bị sa lưới, bị bắn chết. 

Hy vọng tới đây sẽ có những quy định cụ thể từng khung, mức độ vi phạm để xử phạt thích đáng nhằm hạn chế tối đa vấn nạn bẫy diệt chim trời - bảo vệ hệ sinh thái đa dạng của thiên nhiên.

Nỗi đau ai thấu? - ảnh 2

Bắt quả tang “cò tặc”

Thậm chí, tận diệt chim trời giờ trở thành nghề hái ra tiền của nhiều người ở các xã vùng ven Trà Sư. Vặt lông “sống”, chế biến, mời chào, bày bán công khai ở các chợ, nhiều quán ăn dọc bìa rừng Trà Sư xem đây là đặc sản để “câu khách”, phục vụ cho khoái khẩu của nhiều người trên tiếng kêu cứu tuyệt vọng của các loài thiên điểu. 

Nỗi đau ai thấu? - ảnh 3

Kinh hoàng thực trạng săn bắt chim cò như món mòi ngon 

Tàn nhẫn hơn là những con chim mồi bị buộc dây, khâu mắt để các con chim thật sà xuống ăn sẽ rơi vào “thiên la địa võng” và đành bất lực khi dính bẫy. 

Nỗi đau ai thấu? - ảnh 4

Bức tranh thiên nhiên - dệt từ những đôi cánh trắng xinh yêu

Sinh cảnh tự nhiên - nơi cư ngụ của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái độc đáo rừng tràm Trà Sư cần được chở che và gìn giữ cẩn thận. Cảnh sắc Trà Sư sẽ vỗ về mỗi ai thích khám phá và tìm về sống trong những điều bình dị, nên thơ. 

Về Trà Sư đắm mình trong sắc diệp lục - một khung cảnh tuyệt đẹp được “phối” bằng những thành tố thiên nhiên sống động.

Tồn tại trên mối quan hệ cộng sinh hàng trăm năm qua, chim trời - cá nước nương nhờ mái nhà chung yên bình Trà Sư. Đó là lý do chúng thi nhau kéo về quần tụ sinh sôi, tạo thành thảm thực vật phong phú độc nhất vô nhị. 

Du khách sẽ ấn tượng khi bắt gặp chú gà lôi Ấn Độ với bộ lông màu xanh cô-ban quý phái, trầm ngâm dạo chơi cùng những chú vạc trên lá sen hay hình ảnh chim làm tổ, ấp trứng trên những lớp bèo dập dìu theo con nước nổi.

Nỗi đau ai thấu? - ảnh 5

Một phen hoảng sợ - trước “cò tặc” lộng hành

Thật diễm phúc khi ngắm bức tranh dệt nên từ những đôi cánh trong mây chiều hơi ửng đỏ, cò trắng, rừng xanh, còn cảm xúc cứ lâng lâng tươi mới được rắc thêm gia vị rộn ràng gió mát, không gian cứ thế mà dệt nên tấm thảm bình yên đẹp đến nao lòng. 

Hy vọng thời gian tới đây, vấn nạn tận diệt chim trời vì lợi ích cá nhân dần sẽ được đẩy lùi, những người làm nghề săn bắt sẽ nhận thức đúng đắn, tầm quan trọng của sinh mệnh muôn loài đối với môi sinh. 

Ý kiến bạn đọc