Nghệ sĩ phải làm cho chữ nghĩa sống động qua lời ca

THÙY TRANG

VHO - Tập 5 chương trình Học viện Cải lươngvừa phát sóng tối 5.5. Bên cạnh việc đào tạo, các thí sinh cũng được BTC tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa để tìm hiểu về văn hoá, lịch sử; rèn luyện kỹ năng giao tiếp…

Nghệ sĩ phải làm cho chữ nghĩa sống động qua lời ca - ảnh 1

Các thí sinh thể hiện tiết mục "Miền nhớ" (tác giả Lê Duy Hạnh) trong tập 5 của chương trình. Nội dung tiết mục đề cập nỗi nhớ qua những ký ức về gánh hát xưa gắn với những vùng đất nghĩa tình, người dân yêu nước… 

Sau tập 4 vào tuần trước, BGK Học viện Cải lương chọn ra 14 thí sinh đi tiếp vào vòng đào tạo. Tuy nhiên, đến tập 5, Huỳnh Nguyễn Duy, một trong 4 thí sinh từng được trao vé vàng (do NSND Thanh Hải quyết định) xin dừng cuộc thi vì lý do bận lịch trình riêng.

Trong chương trình, các thí sinh được BTC đào tạo, tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa để tìm hiểu về văn hoá, lịch sử; rèn luyện kỹ năng giao tiếp… Qua đó, có 4 nhân tố nổi bật được BGK trao cơ hội “hồi sinh”, gồm: Minh Sang, Hồng Phi, Đoàn Văn Tài (Teddy Đoàn), Trần Thị Mỹ Lệ (Melany Trần). Như vậy có tổng cộng 17 thí sinh bước vào vòng đào tạo.

Ở tập 5 này, các thí sinh trải qua vòng Luyện giọng cùng các danh ca - nghệ sĩ: NSND Minh Vương, NSƯT Diệu Hiền, NSND Vương Hà, NSƯT Thu Vân, nghệ sĩ Bùi Trung Đẳng.

Trò chuyện với thí sinh, NSND Minh Vương lấy câu chuyện ông tham gia vở cải lương kinh điển Đời cô Lựu để nhắn nhủ các bạn trẻ về sự chủ động, sáng tạo hợp lý trong nghệ thuật để tạo nên những mảng miếng giá trị, góp phần nâng cao chất lượng vở diễn, lưu dấu ấn với khán giả.

NSND Minh Vương kể, khi cùng NSND Bạch Tuyết tham gia vở cải lương Đời cô Lựu. Trong đó, NSND Minh Vương vào vai Võ Minh Luân, con trai của cô Lựu do NSND Bạch Tuyết đảm nhận.  

Ông kể trong kịch bản có đoạn Võ Minh Luân lại gặp ba - là nhân vật Võ Minh Thành. Nguyên tác, sau khi đứa con chạy lại thì nhân vật Võ Minh Thành sẽ vô câu vọng cổ nhưng NSND Minh Vương cảm giác chưa thỏa đáng.  

“Võ Minh Luân đã mấy chục năm không gặp ba, không biết ba là ai. Bao nhiêu câu hỏi, nỗi niềm, khát khao chờ một ngày cất tiếng gọi cha”, ông kể lại. Từ đó, ông đề nghị viết thêm 1 lớp tâm lý cho nhân vật Võ Minh Luân và dùng bản Văn thiên tường với 3 tiếng “ba hỡi ba” mang đậm dấu ấn Minh Vương.

Nghệ sĩ phải làm cho chữ nghĩa sống động qua lời ca - ảnh 2

Sân khấu Học viện Cải lươngđược thiết kế hiện đại, tươi mới

NSND Bạch Tuyết chỉ bảo các học trò: “Nghệ sĩ phải luôn sáng tạo, tưởng tượng. NSND Năm Châu nói nghệ sĩ diễn nhưng phải để khán giả tin. Những cái diễn đó là thật ở đời thật. Như câu chuyện của NSND Minh Vương trong vở Đời cô Lựu, một cậu bé sau mười mấy năm không gặp cha thì không thể đứng thụ động để nghe người cha ca vọng cổ”.

NSND Bạch Tuyết nhấn mạnh nghệ sĩ phải làm cho chữ nghĩa sống động qua lời ca, phát âm tròn vành rõ chữ, tạo được sự chú ý. “Khán giả ngồi xa nên nghệ sĩ phải ca cho họ hiểu, họ cảm rồi họ mới thương được”, bà lý giải.

Sau vòng đào tạo, các thí sinh tranh tài. 17 người được chia làm 4 nhóm. Bên cạnh 3 giám khảo chính: NSND Bạch Tuyết, nghệ sĩ Châu Thanh, Thanh Hằng thì hoa hậu Ngọc Châu cũng tham gia đánh giá với vai trò sứ giả văn hoá. Người đẹp nói vinh dự khi có cơ hội “mà Châu được làm một khán giả trước khi là một sứ giả văn hóa”. Từ nhỏ Ngọc Châu đã được tiếp xúc cải lương thông qua những buổi tối xem tivi cùng mẹ. Cải lương rất phổ biến tại quê hương của Ngọc Châu, tỉnh Tây Ninh.

Nghệ sĩ phải làm cho chữ nghĩa sống động qua lời ca - ảnh 3

Tiết mục xuất sắc nhất do Sứ giả văn hoá bình chọn thuộc về "Miền nhớ"

“Tôi biết cải lương sớm và luôn yêu nét đẹp văn hoá truyền thống này”, Ngọc Châu cho biết. Hoa hậu nói dùng góc nhìn của khán giả để thưởng thức, đề cao tình cảm, sự rung động mà thí sinh mang đến cho người xem.

Hoa hậu Ngọc Châu cho biết cô ấn tượng từ khi Tuấn Kiệt, Thanh Sang cất những chữ đầu tiên trong câu hát. Người đẹp cho rằng qua đây cho thấy cải lương không quê mùa như một số người định kiến. Ngọc Châu cảm ơn các nghệ sĩ đi trước đã cống hiến cho cải lương, đồng thời thể hiện sự trân trọng những người trẻ tiếp bước giúp môn nghệ thuật này mới mẻ, luôn giữ được sự văn minh…

Sứ giả văn hoá được lựa chọn 1 tiết mục để trao thưởng. Ngọc Châu chọn Miền nhớ, vì nhiều cảm xúc, khơi gợi về truyền thống, việc giữ gìn quê hương, đất nước. 

Học viện Cải lương với tổ hợp gồm đào tạo - tranh tài - trình diễn, hướng đến xây dựng hình ảnh nghệ sĩ cải lương thế hệ mới, không chỉ làm nghề, mà còn làm văn hoá. 

Chương trình gồm 12 tập. Trong đó 3 tập đầu là vòng tuyển chọn các thí sinh. 8 tập sau đó là các thử thách để đào tạo, rèn luyện kỹ năng cho họ. Từ 50 thí sinh ban đầu, giám khảo chọn ra 25 bạn đi tiếp, sau đó loại dần còn một số thí sinh trước chung kết. Tập 12 khép lại chương trình, tìm ra ngôi vị quán quân. 

Sau đó, nhà sản xuất có kế hoạch tổ chức gala, tạo môi trường để thí sinh, người chiến thắng có cơ hội biểu diễn trước công chúng trên sân khấu chuyên nghiệp. 

Một trong những điểm thú vị của chương trình là sự đồng hành của các sứ giả văn hoá. Họ là giảng viên, doanh nhân, nghệ sĩ… đã có những thành công trong sự nghiệp cá nhân, yêu thích và ủng hộ sự phát triển của nghệ thuật truyền thống. Ở mỗi tập sẽ có một người đồng hành để chấm chọn thí sinh. 

Họ đánh giá thí sinh với vai trò một khán giả đặc biệt. Với hoạt động sân khấu thực tiễn, khán giả đóng vai trò hết sức quan trọng để tạo nên sự thành công của nghệ sĩ. Vì thế, nhà sản xuất mong muốn bên cạnh những nghệ sĩ chuyên nghiệp sẽ có thêm thành phần này. Họ cũng góp phần lan toả thông điệp về tình yêu với cải lương, nghệ thuật truyền thống.

Những sứ giả văn hoá của chương trình gồm có: bà Xuân Trang (Hiệu trưởng trường John Robert Powers), ca sĩ Thu Phương, diễn viên Hứa Vĩ Văn, hoa hậu H’Hen Niê, hoa hậu Ngọc Châu, ca sĩ Phương Mỹ Chi…