Người lính già ngót trăm tuổi kể chuyện Điện Biên Phủ

BÁ TRƯỜNG

VHO - Trong buổi giao lưu với chủ đề “Ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và giao lưu chiến sĩ Điện Biên kể chuyện” vừa diễn ra mới đây tại TP.HCM, nhiều bạn trẻ đã được nghe những cựu chiến binh, dù đã ngoài tuổi 90 nhưng những ký ức về trận địa Điện Biên Phủ năm xưa vẫn còn hằn sâu trong trí nhớ và được kể lại.

 Người lính già ngót trăm tuổi kể chuyện Điện Biên Phủ - ảnh 1

 Những người lính già tại buổi giao lưu

Đó là đại tá Hoàng Ngọc Thương, Đại đội phó Đại đội Pháo binh thuộc Đại đoàn Công pháo 351 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và đại tá Trần Thịnh Tần, chiến sĩ Hậu Cần thuộc Tổng cục Cung cấp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ là những cựu chiến binh tham gia trận đánh năm xưa, vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Dù tuổi đã cao, tóc bạc trắng, nhưng họ vẫn nhớ rõ những năm tháng đấu tranh hào hùng ấy.

Vào những ngày này cách đây 70 năm, Chiến dịch Điện Biên Phủ đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt nhất. Giai đoạn mà ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng chiến hào, giai đoạn của khó khăn, gian khổ và hy sinh như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn!”… Nhớ lại những khó khăn của cuộc chiến, người lính Hoàng Ngọc Thương bồi hồi nhớ lại hình ảnh mà các anh em phải tháo gỡ súng, pháo ra từng bộ phận, chặt nứa đan bè dọc theo con sông để có thể vận chuyển vũ khí lên chiến trường Điện Biên. “Việc vận chuyển pháo rất gian khổ, chúng tôi phải đi trong những ngày rét mướt, bị vắt cắn, bị luồng nứa cắt. Anh em chặt luồng đã có người hy sinh. Nỗi khổ lớn nhất là trong cảnh đạn lửa những ngày đấy, nhiều đồng đội đã hy sinh”, ông nói trong nước mắt.

Còn với cựu chiến binh Trần Thịnh Tần, ông luôn nhắc nhớ đến sự đoàn kết mật thiết giữa quân và dân trong cuộc chiến ngày ấy. Ông cho hay, khi ấy người dân Tây Bắc đã ủng hộ hơn 10 ngàn tấn nếp nương cho bộ đội trong cuộc chiến, có vậy thì sau khi giành chiến thắng, chúng ta mới còn đủ gạo để cứu đói cho cả dân địa phương. “Chúng tôi phải sống liền với rừng, với ruộng, với ngày với đêm. Có lúc cả tuần không rửa mặt. Nhưng tình thương của đồng bào đã giúp bộ đội vượt qua khó khăn”, ông cho hay.

Nhớ đồng đội của mình, đại tá Hoàng Ngọc Thương cho biết, từ đại đội 120 thành viên, đến ngày địch giương cờ trắng đầu hàng thì chỉ còn lại 6 người sống sót. “Cho đến khi nhà báo Phú Bằng ở cùng trận địa nói các anh em ra chụp bức ảnh kỷ niệm, chúng tôi chỉ có 4 người vì 2 người khác bị thương. Ngày đó chụp xong rồi thôi. Đến nhiều năm sau, khi gặp lại tại Hà Nội, anh Phú Bằng mới chợt nhớ chưa đưa bức ảnh chụp năm đó và tặng cho tôi. Bây giờ đồng đội mất hết rồi, chỉ còn tôi là người cuối cùng của đại đội còn sống”, ông bồi hồi nhớ lại.

Còn với đại tá Trần Thịnh Tần, ông cho biết chiến trường năm xưa ác liệt biết là bao, thế nhưng ý chí của anh em luôn rất phấn khởi, luôn động viên nhau để ra chiến trường phải chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. “Chúng tôi ở với nhau, khi không chiến đấu thì tâm sự, hát hò, kể chuyện tiếu lâm, thậm chí thử làm báo. Tổng cục Chính trị ngày đó thu được nhiều thư từ gia đình của chúng tôi gửi lên. Đến giờ giải lao, anh em đọc thư rồi sinh hoạt văn nghệ. Chúng tôi thiếu thốn nhiều thứ nhưng tình cảm thì bao giờ cũng quý mến, yêu thương nhau”, ông kể lại. Cũng tại buổi trò chuyện, nhiều kỷ niệm vui buồn về trận địa Điện Biên Phủ năm xưa đã được các cựu chiến binh gợi nhớ.

Các cựu chiến binh Điện Biên Phủ ngày càng vơi dần do tuổi cao sức yếu, chính vì thế sự góp mặt của hai cựu chiến binh gần trăm tuổi tại hoạt động lần này thật sự đáng quý. Chính những chia sẻ của các nhân chứng lịch sử, những người đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giúp gìn giữ và truyền cho thế hệ mai sau hiểu rằng nền tự do, hòa bình hôm nay có được là nhờ biết bao xương máu và mồ hôi của các bậc tiền nhân. Chính những giá trị lịch sử to lớn ấy sẽ mãi mãi được lưu giữ và tôn vinh qua các thế hệ mai sau. 

Ý kiến bạn đọc