Nỗ lực gìn giữ bài bản tổ Đờn ca tài tử

THÙY TRANG

VHO - Liên hoan Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương tỉnh An Giang năm 2024 vừa khép lại với Lễ tổng kết và trao giải vào tối 19.5. Giới mộ điệu và du khách gần xa đã được thưởng thức những ngón đờn hay, giọng ca ngọt ngào từ những nghệ nhân, tài tử từ khắp nơi của An Giang tụ hội về giao lưu, trổ tài thi diễn…

 Nỗ lực gìn giữ bài bản tổ Đờn ca tài tử - ảnh 1

 Tài tử đờn, tài tử ca được giao lưu, học hỏi nghệ thuật và tìm bạn tri kỷ tri âm (Ảnh: Tiết mục tham gia thi diễn tại Liên hoan)

Liên hoan Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương tỉnh An Giang là hoạt động văn hóa thiết thực và có tính tiếp nối để toàn thể nhân dân trong tỉnh tìm hiểu, thưởng thức tinh hoa nghệ thuật truyền thống cùng sự sáng tạo trong Đờn ca tài tử. Thông qua đó nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, lưu truyền và gìn giữ loại hình hết sức độc đáo của người dân Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL An Giang, Phó Trưởng BTC Liên hoan chia sẻ, trong suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc nên nền văn hóa dân tộc giàu bản sắc. Những thành quả sáng tạo ấy được ông cha ta giữ gìn, trao truyền cho chúng ta một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, phong phú.

Một trong số đó là nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào của nhân dân 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ đã cùng chung sức bảo tồn, phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử, trong đó có An Giang.

“Tiếp nối thành công của các kỳ Liên hoan Đờn ca tài tử được tổ chức trong tỉnh An Giang, đến nay đã trở thành hoạt động thường kỳ 2 năm một lần. Đây chính là sân chơi của tài tử đờn, tài tử ca, những người có năng khiếu âm nhạc, có năng lực sáng tác và diễn tấu để thỏa mãn đam mê, thỏa mãn nhu cầu giao lưu, học hỏi nghệ thuật, tìm bạn tri kỷ tri âm”, ông Trương Bá Trạng cho biết.

Liên hoan năm nay có sự tham gia của 11 đội với hàng chục tiết mục thi diễn, do các nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca đang sinh sống hoặc hoạt động nghệ thuật trên địa bàn. Tham gia Liên hoan, mỗi đội xây dựng chương trình gồm 2 phần: Đờn ca tài tử và trích đoạn Cải lương. Các đội tùy chọn các thể loại hòa ca (đơn ca, song ca, tốp ca), vọng cổ (nhịp 16 hoặc 32) và ca ra bộ.

Các tiết mục hòa ca Đờn ca tài tử phải là một trong 20 bài bản tổ Đờn ca tài tử, các tiết mục không được trùng lắp điệu thức (Bắc, Nam, Lễ, Oán). Cùng với đó là một tiết mục độc tấu hoặc hòa tấu (các làn điệu trong hệ thống 20 bài bản tổ và bộ Bát ngự).

Nhận xét về Liên hoan, PGS. TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, Trưởng Ban giám khảo bày tỏ vui mừng khi thấy Liên hoan được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, có những quy định chặt chẽ nhằm duy trì và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử, phát triển phong trào Đờn ca tài tử tại địa phương. Trên bình diện chung, các đội không có sự chênh lệch nhiều, phần lớn tiếng đàn đã tròn trịa, tiếng ca cũng chững chạc…

“Liên hoan chỉ là gặp gỡ, giao lưu, nhưng chúng tôi cảm nhận được sự đầu tư nghiêm túc, chuyên nghiệp của các đội tham gia. Đáng chú ý, Ban Giám khảo phát hiện một số tài tử nhỏ tuổi tiếng ca có chất, có năng khiếu, rất triển vọng.

Tuy nhiên, tài tử đờn lại chưa có nhiều người trẻ, phần lớn đã lớn tuổi, đây là thiếu hụt cần phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nhanh chóng có lực lượng kế thừa”, Trưởng Ban giám khảo chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, BTC đã đưa ra đầy đủ thể loại, bài bản, vì thế mà các tiết mục dự thi cũng đa dạng. “Chúng tôi phát hiện các bạn hát bản Bắc, bài Lễ, bản Oán rất tốt, ngoài ra cũng bắt đầu tự tin thể hiện bài khó, ví dụ bài Hạ, có cả Ngũ đối hạ... T

uy nhiên nếu tốt hơn nữa, chúng tôi muốn các bạn thể hiện thêm một số bài bản trong 20 bài bản tổ để công chúng được nghe nhiều hơn. Chỉ khi tài tử được đờn, được hát càng nhiều các bài bản thì nghệ thuật này mới có thể duy trì và phát triển đồng đều, đầy đủ.

Còn nếu không, nếu chúng ta bỏ lửng, không có người chơi, không ai đờn hát, thì đến một lúc nào đó, các bài bản tổ sẽ không còn nữa”, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm bày tỏ.

Phát biểu tại Liên hoan, Phó Giám đốc Sở VHTTDL An Giang Trương Bá Trạng nhấn mạnh: “Để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử, trong thời gian tới, tôi đề nghị 11 huyện, thị xã, thành phố nâng cao chất lượng và phát triển phong trào Đờn ca tài tử ở các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân và phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh.

Các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử trên các phương tiện thông tin truyền thông và các ứng dụng công nghệ số. Các nghệ nhân, tài tử - những hạt nhân của nghệ thuật Đờn ca tài tử cần phát huy hơn nữa niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc và truyền lửa cho các thế hệ tương lai”.