Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Chương trình nghệ thuật chất lượng cao của Bộ VHTTDL: Sứ giả “đánh thức” các sàn diễn “tỉnh giấc”

Thứ Hai 08/06/2020 | 10:08 GMT+7

VHO- Sau bao nỗ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như của các nhà hát - đơn vị nghệ thuật, sân khấu sau mùa dịch Covid-19 đã thực sự khởi sắc. Nghệ thuật sân khấu đã tự “gạn đục, khơi trong”, trình làng những tác phẩm xuất sắc nhất để “kéo” khán giả đến với mình...

Ông Jeff von der Schmidt, Nhạc trưởng người Pháp, chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng VN

 Điều này đã được ghi nhận ở hai chương trình biểu diễn vào tối 6.6 của Nhà hát Tuồng Việt Nam và Nhà hát Tuổi Trẻ trong chuỗi các chương trình nghệ thuật chất lượng cao của các nhà hát thuộc Bộ VHTTDL.

Tuồng cổ Việt Nam mang giá trị đương đại

Đêm diễn mở màn sân khấu rạp Hồng Hà sau những tháng dài đóng cửa, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã chọn diễn vở tuồng cổ Nữ tướng Đào Tam Xuân. Rất ngạc nhiên khi bên cạnh những khán giả lớn tuổi còn có rất nhiều người trẻ đến thưởng thức vở diễn. Trong số khán giả có gia đình bà Đặng Thị Minh, nguyên là nhân viên của Trung tâm chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, bà cho biết: “Vợ chồng tôi rất thích xem tuồng. Chúng tôi đã được thưởng thức nhiều vở diễn của Nhà hát như: Tình mẹ, Mộc Quế Anh dâng cây… Thấy ông bà về cứ xuýt xoa khen mãi nên lần này cháu nội của tôi đã đòi đi cùng để xem tuồng có hay như ông bà kể không…”. Cậu cháu trai 13 tuổi của ông bà Minh vô cùng thích thú khi được chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ, và cũng như các khán giả khác, cậu bé đã ngồi chăm chú xem hết cả vở tuồng cổ kéo dài 2 tiếng đồng hồ mà không hề chán hay đòi về.

Thực tế thời nay rất hiếm cảnh tượng khán giả “chịu” ngồi xem hết vở tuồng, vậy mà trong buổi diễn đêm 6.6, cả khán phòng Nhà hát Hồng Hà tại 51 Đường Thành, Hà Nội chật kín khán giả từ đầu tới cuối. Ông Trịnh Chân, một khán giả cao niên chia sẻ: “Trước đây tôi là diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội, cùng lứa với NSND Đoàn Dũng, NSND Trần Hạnh… Là diễn viên kịch nhưng tôi rất mê tuồng, nhà lại ở gần khu văn hoá nghệ thuật Cầu Giấy nên được các anh chị nghệ sĩ ưu ái, hễ có vở diễn là lại tặng giấy mời đi xem. Vở Nữ tướng Đào Tam Xuân tôi đã được xem cách đây gần 40 năm, giờ được thưởng thức các anh chị, các cháu diễn viên hôm nay của Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn, tôi thấy vô cùng hấp dẫn và vẫn giữ nguyên được cảm xúc như thuở ban đầu”.

Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, đêm diễn vở Nữ tướng Đào Tam Xuân có bán được một số vé theo hợp đồng nhưng đa phần là khán giả tới xem bằng giấy mời. Âu cũng là dễ hiểu, bởi nghệ thuật tuồng truyền thống giờ đây rất khó khăn trong việc tiếp cận khán giả, đặc biệt là với lớp khán giả trẻ. Ông Jeff von der Schmidt, Nhạc trưởng người Pháp đã từng đoạt 2 giải thưởng Grammy năm 2004, 2005 ở hạng mục Chỉ huy dàn nhạc, đã tham gia rất nhiều hoạt động âm nhạc lớn tại Việt Nam, đặc biệt đã từng biểu diễn cùng nhóm Đông kinh cổ nhạc cũng có mặt tại buổi diễn và cho đến khi cánh màn nhung khép lại, ông vẫn nán lại để chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ.

Ông chia sẻ: “Tuồng Nữ tướng Đào Tam Xuân của Việt Nam làm tôi liên tưởng tới các vở kịch kinh điển của William Shakespeare như Vua Lear. Tính bi kịch trong tuồng cổ của Việt Nam cũng vô cùng mạnh mẽ, không thua kém gì bi kịch thế giới. Nghệ thuật tuồng truyền thống mang nhiều giá trị và có ảnh hưởng không nhỏ đối với nghệ thuật đương đại”.

 Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội chật kín khán giả Ảnh: T.TOÀN

Sàn diễn được “đánh thức” bởi những vở diễn hấp dẫn

Cùng diễn ra vào tối 6.6, quang cảnh ở Nhà hát Tuổi Trẻ 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội vô cùng náo nhiệt bởi đông đảo khán giả nhí tới xem chương trình Ca múa nhạc - Kịch vui Trống Choai đi đâu thế…?”. Đưa hai con nhỏ tới rạp, chị Võ Thu Phương, 35 tuổi chia sẻ: “Chương trình đáp ứng được nhiều độ tuổi thiếu nhi có thể xem. Đó là lý do hai cháu nhà tôi, cháu trai 7 tuổi, cháu gái 5 tuổi đều thấy rất thích. Thấy các con reo hò hưởng ứng những câu hỏi của các nghệ sĩ trên sân khấu, nhảy múa và hát theo các giai điệu, bài hát mình cũng thấy phấn khởi”. Chị Phương cho biết, khi có vé xem chương trình, chị không dám nói sớm vì sợ các con quá háo hức, đến chiều muộn chị mới thông báo. “Mấy tháng nghỉ học các cháu đều buồn và cuồng chân vì ở nhà nhiều. Những chương trình nghệ thuật như thế này thực sự bổ ích và cần thiết, không chỉ giúp các cháu giải trí mà còn có giá trị giáo dục rất tốt”, chị Phương chia sẻ thêm.

Có thể nói, dịp Tết thiếu nhi 1.6 năm nay đã trở thành “sứ giả” đặc biệt khi “đánh thức” các sàn diễn “tỉnh giấc” sau mấy tháng trời “đóng băng” vì dịch Covid-19 hoành hành. Các nhà hát của Bộ VHTTDL là những đơn vị “thức dậy” sớm với một loạt các chương trình mới đặc sắc dành riêng cho thiếu nhi. Nhà hát Tuổi Trẻ là đơn vị cho “ra lò” nhiều nhất, với 3 chương trình đặc biệt mới mẻ và hấp dẫn. Điều đáng nói là các chương trình đều được dàn dựng công phu, hoành tráng và vô cùng hiện đại, tươi mới. Đó là lý do mà rất nhiều phụ huynh đã vượt qua e ngại bởi dịch bệnh để đưa con em tới xem biểu diễn. Những “bữa tiệc” nghệ thuật hấp dẫn đã thực sự làm đúng sứ mệnh của mình khi “kéo” được khán giả trở lại với sân khấu. 

 Các nhà hát sẽ được hỗ trợ kinh phí

Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức họp trực tuyến với các nhà hát thuộc khối nghệ thuật biểu diễn Trung ương bàn về các biện pháp giải quyết tình hình hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật biểu diễn sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Nguyễn Quang Vinh cho biết Cục sẽ trình lãnh đạo Bộ một sốgiải pháp được lãnh đạo Cục và các nhà hát thống nhất tại cuộc họp trực tuyến này. Theo đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật về địa điểm biểu diễn (đối với các nhà hát chưa có rạp biểu diễn), đồng thời cũng sẽ lập dự trù kinh phí bồi dưỡng cho nghệ sĩ tham gia các chương trình biểu diễn theo quy định của Nhà nước.

Sự hỗ trợ này chỉ trong giai đoạn mà hoạt động tổ chức biểu diễn đang còn gặp rất nhiều khó khăn bởi sau mùa dịch, khán giả chưa trở lại thói quen đi xem nghệ thuật. NSND Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh, các chương trình được hỗ trợ kinh phí cần hướng nội dung tới các ngày lễ lớn trong năm 2020 và hướng tới chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tại cuộc họp, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đề nghị các nhà hát có rạp biểu diễn cần có sự chia sẻ giúp đỡ với những đơn vị nghệ thuật biểu diễn trong ngành bằng cách hạ giá cho thuê biểu diễn nghệ thuật, mua vé xem nghệ thuật để ủng hộ. Cùng với sự nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn thì cũng cần có chiến dịch truyền thông, tìm sự hỗ trợ của truyền thông về chủ trương, kế hoạch biểu diễn cũng như giới thiệu từng chương trình cụ thể của các nhà hát. Đ.A

 THUÝ HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top