Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Về Thái Bình để được nghe chèo “xịn”

Thứ Sáu 30/09/2022 | 13:12 GMT+7

VHO - Những khán giả có mặt trong đêm diễn ra mắt vở Thiên duyên huyền tích của Nhà hát Chèo Thái Bình đều có chung một cảm giác hài lòng, thư thái khi được xem một vở chèo đúng chất chèo truyền thống. Với vở diễn này, Nhà hát Chèo Thái Bình vẫn giữ được phong cách chèo truyền thống của Thái Bình, một thương hiệu chèo tiêu biểu trong làng chèo cả nước.

Vở chèo Thiên duyên huyền tích mang đậm chất dung dị và trữ tình của nghệ thuật chèo truyền thống

Thiên duyên huyền tích do cố tác giả Hoàng Luyện, tác giả đã đoạt giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật viết kịch bản cải lương, chuyển thể chèo: Lê Thế Song, đạo diễn; Lê Thanh Tùng. Chử Đồng Tử là một nhân vật truyền thuyết, thần thoại và là một vị thánh nổi tiếng, sống ở thế kỷ thứ IV-III TCN (vào khoảng năm 300 TCN, thời Hùng Duệ Vương). Về sau, ông thường được liệt vào một trong Tứ bất tử của tín ngưỡng Việt Nam.

Thiên duyên huyền tích  khai thác về Huyền tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung là một mối tình thể hiện khát vọng tự do và hạnh phúc của con người; một câu chuyện thấm đẫm chất thơ và chứa đựng những chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh, đã ăn sâu bén rễ trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.

 Là một tác giả có nghề của sân khấu kịch hát truyền thống nên Lê Thế Song đã khéo léo chuyển từ kịch bản cải lương của cố tác giả Hoàng Luyện, cũng là bố vợ của ông sang kịch bản của sân khấu chèo truyền thống một cách hợp lý. Nhà hát Chèo Thái Bình đã lựa chọn một ê kíp sáng tạo không chỉ tác giả mà cả ê kíp dàn dựng đều là những “gạo cội” gắn bó với kịch hát truyền thống, đặc biệt là chèo: Đạo diễn Lê Thanh Tùng, biên đạo múa - NSƯT Lê Khánh Toàn, hoạ sĩ - NSƯT Doãn Bằng… Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát Chèo Thái Bình đã cùng ê kíp sáng tạo dành nhiều thời gian để chuyển hướng tư tưởng kịch bản, khai thác đậm chất trữ tình, lãng mạn vào sân khấu chèo truyền thống.

Ngay những lúc cao trào của các mối xung đột thì vở diễn vẫn mang đậm chất nhân văn, tình người

Nét nổi bật trong chủ đề tư tưởng của vở đó là khắc hoạ đậm nét tính nhân văn, thể hiện khát khao tình yêu đôi lứa không phân biệt sang hèn, cùng cố gắng vượt qua mọi khó khăn để giúp người dân vươn lên trong cuộc sống. Tấm lòng nhân hậu của Tiên  Dung - Chử Đồng Tử đã chiến thắng mọi thế lực trở thành biểu tượng của niềm tin. Vùng Chử Xá nhờ có Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã trở thành nơi giao thương buôn bán thịnh vượng, người dân no đủ. Chử đồng tử cứu chữa cho những người dân khỏi bệnh trừng trị những kẻ ác. Khi Vua Hùng Vương vị kẻ xấu dèm pha cho rằng Chử Đồng Tử và Tiên Dung có ý tạo phản nên xuất binh đánh.Nhưng khi quân nhà vua đến, mọi người xin ra chống cự nhưng Tiên Dung và chồng chỉ cười và từ chối không kháng cự cha mình. Họ nhổ gậy thần và nón khỏi mặt đất,  hoá thành đôi hạc trắng bay lên trời.

Vì sao chèo Thái Bình lại mạnh dạn dựng một kịch bản cũ là Cây gậy thần đã ra đời cách đây hàng chục năm để dự thi Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 sắp tới? Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình, NSND Vũ Ngọc Cải chia sẻ: “Tại thời điểm hiện nay tìm được một kịch bản phù hợp với nghệ thuật chèo truyền thống không có nhiều. Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát cũng đã thẩm định nhiều kịch bản được viết mới nhưng thấy không đáp ứng được yêu cầu của chèo Thái Bình. Để tham gia một cuộc liên hoan mang tính quốc gia, chúng tôi phải tìm cho mình một kịch bản thật sự phát huy được thế mạnh của nhà hát.Thiên duyên huyền tích khai thác đề tài dân gian tạo nhiều đất diễn cho nghệ thuật chèo và có thể giúp cho ê kíp sáng tạo, nghệ sĩ biểu diễn phát huy được đầy đủ các đặc trưng của nghệ thuật chèo tuyền thống”.

Làm mới một kịch bản cũ bằng một hình thức sân khấu mới là điều đáng ghi nhận

Quả thực khi xem Thiên duyên huyền tích, khán giả có một cảm giác thư thái khi thưởng thức một cách no đủ tới hơn 40 làn điệu chèo hay, nổi tiếng trong nghệ thuật chèo qua những giọng ca đã đạt tới độ chín, nhuần nhuỵ như Quang Dũng trong vai Chử Đồng Tử, Lê Vân vai Tiên Dung, NSƯT Thanh Hiện vai Hoàng hậu, Mạnh Hùng vai Vua Hùng, Mạnh Hà vai Lạc tướng… Đặc biệt là một diễn viên rất trẻ trong đoàn nhưng Lê Vân với vai Tiên Dung đã tạo ấn tượng rất đẹp về hình tượng nhân vật bởi phong cách biểu diễn tươi mát và giọng ca rất ngọt. Điều đặc biệt là vở diễn không chỉ khoe được những ưu thế đặc trưng của nghệ thuật chèo mà còn mang ý nghĩa thời sự bởi những giá trị tư tưởng của vở. Đặc biệt là quan điểm vì dân của Chử Đồng Tử vẫn luôn mới khi soi lại: “Dân ấm dân no vương quốc mới thịnh hưng. Dân đói khổ bần hàn là vận nước sẽ suy vi”. Vượt qua câu chuyện tình đẹp của Chử Đồng Tử - Tiên Dung thì vở diễn cũng đưa ra một triết lý mọi triều đại không thể hưng thịnh nếu không có sự đoàn kết, hợp lực của toàn dân. 

Có mặt tại đêm diễn ra mắt vở Thiên duyên huyền tích, con gái của cố tác giả Hoàng Luyện, thạc sĩ Xuân Hồng cho biết: “Tôi đã xem nhiều bản diễn cải lương, xiếc kết hợp với cải lương dựng Cây gậy thần của cha tôi. Mỗi bản diễn ở từng loại hình đều thể hiện và khai thác tác phẩm ở một góc nhìn rất riêng. Tôi xin cảm ơn ê kíp sáng tạo vở đã mang tới cho kịch bản của cha tôi một sinh khí mới mẻ. Mang tới cho khán giả một vở diễn chèo rất đẹp, rất trữ tình, giầu cảm xúc. Đặc biệt là đạo diễn đã khéo léo đưa hát trống quân vô cùng thích khi đạo diễn đưa hát trống Quân Hưng Yên vào chèo Thái Bình vô cùng đặc sắc, ấn tượng”.

Hai nghệ sĩ Quang Dũng và Lê Vân đã thể hiện rất tốt hai nhân vật chính Chử Đồng Tử và Tiên Dung

Có thể thấy qua Thiên duyên huyền tích, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Thái Bình đã vận dụng được những làn điệu hay, cổ của ba vùng chèo nổi tiếng đất Thái Bình đó là Hà Xá (Hưng Hà), Sáo Dền (Vũ Thư), đặc biệt là chèo Khuốc nổi tiếng của Đông Hưng. Chia sẻ với Văn Hoá, Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình, NSND Xuân Cải cho biết hiện nay nhà hát đang được địa phương tạo rất nhiều điều kiện, đặc biệt là năm 2022, Thái Bình đã phê duyệt và cho triển khai Đề án bảo tồn nghệ thuật chèo trên địa bàn tỉnh, Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2030”, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15.7.2021 phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02.12.2021 phê duyệt Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt nam giai đoạn 2021 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh… Bên cạnh đó, hằng tháng, Nhà hát Chèo Thái Bình đều tham gia biểu diễn và truyền dạy các làn điệu chèo truyền thông trên truyền hình của tỉnh, tham gia các hoạt động đưa chèo vào giảng dạy trong các trường phổ thông…

THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top