Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Xây dựng và phát triển đội ngũ đạo diễn sân khấu: Đến lúc “nhường sân”cho lớp trẻ

Thứ Tư 05/10/2022 | 09:46 GMT+7

VHO- Nếu nhà biên kịch viết kịch bản văn học hoặc chuyển thể sang các loại hình nghệ thuật, thì đạo diễn chính là “cha đẻ” của vở diễn với khả năng biến cái phi vật thể của chữ nghĩa thành cái hữu thể của tác phẩm trên sân khấu. Điều này cho thấy đạo diễn có vai trò vô cùng quan trọng đối với chất lượng của vở diễn cũng như phong cách nghệ thuật của một đơn vị. Tiếc rằng, trong bối cảnh ít khán giả hiện nay, chúng ta chưa có được đội ngũ đạo diễn trẻ sung sức, đủ khả năng đưa sân khấu thoát khỏi tình trạng khủng hoảng.

Vở “Hedda Gabler” của Nhà hát Tuổi Trẻ mang dấu ấn đậm nét của đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama

Đây là lý do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ “Đạo diễn Sân khấu cho các đạo diễn trẻ năm 2022”.

Người trẻ chưa mặn mà “vào cuộc”...

Tại Lớp tập huấn, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi nhận định: “Những năm gần đây, nghệ thuật sân khấu thiếu vắng trầm trọng các lực lượng sáng tạo như tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn... Hội đã tập trung tổ chức nhiều trại sáng tác, tập huấn cho các tác giả, trong đó có cả các tác giả trẻ. Năm nay, Hội thống nhất tập trung xây dựng lực lượng đạo diễn trẻ. Sân khấu có kịch bản tốt, có diễn viên giỏi nhưng nếu không có đạo diễn tài năng thì chắc chắn sẽ không thể có một vở diễn hay. Đây là đợt tập huấn ngắn ngày, và chắc chắn sẽ có những lớp tập huấn, đào tạo dài hơn. Rất mong mỏi các đơn vị nghệ thuật cùng chung tay để phát hiện, cổ vũ cho các đạo diễn trẻ bứt phá, đem tới cho sân khấu luồng sinh khí mới”.

Tham gia giảng dạy lớp tập huấn có các đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà, NSND Hoài Huệ, NSND Lê Hùng, Lê Quý Dương, Tsuyoshi Sugiyama (Nhật Bản), PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái… Những tên tuổi “đình đám” ấy cho thấy Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã rất cẩn trọng khi “chọn mặt gửi vàng”. Tiếc là chỉ có 18 đạo diễn đăng ký tham dự lớp đào tạo và đến ngày khai giảng (3.10) chỉ còn 14 đạo diễn. Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có khoảng 200 đơn vị nghệ thuật biểu diễn thì số lượng đạo diễn trẻ đăng ký tập huấn nghiệp vụ như vậy là quá ít ỏi.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thuý Mùi phát biểu tại lễ khai mạc lớp tập huấn

Cần có kế hoạch chiến lược và dài hơi

Cách đây vài năm, khi nhìn vào danh sách tác phẩm tham dự các kỳ liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, người yêu sân khấu không khỏi ngán ngẩm vì loanh quanh chỉ toàn những gương mặt cũ. Cuộc tranh tài dành cho các đơn vị nghệ thuật vô hình trung tựa như cuộc “đọ sức so găng” của những đạo diễn “ăn khách” đã ở tuổi cao niên. Thời gian gần đây, cục diện có phần khả quan hơn khi đã xuất hiện thêm một số ít đạo diễn trẻ. Dù được coi là trẻ nhưng họ cũng đã bước vào tầm trên 40 tuổi như NSƯT Tạ Tuấn Minh, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Lâm Tùng... và cũng chỉ nổi bật được 1, 2 vở rồi lại “im ắng” ngay tại đơn vị họ đang công tác. Thực trạng này không khỏi khiến nhiều người lo lắng cho tương lai của nền sân khấu nước nhà. Hằng năm, các đơn vị đào tạo vẫn có những lứa đạo diễn mới ra trường, vậy tại sao đội ngũ đạo diễn sân khấu lại khan hiếm? Vấn đề nằm ở khâu đào tạo hay chính sách sử dụng, đãi ngộ đối với họ?

NSND Hoài Huệ nhận định: “Theo tôi, có nhiều nguyên nhân kể cả chủ quan và khách quan. Bản thân các đạo diễn trẻ ngày hôm nay vẫn chưa thực sự đam mê và lăn lộn với nghề, chưa chịu học hỏi, tìm tòi cái mới. Mặt khác, các đơn vị nghệ thuật cũng chưa đủ niềm tin để giao phó vở cho đạo diễn trẻ dàn dựng”.

Cùng chung tâm trạng lo lắng, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, ngành sân khấu Việt Nam đang “đứt gãy” trong công tác đào tạo đạo diễn. Lứa đạo diễn nổi tiếng như cha con NSND Thế Lữ - NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Lê Hùng, NSND Dương Ngọc Đức trưởng thành và phát triển vững chắc là do Nhà nước đã cử họ đi đào tạo ở những “cái nôi” nghệ thuật như Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức... Đến nay họ đều đã tuổi cao sức yếu, có người đã ra đi... PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định, đây là thời điểm cần phải tạo cơ hội để “nhường sân” cho lớp trẻ.

Không ai học xong có thể thành đạo diễn tài năng ngay. Vì thế, lớp đạo diễn trẻ cần đi theo các “lão làng” để học tập kinh nghiệm, cách sử dụng các mảng miếng, cách xử lý sân khấu để có thể ứng dụng trên thực tế. Và cũng phải tính tới chuyện mạnh dạn trao cơ hội cho họ được đi đào tạo ở nước ngoài, hoặc thiết thực và đỡ tốn kém hơn, mời các đạo diễn giỏi ở nước ngoài về Việt Nam tổ chức những khóa đào tạo. Việc Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam mời đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama từ Nhật Bản tham gia lớp tập huấn lần này là một hướng đi phù hợp. Thời gian tới, Hội cũng sẽ cố gắng mời thêm các tên tuổi nổi tiếng từ nhiều quốc gia tới chia sẻ kinh nghiệm.

Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama đã giành các giải thưởng tại Việt Nam như: Đạo diễn xuất sắc vở Chim hải âu của Chekhov tại Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế tại Hà Nội năm 2016; HCV vở Cậu Vanya của Nhà hát Tuổi Trẻ tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 4-2019. Mới đây, Nhà hát Tuổi Trẻ cũng công diễn vở Hedda Gabler do đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama dàn dựng. Ông cho biết, rất vui khi được mời tham gia khoá đào tạo cho các đạo diễn trẻ của Việt Nam: “Tôi sẽ truyền đạt tất cả những kiến thức mà tôi có. Điều quan trọng là họ phải hiểu kịch bản một cách sâu sắc mới có thể tiến hành dàn dựng cho một tác phẩm sân khấu. Tôi sẽ sử dụng vở Vườn anh đào của nhà văn Nga Anton Chekhov để làm ví dụ cho lớp học. Người đạo diễn giống như một thuyền trưởng tài ba, cần làm tốt khâu tuyển chọn diễn viên, phân tích cảm thụ tác phẩm, chăm chút tỉ mỉ từng hành động, lời thoại, nét mặt, cảm xúc nhân vật, kết hợp với nhiệt huyết, sự sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân nhằm thể hiện những mâu thuẫn tâm lý vô cùng phức tạp”.

Ghi nhận sự nỗ lực của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khi tổ chức lớp tập huấn Đạo diễn Sân khấu cho các đạo diễn trẻ năm 2022, tuy nhiên, đã đến lúc cần phải có sự đầu tư chiến lược và dài hơi hơn nữa để xây dựng đội ngũ đạo diễn tài năng vì sự phát triển bền vững của sân khấu nước nhà. 

THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top