Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Việt Nam trúng cử Thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể

Thứ Năm 07/07/2022 | 00:34 GMT+7

VHO- Ngày 6.7.2022, tại Kỳ họp lần thứ 9 Đại hội đồng Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể đang diễn ra tại Trụ sở UNESCO (Paris, Pháp), Việt Nam đã trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể với 120 trên tổng số 155 phiếu bầu, cao nhất trong Nhóm IV các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời cao nhất trong số các nước trúng cử.

Ông Ernesto Ottone, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu khai mạc kỳ họp

Đoàn Việt Nam về phía Bộ VHTTDL có sự tham gia của PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá và bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế.

Ngay sau khi kết quả được công bố, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO nhấn mạnh, với tư cách là thành viên Ủy ban liên Chính phủ nhiệm kỳ 2022-2026, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước 2003, nâng tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể, bởi đây không chỉ là nguồn lực thiết yếu cho đa dạng văn hóa, sáng tạo, đối thoại giữa các nền văn hóa và gắn kết xã hội mà còn là động lực cho sự phát triển bền vững.

Cùng với việc Việt Nam hiện là thành viên Hội đồng chấp hành nhiệm kỳ 2021 – 2025, thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021 - 2025, việc trở thành thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO nói chung và về văn hóa nói riêng; khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam tại UNESCO nói riêng và trên trường quốc tế nói chung, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO phát biểu tại kỳ họp

Có mặt tại Kỳ họp, PGS. TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá cho biết, nhận thức được trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể nói riêng và di sản văn hoá nói chung, vừa qua Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ VHTTDL nghiên cứu, sửa đổi Luật Di sản văn hoá. Trong quá trình đó, Công ước 2003 là công cụ pháp lý quan trọng góp phần định hướng và hỗ trợ Việt Nam ban hành các chủ trương, chính sách quan trọng và phù hợp với công tác bảo vệ, phát huy di sản văn hoá phi vật thể tại Việt Nam.

 Bà Hiền cũng cho biết, Bộ VHTTDL sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể với tư cách thành viên Ủy ban liên chính phủ  của Công ước, theo đó tập trung chia sẻ các thực hành tốt, thúc đẩy các mục tiêu của Công ước, thúc đẩy các ưu tiên của UNESCO, nâng cao nhận thức, tăng cường đóng góp hoàn thiện cơ chế của Công ước, tăng cường các di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia vì sự tôn trọng lẫn nhau, đối thoại đa văn hóa và sự phát triển bền vững, thúc đẩy sự cộng hưởng lớn hơn giữa các Công ước về văn hóa, thúc đẩy các hoạt động và sự kiện kỷ niệm 20 năm ra đời Công ước.

Tại Phiên khai mạc Kỳ họp, ông Ernesto Ottone, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO đánh giá cao sự tham gia của các quốc gia thành viên tại Kỳ họp sau hai năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các cuộc họp của Công ước phải thực hiện theo hình thức trực tuyến. Ông Ernesto khẳng định, Hội nghị Văn hoá thế giới (Mondiacult) sắp tới do UNESCO tổ chức tại Mexico vào tháng 9.2022 sẽ là cơ hội để ghi nhận những đóng góp và vai trò trọng yếu của Công ước 2003 trong việc khẳng định văn hoá hỗ trợ thúc đẩy phát triển bền vững. Kỳ họp lần này sẽ tiếp tục thảo luận các chương trình, kế hoạch đảm bảo thực thi Công ước, đáp ứng kỳ vọng của các bên tham gia trong thời gian tới, tiếp tục khẳng định sự cần thiết của Công ước đối với sự phát triển của nhân loại trong tương lai.

Cục trưởng Cục Di sản văn hoá Lê Thị Thu Hiền và Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Trần Hải Vân tham dự Kỳ họp

Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 gồm 24 thành viên, là cơ quan điều hành quan trọng của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, chịu trách nhiệm trong giám sát thực thi công ước, đề xuất các biện pháp bảo vệ di sản phi vật thể, hỗ trợ quốc tế, xem xét các hồ sơ đệ trình ghi danh… để Đại hội đồng Công ước thông qua.

Công ước Bảo vệ Di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO thông qua năm 2003 nhằm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng, các nhóm người và các cá nhân có liên quan; nâng cao nhận thức ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể, để từ đó đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau trong lĩnh vực này; tạo ra sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế.

Sau khi phê chuẩn Công ước vào tháng 9. 2005, Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực lồng ghép và phát huy các nội dung, tinh thần của Công ước vào các luật, các chương trình, dự án liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Là một trong số những thành viên được bầu sớm nhất vào Ủy ban liên Chính phủ cho nhiệm kỳ 2006 - 2010, Việt Nam đã có nhiều đóng góp chủ động và mang tính xây dựng cho sứ mệnh của Ủy ban trong việc bảo vệ và phát huy di sản. Chuyên gia độc lập Việt Nam trong Cơ quan đánh giá nhiệm kỳ 2017 - 2020 và tổ chức phi chính phủ được công nhận với tên gọi Trung tâm Nghiên cứu, Hỗ trợ và Phát triển của Văn hóa đã tích cực hỗ trợ Ủy ban về công tác chuyên môn. Việt Nam là quốc gia đầu tiên đề nghị và Ủy ban liên Chính phủ đồng ý đưa 01 di sản ra khỏi Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hiện nay, Việt Nam có 14 di sản văn hoá phi vật thể được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp do UNESCO ghi danh.

ỨNG CỬ VIÊN CHÍNH THỨC THAM GIA ỦY BAN LIÊN CHÍNH PHỦ VỀ BẢO VỆ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ NHIỆM KỲ 2022-2026

PGS. TS. Lê Thị Thu Hiền trả lời phỏng vấn tại Trụ sở UNESCO, Paris

Việt Nam mong muốn giới thiệu ứng cử viên chính thức tham gia Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026:

• Bà Lê Thị Thu Hiền, PGS. TS, Ủy viên thường trực Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Chủ tịch Hội đồng thẩm định di sản văn hóa phi vật thể để đưa di sản vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

• Nhóm giúp việc đến từ: Cục Di sản văn hóa, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL và các chuyên gia trong lĩnh vực di sản văn hóa. Hội đồng di sản văn hóa quốc gia của Việt Nam với 27 thành viên bao gồm các Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà khoa học hàng đầu, sẽ cùng đồng hành với Đại diện của Việt Nam ứng cử vào Ủy ban, trực tiếp xử lý các công việc chuyên môn sâu về di sản.

PHẠM CAO QUÝ

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top