Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Nhiều vấn đề nóng góp ý dự thảo Nghị định thi hành Luật Điện ảnh

Thứ Hai 26/09/2022 | 20:49 GMT+7

VHO- Chiều 26.9, tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội), Bộ VHTTDL tiếp tục tổ chức Hội nghị - Hội thảo triển khai Luật Điện ảnh, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, khu vực phía Bắc. Thứ trưởng Tạ Quang Đông điều hành Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội nghị

Nhiều ý kiến tiếp tục bày tỏ quan tâm đến các vấn đề “nóng” như tỉ lệ chiếu phim Việt; phim sử dụng ngân sách nhà nước; phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; kinh tế đêm từ điện ảnh, các mức xử phạt vi phạm…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, Luật Điện ảnh được Quốc hội đã được thông qua ngày 15.6.2022 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023. Để việc thực thi Luật đạt hiệu quả thì các văn bản dưới Luật là các Nghị định, Thông tư có vai trò rất quan trọng. Thời gian qua, Cục Điện ảnh đã triển khai soạn thảo, lấy ý kiến về dự thảo Nghị định. Sau Hội nghị tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL đã nhận được nhiều đóng góp từ các nhà quản lý, nhà sản xuất, phát hành và phổ biến phim. “Bộ VHTTDL đánh giá rất cao khi các ý kiến đã thẳng thắn đóng góp vào nhiều vấn đề được quan tâm. Đây là một Nghị định có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến các  lĩnh vực phân phối, sản xuất, phát hành và phổ biến phim, nhập khẩu phim…  Vì vậy, Bộ VHTTDL mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nêu một số nội dung mới, cơ bản của Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15

 Lãnh đạo Bộ gợi mở, các ý kiến đi vào từng nội dung cụ thể, đặc biệt là những vấn đề “nóng” đang được quan tâm và mong đợi sẽ được quy định rõ ràng tại Nghị định, nhằm thực thi hiệu quả Luật Điện ảnh.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã báo cáo tóm tắt một số nội dung mới, cơ bản của Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15. Báo cáo nhấn mạnh những khái niệm mới; chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; sản xuất phim, chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam; phát hành và phổ biến phim; các liên hoan, giải thưởng, cuộc thi phim; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh…
“Để bảo đảm việc triển khai thi hành Luật Điện ảnh, tạo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Bộ VHTTDL đang tích cực chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành các văn bản quy định chi tiết những nội dung được giao trong Luật để xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh cùng 4 Thông tư đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất từ 01.01.2023…”, Cục trưởng Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt cung cấp những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định chi tiết quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh

Cung cấp những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định chi tiết quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt nhấn mạnh, dự thảo quy định cụ thể 16 vấn đề được điều chỉnh. Với mục đích xây dựng Nghị định mang tính thực thi cao, phù hợp thực tế biến động không ngừng của điện ảnh Việt Nam và quốc tế, một số vấn đề cần được quan tâm gồm: quy trình thực hiện dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, được thực hiện bằng hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Tỉ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam, thời lượng, khung giờ chiếu phim cho trẻ em trong rạp chiếu phim và tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với phim nước ngoài, khung giờ phát sóng phim Việt Nam, thời lượng và khung giờ phát sóng phim cho trẻ em trên các kênh truyền hình trong nước. 

“Nhóm vấn đề về phổ biến phim trên không gian mạng gồm những quy định cụ thể đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện phổ biến phim, cung cấp dịch vụ phổ biến phim, cung cấp hạ tầng kỹ thuật thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng… là những nội dung hoàn toàn mới, mang tính kỹ thuật, do đó cần xây dựng tại dự thảo Nghị định nhằm đạt được tính khả thi, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước cũng như đặc thù các hình thức tổ chức hoạt động của chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng…”, ông Việt nêu.

Toàn cảnh Hội nghị

Về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, theo Phó Cục trưởng, căn cứ trên khả năng và điều kiện thực tế, dự thảo Nghị định quy định nguồn của Quỹ bao gồm: Nhà nước hỗ trợ vốn ban đầu khi mới thành lập Quỹ từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa; huy động đóng góp tự nguyện, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn thu nhập hợp pháp khác; trích 3% từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại Việt Nam; 3% từ phí thẩm định và phân loại phim; 1% tiền thuê bao của phim phổ biến xuyên biên giới; 0.05 % tiền thuê bao của truyền hình trả tiền; 0.5 % doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình… 
“Riêng về nguồn thu trích tỉ lệ phần trăm doanh thu hoạt động điện ảnh và các hoạt động gia tăng khác trong hoạt động điện ảnh, hiện còn có nhiều ý kiến khác nhau về cơ chế thực hiện, tính khả thi và sự đồng bộ về pháp lý trong việc thực hiện quy định này. Do vậy, dự thảo Nghị định cần nhận được nhiều ý kiến đóng góp chi tiết, cụ thể để làm rõ những vấn đề có liên quan nhằm mục đích sớm hình thành và đưa Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh đi vào hoạt động…”, ông Đỗ Quốc Việt nhấn mạnh.

Ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP

Ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, cho biết, phần về điện ảnh, Nghị định quy định hai nội dung chính gồm các hành vi được xác định xử phạt và chế tài xử phạt. Qua rà soát, Nghị định 38 hiện hành chỉ xử phạt 43 hành vi, căn cứ theo Luật điện ảnh cũ. Theo dự thảo mới căn cứ theo Luật Điện ảnh (sửa đổi) thì có tới 60 hành vi được xác định có thể xử phạt. 
Ông Liêm cho biết thêm, dự thảo Nghị định mới cũng đã rà soát một loạt hình phạt bổ sung cùng biện pháp khắc phục hậu quả, đảm bảo tính khả thi, hợp lý nhất. Chẳng hạn, ban soạn thảo đã tiếp nhận nhiều ý kiến từ các nhà phát hành, phổ biến phim liên quan đến khung giờ chiếu, với đề nghị quy định mở rộng hơn giờ chiếu từ sau 24h đến 8h sáng hôm sau. “Chính phủ đã có đề án phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt ở các Thành phố lớn nhằm khuyến khích phát triển kinh tế. Chúng tôi đã rà soát lại những quy định liên quan và soạn thảo theo hướng mở hơn…”, ông Liêm cho biết.

Ông Lê Hồng Chương, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam

Các đại biểu dự hội nghị khẳng định, Luật Điện ảnh có những quy định phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động điện ảnh, góp phần thúc đẩy nền điện ảnh nước nhà phát triển. Nhiều ý kiến cũng chỉ ra những nội dung cơ bản cần quy định chi tiết trong dự thảo của hai Nghị định; trong đó tập trung góp ý vào những vấn đề như quy trình thực hiện dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, phổ biến phim trên không gian mạng, thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm…
Lãnh đạo Bộ VHTTDL ghi nhận, nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu có ý nghĩa rất thiết thực, hầu hết đều đề cập đến những vấn đề  “nóng”, những vấn đề còn băn khoăn của ngành.

Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Đỗ Thanh Hải đóng góp nhiều ý kiến sát thực tiễn cho dự thảo Nghị định

Tỉ lệ chiếu phim Việt là một trong những nội dung còn có ý kiến nhiều chiều. Ý kiến từ đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam về quy định thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình thu hút nhiều sự chú ý, Ông Hải góp ý, điều này khó khả thi, đặc biệt đối với các đài truyền hình có quy mô vừa và nhỏ, các kênh truyền hình được sản xuất để phát sóng trên hệ thống truyền hình trả tiền. Hiện nay, trừ Đài Truyền hình Việt Nam, các đài truyền hình địa phương khó có thể đảm bảo thời lượng phát sóng nói trên. Một trong những lý do được nêu là việc vi phạm bản quyền phim trên nền tảng Internet đang rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho những đơn vị sản xuất phim. Nếu không có những chính sách và biện pháp bảo vệ bản quyền cương quyết, mạnh mẽ hơn, các doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó có thể đầu tư lâu dài trong việc sản xuất phim Việt Nam, đặc biệt là phim có chất lượng cao.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Bộ VHTTDL sẽ tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện, điều chỉnh phù hợp với hai dự thảo Nghị định trước khi trình lên Chính phủ. “Đây là những ý kiến sát thực tế, trao đổi nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn đang diễn ra với mong muốn Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được thực thi với hiệu quả cao. Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục lắng nghe và mong muốn được tiếp nhận nhiều hơn những ý kiến đóng góp cho hai dự thảo Nghị định”, Thứ trưởng khẳng định.

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN
 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top