Điều tra nguyên nhân 6 con tê giác chết bất thường tại Nghệ An

VHO- Ngày 21.9, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An Nguyễn Anh Tuấn cho biết, 6 con tê giác chết ở Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (đóng trên địa bàn huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã được cơ quan chức năng tiêu hủy. Trước khi tiêu hủy, 6 con tê giác này được các cơ quan chức năng kiểm tra kỹ, lấy mẫu để làm rõ nguyên nhân.

Việc tiêu hủy có sự chứng kiến của lực lượng công an, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm. 6 con tê giác được đào hố sâu, chôn ngay trong khuôn viên của Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm vì đã bốc mùi hôi thối. Trước khi tiêu hủy, những con tê giác này được cắt phần đầu ra. Khu sinh thái chỉ tiêu hủy phần thân, còn đầu tê giác được giữ lại để làm tiêu bản, phục vụ cho việc trưng bày, nghiên cứu. 

Điều tra nguyên nhân 6 con tê giác chết bất thường tại Nghệ An - ảnh 1

Tê giác 2 sừng được nuôi trong khu du lịch sinh thái

Theo đó, gần 1 tuần trước, 6 con tê giác bất ngờ chết chưa rõ nguyên nhân. Ngay sau đó, chủ đầu tư khu sinh thái đã trình báo cơ quan công an để đề nghị vào cuộc điều tra nguyên nhân cái chết. Được biết, những con tê giác này là tài sản cá nhân của chủ khu du lịch sinh thái. Tại Khu sinh thái Mường Thanh, Diễn Lâm có 9 con tê giác hai sừng. Những con tê giác đầu tiên được đơn vị này nhập về từ hơn 10 năm trước, có giá trên 1 tỉ đồng mỗi con.

Tê giác bị giết bởi một số người để lấy sừng của chúng, được mua bán trên thị trường chợ đen, và được một số nền văn hóa sử dụng làm đồ trang trí hoặc cho y học cổ truyền. Theo trọng lượng, sừng tê giác có giá trị như vàng trên thị trường chợ đen. Người ta mài sừng tê giác pha với nước hay rượu để uống và tin rằng, nó có thể dùng để chữa bệnh. Việt Nam cũng là nước tiêu thụ lậu sừng tê giác lớn nhất thế giới. Theo khoa học đã chứng minh, sừng Tê giác không có tác dụng trong chữa bệnh, tê giác hiện nay là động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo vệ theo luật pháp Việt Nam và quốc tế. Tại Việt Nam, hiện tê giác không còn trong môi trường tự nhiên. Riêng tại Nghệ An, chỉ có duy nhất Khu sinh thái Mường Thanh, Diễn Lâm đang nuôi tê giác để phục vụ khách tham quan. Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm có tổng diện tích 300 hecta, được xây dựng trên địa bàn xã Diễn Lâm từ năm 2014. Nơi đây có hàng trăm loài động vật, trong đó có hàng chục loại động vật quý hiếm như hổ trắng, tê giác hai sừng, hươu cao cổ, voi... được nuôi để phục vụ du lịch.

Vụ việc vẫn đang tiếp tục được làm rõ.

   PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc