Bình Định: “Vương quốc” gốm cổ

VH- Ngày 28.10, tại TP Qui Nhơn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với Kinh đô Thăng Long - Đại Việt (thế kỷ XI - XV)”.

Hội thảo khoa học quốc tế Gốm cổ Bình Định

Hội thảo khoa học quốc tế Gốm cổ Bình Định VH- Ngày 28.10, tại TP Qui Nhơn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với Kinh đô Thăng Long - Đại Việt (thế kỷ XI - XV)”.
Hội thảo có sự góp mặt của 80 học giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đến từ các Viện nghiên cứu của Việt Nam và các nước: Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Úc, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… Có 40 tham luận về gốm cổ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu gửi đến hội thảo. 
Hội thảo lần này đã tổng kết, đánh giá những thành tựu nghiên cứu về gốm cổ Champa ở Bình Định và những vấn đề liên quan đến lịch sử giao lưu kinh tế, văn hóa của vương quốc Vijaya với Kinh đô Thăng Long và các nước Đông Nam Á, châu Á trong lịch sử.
Theo các nhà nghiên cứu, Bình Định chính là kinh đô Vijaya nước Champa cổ; là vùng đất phát triển rực rỡ ở giai đoạn cổ trung đại Đông Nam Á. Từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15 Vijaya là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước Champa. Từ thế kỷ 10 vương quốc Champa đã cho xây dựng ở Bình Định rất nhiều tòa thành quy mô, rộng lớn như: Thành Cha, thành Đồ Bàn, thành Thị Nại gắn liền với thương cảng Thị Nại nổi tiếng một thời. Trong các thành cổ Champa, một hệ thống đền tháp dày đặc và quy mô vẫn còn tồn tại đến nay như: Tháp Canh Tiên, tháp Phú Dương Long, tháp Bình Lâm, tháp Thủ Thiên…

Bình Định: “Vương quốc” gốm cổ - Anh 1

Bình Định: “Vương quốc” gốm cổ - Anh 2

 

Gốm cổ Bình Định

Vào khoảng thế kỷ XI đến XV Bình Định – Vijaya được xem là trung tâm của gốm, với 6 lò sản xuất gốm tập trung. Điều này đã được chứng minh qua các đợt khảo cổ, khai quần dọc theo bờ sông Kôn (Bình Định).
Rất nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử hình thành, phát triển của các trung tâm sản xuất gốm cổ ở Bình Định và đã luận giải sâu sắc, thuyết phục, có cơ sở khoa học tin cậy hơn về niên đại của các di chỉ sản xuất gốm cổ ở Bình Định. Một số công trình nghiên cứu đã làm rõ được đặc trưng, niên đại loại hình sản phẩm gốm cổ Bình Định và vai trò, giá trị của gốm Bình Định trong đời sống văn hóa, xã hội Champa và Đại Việt trong lịch sử. Đồng thời, các nghiên cứu cho thấy rõ vai trò và vị thế của gốm cổ Bình Định trong hệ thống thương mại biển châu Á và trong bối cảnh giao lưu kinh tế - văn hóa với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nhiều học giả tại hội thảo lần này đã chỉ ra rằng, gốm cổ Bình Định có mối quan hệ, liên quan đến Vương quốc Vijaya và Kinh đô Thăng Long - Đại Việt và với các vương quốc ở Đông Nam Á, châu Á trong lịch sử.
PGS.TS Bùi Minh Trí, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Kinh Thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: “Từ những cơ sở nghiên cứu cho thấy, gốm cổ Bình Định sản xuất ra không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn được bán ra thị trường các nước trên thế giới, gốm cổ Bình Định đã có ở nhiều nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới và khu vực như Indonesia, Philippines, Ai Cập... ở thế kỷ XV”.
Cũng theo PSG.TS Trí, qua việc khảo cổ, khai quật, nghiên cứu đã chứng minh rằng, gốm cổ Bình Định – Vương triều Vijaya đã có từ lâu đời và có mối quan hệ gần gũi, mật thiết với kinh đô Thăng Long Đại Việt. Những phát hiện, khai quật từ các di chỉ gốm cổ mới đây tại Bình Định đã khẳng định điều đó. Bình Định phải có kế hoạch rõ ràng hơn về bảo tồn, phát huy những giá trị của gốm cổ.
Hội thảo lần này, các nhà khoa học một lần nữa có thêm nhiều tư liệu mới về gốm cổ Bình Định. Qua đó, có nhiều cơ sở để hiểu biết sâu rộng hơn về gốm cổ Bình Định, về đặc trưng, niên đại, tính xã hội của gốm. Hội thảo tạo ra cơ hội cho các nhà khoa học trong nước và trên thế giới trao đổi, hợp tác nghiên cứu gốm cổ Bình Định cũng như các vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hóa và sự giao lưu kinh tế, văn hóa của Champa, Đại Việt - Việt Nam.

Thanh Hoà

Ý kiến bạn đọc