Những tình nguyện viên đạp xe phát thuốc ở Indonesia

VHO- “Chúng tôi biết việc phải tự cách ly do nhiễm Covid-19 khó khăn như thế nào. Chúng tôi cũng mong việc làm bé nhỏ của mình sẽ giúp ích cho những người đang phải chịu đựng triệu chứng do bệnh tật gây ra”.

Những tình nguyện viên đạp xe phát thuốc ở Indonesia - Anh 1

Một tình nguyện viên đang đạp xe giao thuốc vào chiều muộn tại Indonesia (Ảnh: Reuters)

Đó là chia sẻ của các tình nguyện viên đạp xe phát thuốc cho những bệnh nhân đang phải tự cách ly, điều trị Covid-19 tại nhà ở Indonesia.

Đạp xe qua thành phố Samarang, Arrahman Surya Atmaja dừng lại ở một hiệu thuốc để chọn một số loại vitamin trước khi lên đường lần nữa để giao chúng cho một người đang cách ly ở nhà. Người đàn ông 35 tuổi này là thành viên của một nhóm nhỏ những người đạp xe đạp tình nguyện giúp chạy việc vặt cho người dân ở thành phố 3 triệu dân này. Samarang là một trong những nơi của Indonesia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Anh Arrahman đã bắt đầu công việc này từ tháng 4. Anh cho biết: “Tôi nghĩ sẽ khó khăn biết nhường nào khi phải tự cách ly để điều trị Covid-19. Tôi và các tình nguyện viên khác thường phải nâng xe đạp qua các hàng rào đỏ được dựng lên để ngăn chặn những người khác đi vào “vùng đỏ”. Nơi có khả năng lây nhiễm cao. Hơi vất vả nhưng được giúp đỡ những người khác, tôi rất vui”.

Indonesia đã trở thành điểm nóng về ca mắc mới Covid-19 của châu Á với số ca nhiễm tử vong kỷ lục trong thời gian gần đây. Tổng số ca nhiễm đã vượt qua 3,2 triệu ca. Trong đó, có gần 87.000 ca tử vong. Chỉ riêng ở Semarang, các quan chức đã báo cáo khoảng 78.000 trường hợp mắc bệnh và hơn 5.600 trường hợp tử vong.

Arrahman cho biết giao thuốc hoặc vitamin là những yêu cầu phổ biến nhất mà anh nhận được qua Whatsapp hoặc Instagram. Ngay sau khi nhận được những yêu cầu, anh lại len lỏi qua khắp các tuyến phố để phục vụ những người đang có nhu cầu được giúp đỡ. “Một lần, tôi phải đạp xe để giao thuốc tới một phòng chăm sóc tích cực cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viên. Lúc đó, tôi rất sợ vì không biết mình sẽ có nguy cơ mắc hay không. Nếu mắc, tôi sẽ lại không được giúp đỡ người khác. Nhưng khi nghĩ đến việc những người được giúp sẽ có cơ hội khỏi bệnh, suy nghĩ sợ hãi trong tôi lại tan biến. Để làm được công việc hiện tại, chúng tôi phải tuân thủ tuyệt đối quy trình giao hàng không tiếp xúc”, anh Arrahman bày tỏ.

Được biết, khi giao hàng, các tình nguyện viên sẽ treo thuốc trước cửa nhà. Một khoản tiền nhỏ cũng sẽ được để trước cửa để chi trả tiền mua thuốc, vật tư cho các tình nguyện viên.

Rong ruổi trên khắp tuyến phố, anh Arrahman còn nói vui rằng: “Rất có thể, việc làm của chúng tôi hiện tại sẽ giúp tăng miễn dịch cộng đồng. Và cũng có thể, sẽ giúp tăng cả hệ miễn dịch của chúng tôi. Do đạp xe là một hoạt động rèn luyện sức khỏe”

ĐÌNH TOÁN (Theo Reuters)

Ý kiến bạn đọc