Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Mỹ “đau đầu” với bài toán nhân sự trường học

Thứ Hai 27/09/2021 | 11:31 GMT+7

VHO- Cùng với mối lo bảo đảm an toàn khi mở cửa trở lại, nhiều trường học ở Mỹ lại đang phải xoay sở để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và nhân viên trầm trọng.

 Nhiều trường học tại Mỹ đang thiếu hụt nhân sự trầm trọng Ảnh: AP

Bài toán nhân sự khiến nỗ lực mở cửa trường học tại Mỹ thêm thách thức, thậm chí không ít trường buộc phải quay lại dạy học trực tuyến.

Thiếu hụt giáo viên trầm trọng

Từ nhiều năm qua, tình trạng thiếu giáo viên đã trở thành bài toán khó giải đối với nhiều trường công lập tại Mỹ, nhất là giáo viên các môn như toán, khoa học, giáo dục đặc biệt và ngôn ngữ. Khi đại dịch Covid-19 ập đến, việc giảng dạy đầy áp lực trong thời gian dài đã khiến số lượng giáo viên xin nghỉ hưu sớm và bỏ việc tăng đột biến. Theo kết quả khảo sát hồi tháng 6 vừa qua của Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Mỹ, có tới 32% số giáo viên được hỏi cho biết dịch bệnh đã khiến họ có ý định nghỉ việc. Bà Linda Darling-Hammond, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục bang California cho rằng: “Tình trạng thiếu giáo viên thực sự đã trở thành vấn đề của toàn nước Mỹ và là một vấn đề cấp bách của tiểu bang”.

Thực tế, dù mới bắt đầu vào năm học mới, nhưng nhiều trường tại Mỹ đã phải chật vật tìm cách bổ sung giáo viên cũng như nhân viên, khi nhiều giáo viên dạy trực tuyến chưa sẵn sàng quay trở lại đứng lớp. Không ít trường học đã phải đóng cửa vì không có đủ giáo viên. Ở bang Michigan, một học khu nhỏ ở phía Bắc thành phố Detroit thiếu tới 43 giáo viên, tương đương 1/4 tổng số nhân viên giảng dạy tại đây. Theo đại diện của học khu này, khi một số giáo viên nghỉ việc mà không thông báo, học khu đã buộc phải chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến để tránh tình trạng tuyển dụng những người thay thế không đạt tiêu chuẩn. Trong khi đó, một học khu ở hạt West Contra Costa thuộc bang California cũng đang cân nhắc việc thuê giáo viên từ bang khác để dạy trực tuyến. Ông Tony Wood, đại diện học khu này cho biết: “Chúng tôi chưa từng trải qua tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng như vậy. Điều này khiến học sinh không thể có một giáo viên cố định”.

Thêm nữa, việc khan hiếm người đứng lớp cũng đã khiến quy mô lớp học tại nhiều trường tăng lên, gây khó khăn trong việc đáp ứng quy định về giãn cách xã hội. Quan ngại hơn, tình trạng thiếu nhân sự đã buộc các giáo viên phải dạy thêm nhiều lớp trong thời gian chờ tuyển dụng, khiến nhiều người bị kiệt sức. Một giáo viên tại trường trung học Berkeley bày tỏ: “Chúng tôi rất căng thẳng, bị suy nhược thần kinh và mất khả năng tập trung. Đây thực sự là một khởi đầu vô cùng căng thẳng ngay đầu năm học mới”.

Nan giải tìm kiếm nhân sự

Để đảm bảo chất lượng giảng dạy khi mở cửa trở lại, ban giám hiệu nhiều trường đã phải chật vật tìm cách bổ sung giáo viên cũng như nhân viên trường học. Tại Los Angeles Unified, học khu lớn nhất của California với 600.000 học sinh đã thông báo tuyển dụng 500 giáo viên, tăng gấp 5 lần so với những năm trước. Còn học khu Morongo Unified ở Mojave Desert cũng đang phải tuyển dụng trên 200 trợ lý giáo dục đặc biệt, người quản lý, nhân viên nhà ăn và nhiều nhân viên ở những vị trí khác. Ông Mike Ghelber, trợ lý Giám đốc tại học khu này chia sẻ: “Tôi không biết có phải mọi người đang nhân tiện cơ hội này để nghỉ việc, hay do họ không muốn đến trường trong thời kỳ đại dịch. Hiện ban giám hiệu thậm chí phải đảm nhiệm cả công việc của bảo vệ”.

Bên cạnh đó, các học khu ở Oklahoma, North Carolina, New Jersey và nhiều nơi khác cũng đang tung ra nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn, phần thưởng tiền mặt để thu hút, tuyển dụng giáo viên mới. Chẳng hạn, học khu Mount Diablo cam kết thưởng 5.000 USD cho các nhà nghiên cứu bệnh lý về giọng nói và 1.500 USD cho trợ giảng nếu họ ký hợp đồng với học khu. Hoặc tại West Contra Costa Unified, bất kỳ giáo viên nào ký hợp đồng làm việc đều được thưởng 6.000 USD, 1/3 số tiền thưởng sẽ được trả sau tháng đầu tiên và khoản còn lại sẽ được trả sau ba năm giảng dạy. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại, tình trạng thiếu nhân lực sẽ khiến các trường học phải thuê những giáo viên không đủ tiêu chuẩn, đặc biệt là ở các cộng đồng có thu nhập thấp, nơi vốn khó tuyển dụng giáo viên hơn.

Theo bà Linda Darling-Hammond, ở những nơi đã lên kế hoạch trước, tình trạng thiếu hụt nhân lực ít nghiêm trọng hơn, nhưng chỉ là thiểu số. Hơn nữa, đối với việc tuyển dụng nhân sự trường học tại Mỹ hiện nay, mức lương không phải là yếu tố quan trọng nhất, mà vấn đề là không có ai đăng ký ứng tuyển. Điều này khiến cuộc khủng hoảng giáo viên tại Mỹ vốn đã nan giải, lại thêm trầm trọng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. 

 HẢI MINH

Print

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top