Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021: Sân chơi tri thức cho thế hệ trẻ

Thứ Tư 03/11/2021 | 11:03 GMT+7

VHO- Sau 8 tháng vận động triển khai, Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 19, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) vào ngày 10.11 tới đây.

Ông PHẠM QUỐC HÙNG, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL

Đây được xem là hoạt động ý nghĩa dành cho các em học sinh, sinh viên, bao gồm cả người khiếm thị với mục đích khơi dậy niềm đam mê đọc sách của thế hệ trẻ, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc.

Không chỉ dừng ở một cuộc thi

Tiếp nối thành công của cuộc thi năm trước, từ tháng 3.2021, Bộ VHTTDL tiếp tục tổ chức Đại sứ Văn hóa đọc trên quy mô toàn quốc, qua đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thanh thiếu niên, nhi đồng, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên - một yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Đây cũng được xem là hoạt động quan trọng, nhằm triển khai Đề án Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Cuộc thi năm nay đã có 6.882 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học và học viện với 871.168 học sinh, sinh viên tham gia tại vòng sơ khảo. Đây là con số không hề nhỏ, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội. BTC đã nhận được 1.276 bài dự thi, từ đó lựa chọn được 3 giải Đại sứ Văn hóa đọc; 8 giải Nhất; 16 giải Nhì; 52 giải Ba; 180 giải Khuyến khích; 2 giải phụ; 26 giải Chuyên đề và 15 giải Tập thể.

Ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), Trưởng Ban tổ chức cuộc thi chia sẻ: “Không chỉ gây bất ngờ về số lượng bài dự thi, chất lượng bài thi năm nay cũng tương đối đồng đều, thể hiện sự đầu tư, chuẩn bị công phu, tâm huyết của các em học sinh. Nhiều bài dự thi có ý tưởng độc đáo, mới lạ, khái quát được thực trạng, xu thế phát triển văn hóa đọc đối với địa phương, trường học. Đồng thời, nhận thức rõ mặt trái của Internet, mạng xã hội...”.

Bên cạnh đó, nội dung các bài dự thi cũng hết sức phong phú với các chủ đề: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Bày tỏ cảm nhận về các tác phẩm kinh điển, về văn học trong nhà trường; Chia sẻ phương pháp đọc sách, đề ra kế hoạch và biện pháp khuyến đọc; tập sáng tác, làm thơ hoặc viết tiếp lời cho một câu chuyện; Kể các tấm gương về nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống; Tình thầy trò, tình yêu gia đình... Vụ trưởng Vụ Thư viện khẳng định: “Đại sứ Văn hóa đọc không chỉ dừng ở một cuộc thi mà còn là sân chơi tri thức cho thế hệ trẻ với nhiều dấu ấn, giá trị”.

 Nhiều bài dự thi có ý tưởng hay, độc đáo, mới lạ, được trình bày công phu, đẹp mắt

Khẳng định giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc

Qua 3 năm tổ chức ở quy mô toàn quốc, Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 tiếp tục ghi nhận rất nhiều cảm nhận sâu sắc của các em học sinh, sinh viên về những cuốn sách, tạo sự xúc động và gây hiệu ứng mạnh mẽ đối với người đọc. Ở bài dự thi của mình, em Lê Thanh Tiền, học sinh lớp 10A1 (Trường THPT Vị Thủy tỉnh Hậu Giang) nhắn nhủ: “Đọc sách giúp con người mở mang tầm vóc, mang đến tri thức cũng như bản lĩnh. Ngoài ra, sách còn mang đến những giá trị tinh thần bên trong của nó. Cũng như con người có linh hồn và thể xác, sách cũng vậy, nó tồn tại như một thực thể sống và giao tiếp với chúng ta nhờ vào lượng thông tin kiến thức mà tác giả gửi gắm vào đó. Một cuốn sách hay là một cuốn sách mang đến những giá trị nhân văn, góp phần thay đổi bộ mặt đời sống và bộ mặt tri thức của con người”.

Hay trong những dòng tâm sự về cuộc sống của mình ở năm học cuối cấp, em Lê Long Trường Thịnh học sinh lớp 12 Toán (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Quảng Trị) xúc động: “Đọc sách có thể mang lại bình yên trong tâm hồn và chính em đã trải nghiệm như thế. Mỗi lần em căng thẳng, sách trở thành một người bạn. Ngoài ra, đọc sách giúp em làm giàu kiến thức, vốn từ ngữ, cải thiện trí nhớ, tăng cường kỹ năng tư duy, phân tích, cải thiện sự tập trung, kỹ năng viết”.

Không chỉ nói về những câu chuyện của mình, nhiều thí sinh còn chia sẻ về phương pháp đọc sách hay, kỹ năng đọc hiệu quả. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến ngành thư viện gặp nhiều khó khăn, việc đẩy mạnh số hóa tài liệu được xem là giải pháp tối ưu giúp các thư viện tiếp cận bạn đọc và vươn lên phát triển trong thời đại công nghệ. Đây cũng là vấn đề được nhiều thí sinh quan tâm, trong đó em Nguyễn Thanh Vân học sinh lớp 10A6 (Trường THPT Thanh Thủy tỉnh Phú Thọ) bày tỏ: “Dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, em mong muốn có một thư viện online ngay tại nhà. Thành viên của thư viện sẽ tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu sách, chuyên đề qua website cũng như Facebook, đồng thời khuyến khích mọi người đọc sách và quay clip gửi lên Fanpage của Thư viện Online. Em cũng mong các nhà mạng sẽ phối hợp với các thư viện để trao tặng những gói cước đọc sách điện tử”.

Nói về chặng đường đã đi qua của cuộc thi, ông Phạm Quốc Hùng cho rằng: “Văn hóa đọc đã có sự lan tỏa tới cộng đồng nhưng để trở thành thói quen thường nhật, tạo được sự hứng khởi, đam mê cho người dân ở mọi lứa tuổi lại là việc làm cần được các địa phương có kế hoạch cụ thể và “dài hơi” hơn. Tuy nhiên, thông qua hơn 1.000 bài dự thi với những chia sẻ xúc động và chân thành của các thí sinh, BTC tin rằng, sách chính là người bạn đồng hành vô cùng thân thiết với mọi người, nhất là với những độc giả nhỏ tuổi. Thành công của Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 giúp BTC củng cố niềm tin về ý nghĩa và mục tiêu tốt đẹp của cuộc thi, tạo tiền đề tiếp tục tổ chức trong các năm tới để lan tỏa, nhân rộng các điểm sáng về văn hóa đọc tại Việt Nam”. 

 Đại sứ Văn hóa đọc không chỉ dừng ở một cuộc thi mà còn là sân chơi tri thức cho thế hệ trẻ với nhiều dấu ấn, giá trị… Chất lượng bài thi thể hiện sự đầu tư, chuẩn bị công phu, tâm huyết của các em học sinh. Nhiều bài dự thi có ý tưởng độc đáo, mới lạ, khái quát được thực trạng, xu thế phát triển văn hóa đọc đối với địa phương, trường học. Đồng thời, nhận thức rõ mặt trái của Internet, mạng xã hội.

(Ông PHẠM QUỐC HÙNG, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL)

 VŨ MỪNG

Print

PHÒNG CHỐNG COVID

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top