Không còn chuyện “vung tiền”... lo kỷ niệm

VH- Với quy định “Không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm”, Nghị định 111/2018/NĐ-CP quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương vừa được Chính phủ ban hành đã được dư luận đặc biệt hoan nghênh.

Không còn chuyện “vung tiền”... lo kỷ niệm - Anh 1

 Dư luận từng xôn xao trước việc tỉnh Vĩnh Phúc đã “mạnh tay” chi 65 tỉ để mua sắm quà tặng trong lễ kỷ niệm tái lập tỉnh Ảnh: B.T.N

 Với những quy định tại Nghị định, từ nay sẽ không còn cảnh tượng khách mời dự lễ kỷ niệm lễ mễ ôm quà tặng khi ra về, cũng không còn tái diễn những hội trường, sân vận động la liệt hàng trăm mâm cỗ khiến nhiều địa phương phải tiêu tốn bộn tiền.

Chỉ tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn

Những lễ kỷ niệm dềnh dang, sân khấu hoành tráng với sự tham gia của hàng ngàn diễn viên, đầu tư nhiều tỉ đồng... là cảnh tượng thường gặp ở không ít địa phương trong nhiều năm qua. “Vung tiền” lo ngày kỷ niệm, từ nay, với những quy định siết chặt tại Nghị định 111, hiện tượng này sẽ không được phép tái diễn.

Nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống tại Nghị định nêu rõ: “Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức. Chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn. Trường hợp Bộ, ngành, cấp tỉnh đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm. Không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm”.

Có khoảng 200 ngày thành lập, ngày truyền thống của các Bộ, ngành và địa phương..., quy mô và cách thức tổ chức ngày càng đa dạng, tuy nhiên những quy định cụ thể về tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống trước khi Nghị định 111 ban hành vẫn là một khoảng trống. Mỗi nơi tổ chức một kiểu, mạnh ai nấy làm.

Dư luận cũng không ít lần bức xúc trước những lễ kỷ niệm mời hàng ngàn quan khách, quà cáp, ăn uống linh đình... Số tiền nhiều tỉ đồng được chi ở nhiều địa phương như một thực trạng phơi bày sự nhức nhối.

“Nhằm siết chặt quản lý, hướng việc tổ chức các lễ kỷ niệm đến mục tiêu tiết kiệm, không phô trương, lãng phí, Bộ VHTTDL đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định nhằm quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự công nhận ngày truyền thống của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ...”, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết.

Cũng theo Cục trưởng, những quy định cụ thể như chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn (năm có chữ số cuối cùng là “0”); trường hợp Bộ, ngành, cấp tỉnh đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm... sẽ cơ bản đưa việc tổ chức các lễ kỷ niệm vào nề nếp, tránh sự tràn lan, gây lãng phí như trong thời gian qua.

Tác động lớn đến các địa phương

Cả chục tỉ đồng đã được một địa phương chi để mua quà tặng là bộ ấm chén để tặng quan khách hồi năm ngoái đã khiến dư luận xôn xao, bức xúc. Ở nhiều nơi khác, những hoạt động lễ lạt cũng tiêu tốn hàng tỉ đồng, trong khi hiệu quả xã hội không thu được là bao. Bên cạnh đó, quy trình tổ chức mỗi nơi mỗi khác, kể cả ở những nghi thức cần có sự chuẩn mực.

Thực tế này yêu cầu cần phải có quy định chặt chẽ, chuẩn mực cho việc tổ chức các lễ kỷ niệm. Sự ra đời của Nghị định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương vì vậy được kỳ vọng sẽ là hành lang pháp lý cần thiết nhằm khắc phục những vấn đề bất cập, thiếu thống nhất trong cách thức tổ chức cũng như sự lãng phí, phô trương khi các lễ kỷ niệm phải “vung” quá nhiều tiền.

Theo đó, quy định “Không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm” là một nội dung đã sớm thu hút sự chú ý ngay sau khi Nghị định ban hành. Theo Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương, qua nghiên cứu thực tiễn cho thấy con số được các địa phương chi cho việc mua quà tặng và mời khách ăn uống là quá tốn kém. Do đó, quy định này tại Nghị định sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để các địa phương triển khai trong thực tiễn, là giải pháp khắc phục thực trạng chi tiêu tốn kém, lãng phí, chưa kể là sự dềnh dang, phản cảm khiến dư luận bức xúc.

Đây cũng là quy định có tác động trực tiếp nhất đến việc triển khai tổ chức các ngày lễ kỷ niệm tại địa phương. Ông Khúc Mạnh Kiên (Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nam Định) khẳng định, Nghị định của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương đã đưa ra những quy định chặt chẽ, có tác động sát sườn đến hoạt động thực tiễn của các địa phương, đặc biệt mỗi khi “nhà có việc”. “Với mục tiêu hướng đến sự trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức thì những quy định cụ thể như không tặng quà, không tổ chức tiệc chiêu đãi... là căn cứ pháp lý đặc biệt quan trọng. Triển khai những quy định này trong thực tiễn sẽ giúp các địa phương tiết kiệm được một khoản chi tiêu lớn, đồng thời có điều kiện nhiều hơn để tập trung vào nội dung chuẩn bị cho việc tổ chức phần nghi lễ một cách trang trọng, thiết thực, hiệu quả...”, Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định Khúc Mạnh Kiên nhấn mạnh.

Nghị định 111 có hiệu lực thi hành từ ngày 15.10.2018. Với 4 chương, 18 điều, hành lang pháp lý này còn đưa ra nhiều quy định chặt chẽ về các nội dung khác như: công nhận ngày truyền thống; tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống; điều kiện, yêu cầu tổ chức ngày hưởng ứng.

 ​Nhằm siết chặt quản lý, hướng việc tổ chức các lễ kỷ niệm đến mục tiêu tiết kiệm, không phô trương, lãng phí, Bộ VHTTDL đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định nhằm quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự công nhận ngày truyền thống của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ...

 

 BẢO NGÂN

 

 

Ý kiến bạn đọc