Đề xuất tăng tuổi “nghỉ hưu” của máy bay

VH- Tại cuộc họp báo quý III/2018 của ngày 28.9 của Bộ GTVT, Bộ GTVT đã thông tin về đề xuất nâng độ tuổi máy bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm, máy bay chở hàng từ 25 năm lên 30 năm cũng như nhiều vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm.

Đề xuất tăng tuổi “nghỉ hưu” của máy bay - Anh 1

Tại buổi họp báo, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết trong dự thảo sửa đổi Nghị định 92/2016/NĐ-CP và Nghị định 30/2013/NĐ-CP liên quan đến lĩnh vực kinh doanh hàng không dân dụng, Bộ GTVT đề xuất nâng độ tuổi máy bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm, máy bay chở hàng từ 25 năm lên 30 năm. Lý do được đưa ra là để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Theo ông Trần Bảo Ngọc, trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 92, với tinh thần thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, so sánh quy định của nhiều quốc gia trên thế giới, quy định của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) thì tuổi máy bay của Việt Nam đang được quy định chặt chẽ so với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, nới tuổi “nghỉ hưu” của máy bay lên 25 - 30 năm thì cũng chưa tới tuổi “nghỉ hưu” của máy bay trung bình trên thế giới. Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường  cho biết  việc hạn chế tuổi máy bay mua và thuê mua là nhằm ngăn ngừa thuê máy bay cũ. Theo quy định hiện hành, hạn mức máy bay khách là 20 năm khi kết thúc máy bay thuê. Hiện nay, điều kiện Việt Nam phát triển hơn, năng lực quản lý tăng, hợp tác quốc tế sâu rộng, đặc biệt về an toàn, nên có nới thêm 5 năm tuổi đối với máy bay chở hàng và khách. Về vấn đề an toàn, tuổi máy bay có tác động nhất định tới sự an toàn của máy bay nhưng không quyết định hoàn toàn mà phụ thuộc vào các quy định của ICAO, quy trình bảo dưỡng, duy trì, vận hành cũng như các điều kiện riêng của từng quốc gia.

Cũng trong buổi họp báo, liên quan đến vụ “quỹ đen” tại Cục Đường thủy nội địa, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết ngay khi nhận được thông tin về vụ việc, Bộ GTVT đã thành lập tổ xác minh do Thanh tra  BộGTVT thực hiện, trên cơ sở kết quả đánh giá phát hiện ra vi phạm. Qua xác minh, một số cá nhân đã thu 5-20% để lập “quỹ đen” từ các gói thầu các công trình do Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa và các dự án do Cục Đường thủy nội địa làm chủ đầu tư như dự án nạo vét, phá đá, rà phá bom mìn, khảo sát thông báo luồng… với số tiền 4,8 tỷ đồng. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng về việc này và đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra. Bộ GTVT hiện đang giao cho Cục Đường thủy nội địa kiểm điểm trách nhiệm và sẽ ra các quyết định xử lý kỷ luật.

Một vấn đề đang được người dân quan tâm là về phương án xử lý BOT Cai Lậy. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT từng đề xuất 5 phương án xử lý trạm thu phí BOT Cai Lậy, sau đó gom lại thành 3 phương án. Sau khi Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về các phương án xử lý vấn đề BOT Cai Lậy, Thường trực Chính phủ đã họp và có chỉ đạo. Sau đó, Bộ GTVT cũng đã làm việc nhiều lần với các cơ quan của Tiền Giang và các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến về phương án xử lý.

“Nhà nước chắc chắn không có kinh phí để mua lại. Hai phương án còn lại là giữ nguyên trạng, giảm thu phí và đặt trạm ở hai tuyến và thu phí độc lập trên cơ sở đầu tư của từng tuyến là khả thi hơn. Chúng tôi đã họp và tiếp tục giao Tổng cục Đường bộ hoàn tất các phương án, để chọn một trong hai. Bộ sẽ tập trung tiếp thu phương án xây dựng thêm trạm thu phí tại tuyến tránh và thu phí riêng trên hai tuyến đường để hoàn vốn đầu tư ban đầu”, ông Đông nói.

Hoàng Anh

 

 

Ý kiến bạn đọc