Nữ Phó Chủ tịch “Siêu ủy ban” quản lý 2,3 triệu tỷ vốn Nhà nước là ai?

Trước khi giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phú Hà là Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Nữ Phó Chủ tịch “Siêu ủy ban” quản lý 2,3 triệu tỷ vốn Nhà nước là ai? - Anh 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao quyết định cho bà Nguyễn Thị Phú Hà. (Ảnh VGP/Quang Hiếu)

Chiều 30.9, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã trang trọng tổ chức Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban). 

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng đã được Thủ tướng bổ nhiệm vào chức vụ này tháng 2.2018. Bà Nguyễn Thị Phú Hà được bổ nhiệm là Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà sinh năm 1972, quê ở Hà Tĩnh. Bà có trình độ tiến sĩ kinh tế, đã công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư 21 năm.

Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch của "Siêu ủy ban", bà Hà là Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ ngày 29.3.2017. Bà Hà có kinh nghiệm liên quan nghiệp vụ giá đầu tư cũng như nắm toàn bộ các đầu mối tổng hợp công tác giám sát đầu tư tổng thể trong phạm vi toàn quốc.

Trước đó, bà Hà giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân - đơn vị có chức năng giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư.

Theo quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP, có 07 Tập đoàn và 12 Tổng công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu gồm:

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)

Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG)

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV)

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)

Tổng công ty Viễn thông Mobifone

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR)

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)

Tổng công ty Thuốc lá Việt nam (Vinataba)

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)

Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1)

Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2)

Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe)

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)

Theo PD (báo Lao động)

Ý kiến bạn đọc