Sẽ bãi bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu?

VHO- Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vừa được Bộ Công an công bố để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân. Đáng chú ý, Bộ Công an đưa ra hai phương án: Giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu như hiện nay, hoặc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sẽ bãi bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu? - Anh 1

Phương án mới không có tác động tiêu cực

Đó là đánh giá của Bộ Công an về phương án 2 khi thực hiện đại trà. Theo đó, nếu áp dụng phương án sử dụng thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân khoảng 1.600 tỉ đồng/năm.

Về sơ bộ, sau 10 năm (từ 2007-2017) triển khai thực hiện Luật Cư trú, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, công tác đăng ký, quản lý cư trú đã phục vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, đồng thời góp phần tích cực vào việc thực hiện các quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; về đăng ký và quản lý, sử dụng con dấu; về việc nghiêm cấm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái...

Việc sửa đổi luật cũng là cụ thể hóa Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, trong đó có nội dung Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi thay đổi hai nhóm thủ tục hành chính cơ bản trên, hàng loạt thủ tục khác cũng được điều chỉnh theo hướng tinh giản hóa như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, gia hạn tạm trú, hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật... Ngoài ra, việc sửa đổi sẽ khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành...

Người dân và chuyên gia nói gì?

Trao đổi với phóng viên vào sáng qua 18.10, ông Trần Bình Long, cán bộ hưu trí trú tại quận Hoàng Mai cho rằng, việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” sẽ là bước đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp người dân “cất gánh nặng” về thủ tục hộ khẩu đã tồn tại từ nhiều thập kỷ qua.

Cũng theo phản ánh, nhiều người dân ngoại tỉnh chủ yếu sống ở Hà Nội nhưng không được đăng ký hộ khẩu và có những người có hộ khẩu Hà Nội nhưng lại sống ở địa phương khác... Rồi các hình thức hộ khẩu KT1, KT2, KT3..., liên quan trực tiếp đến công việc, việc học hành của trẻ em, việc khám chữa bệnh. Nhiều thủ tục hành chính khác cũng đòi hỏi sổ hộ khẩu khiến người dân vô cùng vất vả. Về vấn đề này, Bộ Công an cho biết, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan sẽ góp phần cắt giảm 284 thủ tục hành chính, bãi bỏ, hủy bỏ 27 thủ tục hành chính, đơn giản hóa trình tự thực hiện đối với 16 thủ tục hành chính và 9 loại giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, ngành.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tư pháp, việc bãi bỏ sổ hộ khẩu chỉ là một hình thức chuyển đổi việc quản lý cư dân qua điện tử, là hình thức đơn giản hóa lĩnh vực hành chính trong quản lý cư dân. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc một số quyền lợi của người địa phương có hộ khẩu không hề bị ảnh hưởng. Theo đó, các chính sách an sinh xã hội, tuyển dụng... thì không phải khi bỏ hộ khẩu thì quyền lợi người ở nơi khác đến tạm trú cũng được hưởng quyền lợi như người thường trú ở địa phương.

Theo lãnh đạo Bộ Công an, về nguyên tắc cơ bản, không phải bỏ giấy tờ nghĩa là bỏ quản lý. Sẽ có biện pháp, cách quản lý nhưng giấy tờ thì sẽ đơn giản hóa tối đa về thủ tục. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành nghị quyết 112/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng của Bộ Công an. Do đó, Bộ kiến nghị thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân được cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú hiện nay là phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay khi tốc độ phát triển công nghệ thông tin ngày càng mạnh mẽ… 

 QUỐC HÙNG

Ý kiến bạn đọc