Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Pháp: Ứng phó với biểu tình “áo vàng”

Thứ Tư 05/12/2018 | 09:12 GMT+7

VHO- Chính sách tăng giá xăng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được coi như một giọt nước tràn ly, thổi bùng lên làn sóng biểu tình và nỗi bất đồng giữa các tầng lớp xã hội từ lâu đã âm ỉ tại nước này.

Lực lượng chức năng phải áp dụng nhiều biện pháp để giải tán đám đông Ảnh: CNN

 Cuộc biểu tình phản đối các chính sách mới về việc tăng giá xăng dầu tại Pháp bắt đầu từ ngày 17.11, khi chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định đây là một giải pháp hỗ trợ quá trình chuyển đổi khí đốt và xăng dầu sang năng lượng sạch. Phong trào biểu tình “gilets jaunes” (biểu tình “áo vàng”), không như các cuộc biểu tình phản đối trước đây tại Pháp, đã lan rộng trên tới lãnh thổ Réunion của Pháp và biến thành bạo loạn.

Trong thông báo mới nhất với The Guardian, Bộ Nội vụ Pháp cho biết, tình trạng bạo lực đang có dấu hiệu leo thang tại thành phố Paris. Trong khi hàng ngàn người đã biểu tình một cách ôn hòa vào ngày 1.12, thì tới ngày 3.12 khoảng 3.000 người dân đã chiến đấu với cảnh sát, thiêu cháy hơn 100 xe ô tô, đốt cháy một số tòa nhà và đập vỡ cửa sổ của ngân hàng cũng như một số cửa hàng trên đường phố Paris. Chỉ tính riêng tại thành phố này, hơn 133 người đã bị thương cùng 412 người bị bắt giữ vào tuần qua.

Theo CNN, tại các cuộc bạo loạn, người dân sử dụng pháo sáng và lực lượng chức năng đã liên tục giải tán đám đông bằng khí cay hoặc pháo nước. Lực lượng chức năng cũng cho biết, đã huy động 3.000 sĩ quan cảnh sát đến trung tâm thành phố Paris, để đối phó với hơn 8.000 người bạo loạn trước các tòa nhà Chính phủ. Hiện tại trên toàn nước Pháp có khoảng 106.000 người biểu tình. Bộ Nội vụ Pháp trước đó cũng cho biết, họ đã điều động 37.000 cảnh sát, 30.000 “gendarmes” (một chi nhánh của lực lượng vũ trang của Pháp đặt dưới quyền tài phán của Bộ Nội vụ) và hơn 30.000 nhân viên cứu hỏa để đối phó với các cuộc bạo loạn.

Người biểu tình chủ yếu đến từ các thị trấn ngoại ô, thành phố và các khu vực nông thôn trên cả nước. Đối tượng biểu tình bao gồm cả phụ nữ và các bà mẹ đơn thân. Theo báo cáo của CNBC, hầu hết người biểu tình đều có việc làm, thậm chí các công việc ổn định như thư ký, kỹ sư công nghệ thông tin, công nhân nhà máy, nhân viên giao hàng hoặc nhân viên chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, những người này cho biết, việc tăng giá dầu diesel của Chính phủ đã gây những sức ép quá lớn đối với tình hình kinh tế của họ. Hầu hết, nhóm biểu tình “áo vàng” có mong muốn loại bỏ các loại thuế nhiên liệu, giữ một mức giá bình ổn, đồng thời tăng lương và đảm bảo kinh tế.

Trả lời phỏng vấn của CNN, Ludivine Landrin 32 tuổi, một người tham gia cuộc biểu tình cho biết: “Tôi đang ở đây vì tôi là một công dân Pháp. Tôi muốn nhà nước Pháp hiểu rằng chúng tôi muốn những thay đổi. Tại Pháp, chúng tôi vốn đã phải chịu rất nhiều loại thuế. Phong trào biểu tình về thuế nhiên liệu mới chỉ là sự khởi đầu. Phong trào sẽ trở nên lớn hơn bởi chúng tôi đều đã mệt mỏi với các loại thuế mà chính quyền Tổng thống Macron ban hành”.

Bên cạnh những bức xúc về tăng giá nhiên liệu, các cuộc biểu tình cũng phản ánh căng thẳng kéo dài giữa tầng lớp thượng lưu tại các vùng đô thị và người nghèo thuộc vùng nông thôn ở Pháp. Giá dầu diesel đã tăng 16% trong năm nay từ mức trung bình 1,24 euro (1,41 USD) / lít lên 1,48 euro (1,69 USD), thậm chí đạt 1,53 euro trong tháng 10 - theo Liên đoàn Công nghiệp dầu mỏ của Pháp. Điều này khiến sự bất mãn của người dân ngày một tăng cao.

Cuộc bạo loạn của những người “áo vàng”, được coi là cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Theo The Guardian, sự việc này “gây tổn hại cho chính quyền non trẻ của Tổng thống Macron”. Dù Tổng thống Pháp đã giải thích chính sách tăng giá nhiên liệu như một phần của nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu, nhằm khuyến khích người dân thay thế dầu diesel bằng các loại nhiên liệu thân thiện với môi trường, nhưng người dân vẫn cảm thấy sự bất công và gánh nặng kinh tế đang đè lên đôi vai họ. Cuộc bạo loạn xảy ra tại Paris hiện tại cũng được đánh giá như tình trạng bất ổn lớn nhất xảy ra tại Pháp kể từ năm 1968 đến nay. 

THỤC LINH

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top