Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Trông người mà ngẫm đến ta...

Thứ Tư 12/12/2018 | 10:56 GMT+7

VHO-  Hội Nghệ sĩ sân khấu VN phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Giao lưu nghệ thuật sân khấu truyền thống hai nước Việt Nam - Trung Quốc, kế thừa và phát triển” sáng 11.12 tại Hà Nội.

 Các đại biểu xem Triển lãm hình ảnh nghệ sĩ Mai Lan Phương (Trung Quốc)

Có thể thấy, những nhà làm sân khấu truyền thống của Trung Quốc và Việt Nam đều gặp những vấn đề, đó là đang đánh mất dần đi thị trường biểu diễn, khán giả ngày càng thưa vắng.

Làm nghệ thuật truyền thống không cho phép sự tạm bợ

Trong diễn đàn này, nhiều ý kiến đến từ ông Trương Đình Đình (Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật Học viện nghệ thuật Nam Kinh), ông Diên Bảo Toàn, Viện trưởng Viện Kịch và điện ảnh truyền hình ĐH Sư phạm Sơn Tây, ông Lưu Trinh, nguyên Viện trưởng Viện Sân khấu Trung Quốc... đều cho biết, sân khấu truyền thống Trung Quốc như kinh kịch, ca kịch truyền thống cũng đã chịu nhiều áp lực, khó thích nghi với yêu cầu của xã hội và luôn phải đối mặt với nguy cơ bị mai một. Giới làm sân khấu truyền thống của Trung Quốc đã kịp thời thay đổi cách làm, tìm mọi hướng thử nghiệm cách tân với hình thức “liên văn hóa” trong ca kịch mới kết hợp hài hòa các ưu điểm của văn hóa Đông - Tây, rồi từ đó tạo cho mình sức sống mới, hình hài mới trong sự hội nhập.

Một mặt, nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc đã khai thác triệt để các yếu tố tâm linh, nghi thức tế lễ hội hè, đưa sân khấu truyền thống tham gia biểu diễn tại các hoạt động văn hóa; một mặt ngành văn hóa kết hợp với các cơ quan triển khai ca kịch đến nông thôn, đồng thời phối hợp với các ngành trong đó có giáo dục phổ cập hóa loại hình ca kịch truyền thống tại các trường trên phạm vi toàn quốc...

GS Diên Bảo Toàn, Viện trưởng Viện Kịch và Điện ảnh truyền hình Đại học sư phạm Sơn Tây cho biết, lấy việc Nhà nước bảo tồn loại hình Kinh kịch là một ví dụ điển hình, không những Nhà nước quan tâm đến việc kế thừa mà quan trọng hơn là duy trì những nét nguyên sơ của loại hình này. Ngay từ 1986, Trung Quốc đã triển khai Đề án đào tạo nhân lực tập huấn cho các thành viên trẻ kinh kịch. Thành công là các nghệ nhân già đã truyền lại được những tinh hoa nghệ thuật một cách sống động, đào tạo được một đội ngũ kế thừa. Trong đoàn Kinh kịch thành phố Thiên Tân, khi đó đã mời các nghệ nhân cao tuổi đến hướng dẫn. “Việc đào tạo nhân lực trẻ cho ca kịch truyền thống cũng luôn được chúng tôi chú trọng với tiêu chí không cho phép có sự tạm bợ, qua loa và tùy tiện, xác định nghệ nhân là mấu chốt của công tác bảo tồn và phát triển ca kịch truyền thống”, GS Diên Bảo Toàn nói.

Có những sáng kiến mới vực dậy và phát triển nghệ thuật ca kịch truyền thống của nước bạn. Có rất nhiều câu lạc bộ ca kịch hoạt động hằng tuần, tạo môi trường để khán giả và diễn viên gần gũi. Những nghệ sĩ và cả những người yêu nghệ thuật đều có thể lên sân khấu hát, biểu diễn cho mọi người cùng nghe một đoạn ngắn hay một tích tuồng nào đó.

Bi quan hay bất lực?

Câu chuyện về hoạt động sân khấu truyền thống của Trung Quốc không mấy xa lạ đối với những người làm sân khấu Việt Nam. Trông người lại ngẫm đến ta. Vì sao sân khấu truyền thống Việt vẫn cứ loay hoay chưa tìm được vị thế trong đời sống hiện đại?

Trước tiên, những chương trình của sân khấu truyền thống hôm nay có thực sự đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người xem? Nhìn thẳng vào thực tế thì các chương trình sân khấu truyền thống khi xây dựng còn quá dài, có vở cổ mang nội dung khó hiểu và nặng nề, có vở mới thì nội dung quá đơn giản, chưa xem đã biết nội dung kết ra sao. Tác giả Nguyễn Hiếu cho rằng thời điểm này những người làm nghệ thuật dù đam mê, dù có giữ truyền thống bao nhiêu cũng tỏ ra bi quan và cảm thấy bất lực trong sự duy trì, chưa nói có định hướng phát triển. Nguyên nhân sân khấu hiện nay thiếu vắng các tác giả chuyên, thành thạo am hiểu về các làn điệu chèo, cải lương, tuồng... Hiện tượng kịch bản kịch nói được chuyển thể sang sân khấu truyền thống với hình thức “cắm các làn điệu cho chèo, cải lương” đã thành phổ biến.

Cơn khủng hoảng về ê kíp sáng tạo đang là thực trạng mà các nhà hát nghệ thuật truyền thống phải đối diện mỗi khi dàn dựng các tác phẩm. NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo VN cho rằng, các nhà hát sân khấu truyền thống đang bị “đói” kịch bản có chất lượng bởi đa phần các kịch bản sáng tác mà Nhà hát Chèo VN nhận được đều theo lối mòn; kịch bản được chuyển thể lại từ những tích truyện dân gian đã quá quen thuộc với khán giả. Mặt khác vì không nắm vững các đặc trưng cơ bản của sân khấu truyền thống nên có một số đạo diễn chuyển hướng sang dàn dựng tình tiết éo le, thậm chí là những lời trò tục tĩu hay dùng phông màn, cảnh trí, bục bệ hoành tráng khác với việc sử dụng tính ước lệ, cách điệu vốn là ưu thế của truyền thống.

Mỗi năm đến hẹn lại dựng vở, đến mùa thi lại có tác phẩm dự thi... sân khấu truyền thống đang chạy theo thành tích, sự cả nể, thiên vị và dễ dãi trong nhận xét đánh giá đã góp phần làm cho chất lượng nghệ thuật ngày càng sa sút. Điển hình mỗi khi vào mùa hội diễn, đa số đơn vị nghệ thuật vẫn đua nhau mời đạo diễn có tên tuổi làm vở để mong có giải. Đây là một nhu cầu chính đáng, chỉ tiếc rằng trong khi một vài “cây đa, cây đề” phải chạy show, còn các đạo diễn trẻ có chuyên môn, người của đơn vị lại không được dựng vở.

Nhìn nhận từ những vấn đề nội tại của sân khấu Việt, đạo diễn Đào Quang cho rằng Nhà nước cần có chỉ đạo đầu tư đối với sân khấu truyền thống, đồng thời có sự phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để giới thiệu về nghệ thuật sân khấu truyền thống, các vở diễn cũng như chân dung các nghệ sĩ để kích thích lòng tự hào dân tộc, tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống của khán giả, đặc biệt là lớp trẻ. Xóa bỏ cơ chế bao cấp nhưng hướng đầu tư nhân tài vật lực cho việc quảng bá, giới thiệu marketing, nghiên cứu thị trường khán giả, quảng bá giới thiệu tác phẩm có chất lượng.

Khi sân khấu truyền thống đang ở vị thế thấp thì thật khó để mời gọi các nam thanh nữ tú đủ tiêu chuẩn thanh sắc đến với nghề, đặc biệt là các loại hình tuồng, chèo vốn bị coi là “âm lịch”, dẫu đã có nhiều chính sách ưu đãi với các học sinh như miễn học phí, được đảm bảo đầu ra... Với kinh nghiệm nhiều năm lãnh đạo Nhà hát Chèo Hà Nội, NSND Thúy Mùi khẳng định, con số những nghệ sĩ ở các đơn vị sân khấu truyền thống hiện nay gần như không tham gia hoạt động nghệ thuật phải chiếm tới 30% mà không có cách nào giải quyết nổi. Ngày trước với cơ chế nghỉ làm việc thì được hưởng một khoản tiền, bà đã mạnh dạn dùng tiền phúc lợi của Nhà hát để tạo điều kiện cho những ai dũng cảm rời khỏi đoàn có chút vốn lập nghiệp. Nhưng nay cơ chế đó không còn nữa, nên gần như không thể giải quyết nổi số diễn viên này. 

THUÝ HIỀN

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top