Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Tăng cường kết nối và can thiệp trong các vụ buôn bán người

Thứ Tư 09/01/2019 | 09:44 GMT+7

VHO- Bộ Công an cho biết, từ năm 2010 đến hết quý 3 năm 2018, toàn quốc phát hiện 3.000 vụ mua bán người với 4.500 đối tượng, lừa bán gần 7.000 nạn nhân trong đó, đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai. Đây là những vấn đề mới phát sinh trong nạn mua bán người.

Nạn nhận các vụ buôn người được lự lượng chức năng giải cứu 

 Điều này đòi hỏi cần có nhiều biện pháp, tăng cường kết nối các bên để việc phòng, chống mua bán người có hiệu quả. 
Nhiều thủ đoạn mua bán người 
Theo đánh giá của các tổ chức thế giới, các nước Tiểu vùng sông Mekong (trong đó có Việt Nam) vẫn được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp, ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỉ USD/năm. Báo cáo của cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC), trên thế giới có khoảng 510 đường dây mua bán người, 152 quốc gia có nạn nhân bị mua bán và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết mỗi năm có khoảng gần 10.000 ca ghép nội tạng trái phép có sự tham gia của các tổ chức tội phạm buôn người. 
Còn tại Việt Nam, trong giai đoạn tháng 11.2015 - tháng 5.2018, toàn quốc phát hiện 868 vụ mua bán người với 1.140 đối tượng, lừa bán 2.355 nạn nhân. So với giai đoạn 2011 - 2015, số vụ giảm 28%, số đối tượng vi phạm giảm 37%, nhưng số nạn nhân lại tăng 7%; điều này cho thấy tình trạng mua bán người tăng lên. Các địa phương xảy ra nhiều nhất là Lào Cai (160 vụ), Hà Giang (37 vụ), Nghệ An (36 vụ), Điện Biên (33 vụ)… Theo đại diện Bộ Công an, các đối tượng mua bán người bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất xảo quyệt để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ, đẻ thuê... Trong đó, đưa sang Trung Quốc (chiếm 75%), sang Lào và Campuchia (11%), còn lại là đưa sang các nước khác thông qua hàng không và đường biển. 
Các đối tượng lợi dụng nạn nhân khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa phụ nữ bán sang Trung Quốc diễn ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc; lợi dụng sự phát triển của CNTT (qua các trang mạng xã hội) để làm quen, giả vờ yêu đương nhằm môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái phép đang có xu hướng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam. Điển hình là Công an tỉnh Đồng Tháp đã bắt tạm giam Phạm Thanh Sang (sinh năm 1986, trú tại Lai Vung, Đồng Tháp) về hành vi lừa bảy phụ nữ bán sang Trung Quốc. Ngoài ra, xuất hiện đường dây mua bán người do người Việt chủ mưu, cầm đầu xuyên biên giới và Việt Nam là nước trung chuyển. Các đối tượng còn lợi dụng quy định về hiến ghép tạng, tìm những nạn nhân khó khăn kinh tế dụ dỗ bán thận, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó, bán cho người bệnh với giá cao. Vụ việc này đã được Công an TP Hà Nội, Thừa Thiên Huế phát hiện khởi tố vụ án “Làm giả giấy tờ để mua bán thận” phát hiện hơn 24 bộ hồ sơ hiến, ghép thận vào năm 2016. 
Bên cạnh đó, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, thông qua mạng xã hội để tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, mua quà tặng, làm thuê thu nhập cao, để lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke… hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi hoặc lừa bán sang Trung Quốc. Đồng thời, chúng câu kết với các đối tượng cò mồi đưa người trái phép ra nước ngoài lao động, khi đến nước sở tại, chúng thu giữ giấy tờ tuỳ thân, bán để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương, hoặc khống chế để đòi tiền chuộc. 
Hoạt động đường dây nóng phòng, chống mua bán người 
Trong thời gian qua, Chính phủ đã chú trọng đẩy mạnh các biện pháp nhằm phòng, chống tệ nạn mua bán người bằng việc dần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người, Nghị định số 62 năm 2012 của Chính phủ... Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã lồng ghép việc phòng ngừa mua bán người vào các chương trình, kế hoạch về phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo... Một số mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đã được triển khai tại các tỉnh, thành phố như các nhóm tự lực, mô hình kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm và lây nhiễm HIV/AIDS, Ngôi nhà Nhân ái và các mô hình của Tổ chức Ha-gar, Tổ chức Di cư quốc tế. Cục Trẻ em, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Vụ Bình đẳng giới của Bộ LĐ,TB&XH cũng đã có chỉ đạo triển khai các hoạt động phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, đoàn thể xã hội và các tổ chức quốc tế để triển khai thực hiện. 
Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Hà cho rằng, trong bối cảnh tình hình mua bán người xảy ra ngày càng phức tạp, nhu cầu về dịch vụ tư vấn và cung cấp thông tin về di cư an toàn và phòng, chống mua bán người đang ngày càng tăng. Do vậy, việc thành lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, phù hợp để tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam. 
Với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ LĐ,TB&XH đã thực hiện dự án “Thành lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người ở Việt Nam” từ tháng 7.2012 đến tháng 3.2016. Mục tiêu của dự án là tăng cường các chức năng hiện tại của Đường dây Tư vấn và Hỗ trợ trẻ em (nay là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111), và mở rộng thêm chức năng phòng chống mua bán người để đóng góp vào những nỗ lực chung của Chính phủ trong công tác phòng, chống mua bán người cũng như tái hòa nhập cộng đồng cho những nạn nhân bị mua bán. 
“Kết quả là Đường dây nóng phòng chống mua bán người được triển khai từ tháng 10.2013 đến hết tháng 6.2018, đã tiếp nhận gần 13 nghìn cuộc gọi, trong đó có hơn 9 nghìn cuộc cung cấp thông tin, 3.500 cuộc tư vấn liên quan đến chính sách, tâm lý, thủ tục hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán, can thiệp gần 300 ca cho các nạn nhân. Tiếp nối những kết quả đạt được từ giai đoạn 1 của Dự án, Bộ LĐ,TB&XH và JICA tiếp tục hợp tác thực hiện giai đoạn 2 của Dự án với các mục tiêu góp phần vào việc tăng cường cơ chế chuyển tuyến các dịch vụ tại Việt Nam, tiến tới hợp tác xuyên biên giới với các quốc gia lân cận trong hoạt động phòng, chống mua bán người. Bên cạnh việc tiếp nhận thông tin tố cáo, Bộ Công an và JICA sẽ tăng cường hơn nữa số ca được can thiệp, xử lý”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nói. 

*Việc tiếp nhận thông tin của Đường dây nóng về phòng chống mua bán người từ số điện thoại 18001567 sang số điện thoại 111 thống nhất trên cả nước

THẢO LAM 
 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top