Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Hành trình làm phim tài liệu "Nhật ký từ Chưtankra"

Thứ Ba 25/06/2019 | 16:47 GMT+7

VHO- Tôi may mắn được đi cùng những người lính của Điện ảnh Quân đội trong hành trình làm bộ phim tài liệu Chưtankra. Suốt hai tuần, họ đã lặn lội trong Vườn quốc gia Chưmomray và dãy núi Chưtankra để theo chân những người lính trung đoàn 209-Lính Mũ sắt Hà Nội đi tìm hài cốt đồng đội.

 Chưtankra! Tên dãy núi, cũng là tên kịch bản mà Điện ảnh Quân đội triển khai làm bộ phim tài liệu tại địa danh này.

Vào năm 1968, nơi đây đã diễn ra những trận giao tranh ác liệt giữa những người lính trung đoàn 209 với Sư đoàn 4 Mỹ nhằm ngăn chặn những người lính Mũ sắt Hà Nội đánh vào căn cứ Kleng, một trung tâm huấn luyện thám báo biệt kích của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn. Hơn 200 liệt sĩ của Trung đoàn Lính Mũ sắt và các đơn vị phối thuộc đã nằm lại quanh các cao điểm và các cánh rừng bên dãy Chưtankra.

Đây là chuyến thứ 30 trong hành trình 10 năm đi tìm đồng đội của những người lính Mũ sắt. Lần này chỉ còn lại 4 người, đều là thương binh, người ít cũng 70, người cao tuổi nhất là CCB Dương Viết Lục đã 76 tuổi. Các cao điểm trên dãy Chưtankra đều cao cả ngàn mét so với mực nước biển. Vào mùa khô có thể lên bằng ba cách: đi bộ mất khoảng 2.5h; thuê người dân chở lên bằng xe gắn máy đã được độ lại nhông xích hoặc thuê xe ô tô tải dân vẫn dùng chở hàng lên rẫy- ngoài ra xe bán tải gầm cao cũng lên được. Mùa mưa thì chỉ còn cách đi bộ, thời gian có thể mất đến 4 tiếng mỗi lượt, đấy là trong điều kiện nước suối đã rút. Ấy thế mà tháng 7 năm ngoái, phóng viên của Điện ảnh Quân đội đã theo và ghi lại được những hình ảnh các CCB vượt suối trong mùa mưa lũ, cất bốc quy tập 34 liệt sĩ, kịp an táng các chú, các bác đúng ngày 27.7.

Câu chuyện phim khơi mở dần bằng hành trình gian khổ, dẫn đầu là các CCB đi tìm hài cốt đồng đội trên trận địa xưa. Từ những hiện vật như tăng võng, dây dép cao su, chiếc mũ sắt tìm thấy bên chiến hào- hình ảnh những chàng trai Hà Nội tuổi vừa đôi tám háo hức lần đầu vào trận, chiến đấu hết mình và hy sinh anh dũng. Khi đêm xuống, bên bếp lửa, ký ức của đúng ngày đánh trận cách đây 51 năm lại ùa về- ký ức của một đêm “không trăng, không sao như ngày hôm nay” (lời CCB Nguyễn Minh Ngọc) của những người lính Mũ sắt âm thầm tiến vào trận địa. Hình ảnh bi tráng “không thể nào quên” qua lời kể của CCB Hồ Đại Đồng “địch gom xác anh em mình lại, chôn trong những ngôi mộ tập thể, Ngôi 12, ngôi 25, nhiều nhất là ngôi mộ chôn 81 liệt sĩ”….Cả không gian lặng thinh và rồi nghẹn lòng khi bố Vĩnh nức nở “nghĩ lại, vẫn thương anh em lắm” . Cả ba máy quay lúc này đều lấy một cỡ cảnh duy nhất: đặc tả những ánh mắt ngấn lệ. Để có được cảnh CCB vượt thác, tìm kiếm địa danh cũ, đoàn làm phim cũng đồ nghề trên vai, hành quân bộ dài tới 23km len lỏi dọc các con suối, có lúc cắt rừng để đi tìm địa điểm năm xưa là phẫu Chư-Đô. Gần 9h đêm mới về đến điểm tập kết, thấy những người ở nhà lo cho mình biết nhường nào.

Mạch phim xuyên suốt là những câu chuyện về nghĩa tình.

Nghĩa tình của những người lính già đều là thương binh đã hàng chục năm tự bỏ tiền túi, lặn lội từ Hà Nội vào Kontum. Những ông nội, ông ngoại ấy tay xách nách mang, nhất định phải mua từ Hà Nội vào cho đồng đội từ chiếc bánh cốm, phong kẹo lạc, bao thuốc lá. Cứ tháng 3, tháng 7 họ lại giấu bệnh tình của mình để vào với đồng đội, lần nào cũng bảo đây sẽ là chuyến cuối rồi sắp đến ngày lại í ới rủ nhau đi. Mưa rừng giữ chân một buổi cũng tiếc hùi hụi, lo không thể đến hết những nơi anh em đang nằm.

Là nghĩa tình của cán bộ và nhân dân Sa Thày, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Huyện đội Sa Thày, chưa bao giờ khước từ bất cứ yêu cầu nào của Đoàn về số lượng người, phương tiện tham gia cùng các CCB trên hành trình đi tìm đồng đội.

Là nghĩa tình của những tình nguyện viên cung cấp thông tin, tham gia tìm kiếm… Nghĩa tình của những CCB Hoa Kỳ như Deryle Perryman, Steve Edmunds, Ronald Reddy lặn lội nửa vòng trái đất cung cấp những thông tin quý báu trong việc xác định tọa độ, tìm ra địa điểm chôn cất của hàng trăm liệt sĩ.

Là nghĩa tình của những CCB với thân nhân liệt sĩ. Có người cha đã bước qua trăm tuổi vẫn hàng ngày mong ngóng con trở về. Có những đứa con cha hi sinh khi vẫn còn nằm trong bụng mẹ, nửa đời người chỉ ước một vòng tay ôm từ bố. Chiến tranh ác liệt, biết bố mình hi sinh trong hoàn cảnh “Sau trận bom thù, thân xác của cả một tổ ba người được đồng đội gom lại chỉ nằm gọn trong lòng chiếc Mũ sắt” vẫn mong một lần vào tận cánh rừng nơi cha đã ngã xuống, đi trên lối mòn xưa cha đã từng qua, hy vọng một lần nghe tiếng cha vọng về giữa xào xạc tiếng lá….được ôm trong lòng gói đất nơi cha đã ngã xuống là thỏa ước nguyện. Có người cháu đã hàng chục năm đi tìm hai người chú cùng nhập ngũ một ngày, cùng hi sinh ở Chưtankra. Đến giờ phút này thì coi liệt sĩ nào cũng là chú mình rồi.

Trong những hành trình cha tìm con, con tìm cha, cháu tìm chú, tất cả đều có thêm những người con, người cha, người chú khác. Chưtankra, từ một miền đất xa xôi mà trở nên thân thương gần gụi, nơi chứng kiến nghĩa tình của những con người không cùng dân tộc, không cùng lứa tuổi, không cùng huyết thống nhưng mỗi năm lại tìm cách quay về.                                                                             

                                                                                           QUỐC ANH

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top