Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phát triển Du lịch trực tuyến: Từ chủ có thể thành làm thuê

Thứ Sáu 28/06/2019 | 10:10 GMT+7

VHO- Không ngoài dự đoán, Ngày Du lịch trực tuyến 2019 diễn ra tại Hà Nội ngày 26.6 đã trở thành diễn đàn mở, mà ở đó các doanh nghiệp du lịch Việt Nam, các nhà quản lý, cơ quan tham mưu các địa phương đã thể hiện rõ quan điểm, tâm tư, lo lắng và đề xuất các giải pháp thiết thực trước sự bùng nổ của du lịch trực tuyến.

VECOM và VITA hợp tác đào tạo nhân lực phục vụ du lịch trực tuyến

Thế hệ khách du lịch kết nối

Sự kiện này do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) tổ chức với chủ đề “Xu hướng tất yếu của du lịch trực tuyến” và dự kiến sẽ được tổ chức thường kỳ 2 năm/ 1 lần.

Hơn 600 đại biểu trong cả một ngày làm việc đã thảo luận sôi nổi ở 4 chuyên đề: Sự bùng nổ du lịch trực tuyến; nắm bắt hành vi du khách online; các dịch vụ hỗ trợ du lịch trực tuyến; nguồn nhân lực cho du lịch trực tuyến. Qua các phiên thảo luận mới vỡ lẽ, có rất nhiều doanh nghiệp du lịch của Việt Nam còn ngu ngơ về công nghệ, không theo kịp với xu hướng thời đại và thậm chí có những người phải từ bỏ tình yêu với nghề du lịch vì không bám đuổi được cuộc cách mạng công nghệ.

Phát triển du lịch trực tuyến và nền tảng kỹ thuật số chính là cơ hội tăng trưởng du lịch. Nền tảng kỹ thuật số giúp điểm đến cung cấp nhanh và nhiều thông tin, cung cấp các dịch vụ đa dạng, hấp dẫn thu hút du khách. Ngoài ra, phát triển du lịch trực tuyến làm tăng GDP và việc làm. Du lịch trực tuyến còn tạo cơ hội để cho tất cả mọi người có thể tham gia, người làm ra dịch vụ có thể bán được nhiều sản phẩm hơn và người sử dụng có thể tận dụng được các dịch vụ tốt hơn.

Theo nghiên cứu của Internet World Stats, Oxford Economics: Tỷ lệ hộ gia đình truy cập du lịch trực tuyến ở châu Á- Thái Bình Dương năm 2017 rất cao. Đứng đầu là Nhật Bản và Hàn Quốc với 93%, thấp nhất là Ấn độ với 34% và Việt Nam ở mức trung bình (66%). Việc lập kế hoạch đi du lịch và đặt phòng trực tuyến đã phổ biến với 80%. 30% người sử dụng internet thường xuyên truy cập các trang web du lịch. Khách du lịch đặt tour truyền thống giảm mạnh, từ 82% năm 2015 xuống còn 47% năm 2017.

Khi chọn điểm du lịch, 73% khách du lịch sử dụng nguồn du lịch trực tuyến, 35% dựa vào các ý kiến đã đăng bởi các khách du lịch trước đó; 38% người từ 18-24 tuổi tự tìm điểm đến và đặt dịch vụ cho mình. Thường việc lập kế hoạch cho chuyến đi mất từ khoảng 3 tháng trước khi khởi hành; trung bình khách tìm kiếm 259 lần từ các trang trực tuyến phục vụ cho chuyến đi.

Phần lớn khách du lịch sử dụng điện thoại di động khi đi du lịch. 61% khách du lịch tải các App trước khi đi du lịch; 87% thanh niên coi điện thoại di động là vật dụng du lịch thiết yếu nhất; 88% khách du lịch truy cập thông tin số trong khi đi du lịch; 48% thanh niên sử dụng App khi đi xe chung; 70% khách du lịch chia sẻ kinh nghiệm trên online, trong khi chỉ 20% thanh niên được truyền cảm hứng từ truyền thông xã hội khi lựa chọn các chuyến du lịch.

Những con số này thể hiện rõ: Một giai đoạn mới của kinh doanh du lịch đã được bắt đầu. Chính vì vậy, nếu chưa nắm bắt tốt xu hướng, hành vi của du khách sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động kinh doanh du lịch của doanh nghiệp. Và chắc chắn không ít người bị bỏ lại phía sau.

Làm gì để không thua trên “sân nhà”?

Phát triển du lịch trực tuyến và nền tảng kỹ thuật số đã tạo ra những cơ hội để tăng trưởng du lịch, đặc biệt là tăng GDP và việc làm. Thống kê tại 12 quốc gia, vùng lãnh thổ du lịch châu Á- Thái Bình Dương (Úc, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Philippines, Thái Lan, Việt Nam), Nhật Bản có tỷ lệ sử dụng du lịch trực tuyến cao nhất là 92%; Việt Nam thấp nhất với 62%. Đóng góp của du lịch trực tuyến cho GDP ở Thái Lan cao nhất là 16,3%, Đài Loan thấp nhất (4%), Việt Nam top cuối (5,8%); đóng góp việc làm ở New Zealand và Philippines cao nhất 15,9%, thấp nhất là Hàn Quốc 4,7% và Việt Nam 4,8%.

Ông Nguyễn Bình Long, Giám đốc Ban Công nghệ Thông tin Vietravel cho biết, với việc ứng dụng công nghệ vào du lịch, thời gian qua Vietravel đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về lượng khách đặt dịch vụ trực tuyến. Lượng khách tăng gần 10% qua các năm, riêng năm 2019 dự kiến tăng tới 30%. Doanh thu từ trực tuyến trung bình tăng 22%, năm 2019 dự kiến tăng 40%. So với cán cân thị trường nhóm khách lẻ thì online chiếm 14% lượt khách, 11% doanh thu.

Mặc dù du lịch trực tuyến phát triển nhưng ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam- VNNIC, đơn vị quản lý các trang mạng Việt Nam, cấp phép các tên miền “.vn” chia sẻ: “Có điều rất đáng lo ngại là hiện nay, trong tổng số 480.000 tên miền “.vn”, mới chỉ có 760 tên miền “.vn” của các khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, công ty lữ hành quốc tế và nội địa. Vì tên miền “.vn” là tên miền quốc gia, ngoài việc là một cái tên chính thống, tên miền này cũng thể hiện uy tín của doanh nghiệp, sự bảo hộ của quốc gia và là cơ sở tin cậy khi thanh toán online”.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng chưa chú ý đến việc đăng ký tên miền của mình nên rất dễ xảy ra tình trạng, khi đã phát triển đến mức nhất định, muốn làm thương hiệu có tính toàn cầu nhưng khi quay lại, tên của mình đã mất rồi, thương hiệu của mình có thể bị bán đi lúc nào không biết.

Nói về việc các doanh nghiệp nước ngoài như Agoda, Booking.com chiếm thị phần quá lớn ở Việt Nam, các khách sạn, cơ sở lưu trú Việt Nam bị ép giá tới mức có những khách sạn phải trích 47% giá để bán trên các trang này, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Gotadi và HG Holdings cho rằng: Nếu không đoàn kết, doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất dễ bị ép giá, thậm chí từ chủ lại thành làm thuê cho người khác trong sự dịch chuyển tất yếu từ offline sang online. Trong 5 năm tới, tăng trưởng du lịch trực tuyến chắc chắn sẽ tiếp tục nhanh. Lúc đó không phải là cách mạng 4G mà là 5G. Thế giới thực sự sẽ không biết thay đổi đến mức nào.

Các chuyên gia du lịch và doanh nghiệp du lịch mong mỏi: Có sự hợp tác mạnh mẽ giữa nhà nước và tư nhân, giữa doanh nghiệp với nhau, giữa các Hiệp hội chuyên ngành để tạo ra sản phẩm cho cộng đồng người Việt. Khi đó, doanh nghiệp chuyển đổi thì nhà nước cũng cần chuyển đổi và tăng cường sự chỉ đạo, định hướng, đầu tư, quản lý để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tạo ra hệ sinh thái kỹ thuật số đủ mạnh. 

THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top