Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh ca từ nhạy cảm của ca sỹ Cẩm Ly: Những câu từ như thế cần cân nhắc đưa vào bài hát

Thứ Sáu 28/06/2019 | 10:28 GMT+7

VHO- Mỗi một vùng miền ở nước ta lại có cách sử dụng ngôn ngữ khác nhau. Đôi khi câu nói của vùng này lại làm “phật ý” vùng khác và dẫn đến chuyện hiểu lệch ý nghĩa. Và ca từ “mồ tổ cha mày” trong bài hát mới đây của ca sĩ Cẩm Ly đang là “điển hình” cho câu chuyện này.

 Ca sĩ Cẩm Ly trình bày ca khúc có từ “mồ tổ cha mày”

Ca khúc mới sắp được phát hành của Cẩm Ly đã gây xôn xao trên mạng xã hội bởi tên bài hát có chứa câu từ khá nhạy cảm là “mồ tổ cha mày”. Nhưng sự thật có phải như thế hay không, Văn Hóa đã có sự trao đổi với những nhà chuyên môn và người trong cuộc để phần nào tạo nên cái nhìn đa chiều.

Theo đó, trong chương trình Ai sẽ thành sao mùa 3 mới đây, ca sĩ Cẩm Ly cất lên tiếng hát với hai câu: “Mồ tổ cha mày, không về mà thăm đất quê/ Mồ tổ cha mày, đêm ngày ngoại thương nhớ con…”. Sau khi nghe ca sĩ nhắc đến những từ “Mồ tổ cha mày” thì những ai là người con của Nam Bộ đều không thể nào quên những câu la mắng chửi yêu của ông bà dành cho các con các cháu. Ca từ ấy làm cho người đã từng được nghe, từng được mắng cảm thấy rưng rưng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều của cư dân mạng tỏ ra bất ngờ với tên bài hát bởi nó có chứa câu từ nhạy cảm.

Tác giả cần khéo léo khi sử dụng

Trò chuyện với PGS.TS ngôn ngữ học Nguyễn Thị Phương Trang, giảng viên Trường Đại học KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) về câu chuyện trên, bà cho biết: “Khi sự việc vẫn đang tiếp tục diễn ra với nhiều tranh cãi về những từ nhạy cảm như “mồ tổ cha mày” thì tôi thấy, cũng tùy ngữ cảnh nói năng, giọng điệu mà ta nên chọn từ. Đôi khi từ đó chỉ là lời mắng yêu thôi. Như miền Trung vẫn mắng yêu kiểu “cha mi, tổ cha mi”. Nhưng với ngữ cảnh khác thì đó sẽ là câu chửi khi tức giận. Với các thể loại bài hát về chủ đề dân ca quê hương, tùy ngữ cảnh mà người ta nhận diện được ý tứ của người viết ca khúc, người trình bày. Vậy nên các nhạc sĩ cần cân nhắc, xử lý khéo léo để thể hiện đúng tính chất mắng yêu của người Nam Bộ trong từng câu hát. Và đặc biệt, với những câu như thế này phải cân nhắc khi đưa vào bài hát”.

Còn nhạc sĩ Đoàn Nhược Quý, hiện đang là CEO của Trường Âm nhạc Adam Muzic cho rằng: “Theo quan điểm của tôi, việc dùng ca từ như thế nào là quan điểm của nhạc sĩ sáng tác, miễn là nó không vi phạm pháp luật. Không ít người có thể cho rằng cách dùng ca từ như vậy là hơi đụng chạm văn hóa hay thuần phong mỹ tục. Tôi nghĩ cách suy luận này chưa thỏa đáng, bởi văn hóa của chúng ta là khác nhau dù cùng trên lãnh thổ Việt Nam. Yếu tố văn hóa luôn có sự khác biệt liên quan đến từng vùng miền, từng ngành nghề, lứa tuổi, thời điểm, tình huống...”.

Cũng theo nhạc sĩ Nhược Quý, “tôi cho rằng điều khán giả và cộng đồng mạng cần quan tâm nên là ý nghĩa ca khúc, hoàn cảnh sáng tác, mục đích sử dụng khi trình diễn và lý do ca khúc được nhắc tới. Tác giả đã đưa ca từ mang chất đời thường vào âm nhạc, nó cũng là cách thường thấy trong một số thể loại âm nhạc hiện đại, khi giá trị thật được sử dụng nhiều hơn các thủ pháp hoa mỹ. Còn cách dùng từ trên là bình thường trong văn hóa gia đình người dân miền Tây sông nước, và càng hợp lý với thể loại âm nhạc mà ca sĩ Cẩm Ly thể hiện. Vì bản chất các thể loại dân ca hoặc nhạc mang âm hưởng dân ca cũng từ văn hóa sinh hoạt của cộng đồng người nông dân xưa nay mà ra. Nếu chúng ta hiểu rõ về các điều trên, chúng ta sẽ tự biết ca khúc đó có phản cảm hay không, hay chính chúng ta đang bị giật dây cho một chiến dịch truyền thông nào khác. Nói chung, đã làm nghệ thuật thì phải sáng tạo ra cái mới và chấp nhận kết quả dù tốt hay không. Mà đôi khi, trong một số trường hợp, kết quả 2 chiều có khen, có chê mới là đích đến không chừng”.

Không có chuyện đưa câu nói nhạy cảm để PR

Liên hệ với nhạc sĩ Đoàn Hữu Minh (Minh Vy), Giám đốc Trung tâm Kim Lợi và cũng là ông xã của ca sĩ Cẩm Ly thì được xác nhận rằng, bài hát mà vợ anh trình bày có tên chính xác là Ngoại ơi con về, không phải là “Mồ tổ cha mày”. Minh Vy khẳng định, “đây là câu nói cửa miệng của các bà ngoại, bà nội ở miền Tây Nam Bộ khi mắng yêu đứa cháu của mình”.

Bên cạnh đó anh cũng phủ nhận thông tin cố tình đưa câu nói nhạy cảm vào bài hát để PR cho sản phẩm mới, cũng như chương trình mà Cẩm Ly tham gia. “Vợ chồng tôi chưa bao giờ có ý muốn PR hay tạo scandal khi làm nghề trong suốt 30 năm nay. Ai trong showbiz cũng biết tính hai đứa rất ngại ồn ào… Trong khuôn khổ thời gian cho phép của chương trình thì Cẩm Ly không thể hát trọn vẹn ca khúc, nên cô ấy đã chọn ra những câu đắt nhất để hát nhưng lại đúng ngay câu bà ngoại mắng yêu đứa cháu lâu quá không về thăm quê, thăm bà. Thật ra, những câu này nằm gần cuối bài rồi. Nếu mọi người nghe trọn vẹn ca khúc này thì chắc chắn sẽ có kỷ niệm rất đẹp về tuổi thơ miền Tây Nam Bộ”, chồng Cẩm Ly nhấn mạnh.

Khi được hỏi là sau những ý kiến trái chiều thì nhạc sĩ sẽ bỏ những từ “mồ tổ cha mày” ra khỏi bài hát hay không thì nhạc sĩ khẳng định là anh vẫn giữ câu “mồ tổ cha mày” trong lời bài hát. “Tại sao phải thay đổi khi đó là văn hóa của người miền Nam? Từ nhỏ, câu nói đó đã theo tôi và theo hết cả những người con, người cháu của miền Tây Nam Bộ. Đến ngày hôm nay, tôi gần 50 tuổi rồi mới viết được ca khúc này. Tôi sợ một ngày nào đó không còn nghe được những từ này nữa. Nếu như không đưa vào, tôi nghĩ 10, 20 năm nữa, từ từ lớp trẻ lớn lên thì câu nói này sẽ dần bị mai một”. 

 Nói chung, đã làm nghệ thuật thì phải sáng tạo ra cái mới và chấp nhận kết quả dù tốt hay không. Mà đôi khi, trong một số trường hợp, kết quả 2 chiều có khen, có chê mới là đích đến không chừng…

(Nhạc sĩ ĐOÀN NHƯỢC QUÝ)

 Đôi khi từ đó chỉ là lời mắng yêu thôi. Như miền Trung vẫn mắng yêu kiểu “cha mi, tổ cha mi”. Nhưng với ngữ cảnh khác thì đó sẽ là câu chửi khi tức giận. Với các thể loại bài hát về chủ đề dân ca quê hương, tùy ngữ cảnh mà người ta nhận diện được ý tứ của người viết ca khúc, người trình bày. Vậy nên các nhạc sĩ cần cân nhắc, xử lý khéo léo để thể hiện đúng tính chất mắng yêu của người Nam Bộ…

(PGS.TS ngôn ngữ học NGUYỄN THỊ PHƯƠNG TRANG)

 

KIỀU DIỄM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top