Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đà Nẵng: Phụ huynh tố cáo trường quốc tế đặt ra nhiều khoản thu vô lý

Thứ Sáu 05/07/2019 | 10:55 GMT+7

VHO- Mới đây, một trường quốc tế có tiếng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vừa bị phụ huynh gửi đơn tố cáo trường học này đã đặt ra nhiều khoản thu vô lý trái với Luật giáo dục và bắt phụ huynh phải đóng.

Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng

Lạm thu vô lý

Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng xác nhận, đã nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Tuấn (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) tố cáo việc Cty Kinderworld Việt Nam - đơn vị đầu tư và quản lý trường Quốc tế Singapore tại TP. Đà Nẵng có những khoản thu nằm ngoài luật định với các cháu từ mầm non lên các cấp học. Lá đơn đồng gửi cho UBND TP Đà Nẵng.

Cụ thể, khi đưa con vào nhập học lớp mầm non tại trường Quốc tế Singapore tại TP Đà Nẵng, một số phụ huynh phải đóng một khoản phí gọi là “phí đặt cọc” 8 triệu/trẻ. Đại diện Cty Kinderworld lúc này cam kết sẽ trả lại khoản phí này cho phụ huynh khi các cháu hoàn thành chương trình học mầm non. Tuy nhiên, đến tháng 6.2019, khi làm hồ sơ cho con vào cấp 1 cùng hệ thống của trường này các phụ huynh bất ngờ nhận thông báo phải đóng thêm tiền “phí đặt cọc” 8 triệu đồng/học sinh. Như vậy năm học này, trường này có khoảng 30 học sinh chuyển cấp thì “phí đặt cọc” thu vào là gần 240 triệu đồng không rõ mục đích.

Ông Nguyễn Văn Tuấn cho hay, ông có con đang theo học ở ngôi trường này và ngoài các khoản thu theo quy định, trường còn thu thêm 8 triệu đồng/ học sinh gọi là phí đặt cọc năm học 2019 - 2020. Gia đình ông T. có 3 người con (lớp 6, lớp 3, lớp 1) đều học tại trường Quốc tế Singapore tại TP. Đà Nẵng với tổng số tiền học là 700 triệu đồng/năm. “Tôi đã trả trước 100% tất cả các khoản như phí ghi danh, học phí, học phí song ngữ, tiền ăn bán trú, bảo hiểm các loại… Nhưng có một khoản thu 8 triệu đồng/ mỗi học sinh là phí đặt cọc năm học 2019 - 2020 chúng tôi không đồng ý vì lý do gia đình đã đóng trước mọi khoản phí cả năm học rồi, khoản tiền cọc này rất vô lý… Chúng tôi đã yêu cầu nhà trường cấp phiếu thu nêu rõ mục đích đặt cọc, và căn cứ pháp lý, hoặc văn bản cho phép của các cơ quan có thẩm quyền về khoản tiền thu thêm này, nhưng nhà trường giải thích lòng vòng và không cung cấp gì thêm ngoài hóa đơn cho tổng số tiền đã đóng”, ông Tuấn bức xúc.

Né tránh phụ huynh

Cũng giống trường hợp của ông Tuấn, chị N.T. Trâm cũng có 3 người con đang học tại trường Quốc tế Singapore tại TP Đà Nẵng, số tiền chị Trâm phải đóng cho nhà trường cũng rơi vào gần 700 triệu đồng/năm. Phẫn nộ vì sau khi thanh toán toàn bộ phí học cho con, trường Quốc tế Singapore vẫn yêu cầu gia đình chị phải nộp khoản đặt cọc cực kỳ bất hợp lý này. “Chúng tôi hỏi thì họ giải thích là tiền phòng khi học sinh làm hỏng hóc tài sản chung của nhà trường. Vì tương lai của con cái, những bậc cha mẹ không tiếc điều gì cả, nhưng hình như trường này họ thấy kiếm tiền dễ qua nên đặt ra hết khoản phí này tới khoản phí khác, hỏi thì họ không giải thích minh bạch mà có thái độ tránh né, vòng vo. Chúng tôi bức xúc vì khoản phí thì ít mà bức xúc vì thái độ của nhà trường thì nhiều”, chị Trâm nói.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Phước Trung Bảo (phụ huynh học sinh) cho biết, tháng 6 năm nay, anh Bảo làm hồ sơ cho con vào cấp 1 cùng hệ thống của trường này thì bất ngờ nhận được thông báo phải đóng “phí đặt cọc” 8 triệu đồng/học sinh chuyển cấp. Trong khi trước đó, khi đăng ký cho con học mầm non tại đây anh Bảo đã đóng 11 triệu đồng “phí ghi danh” mà theo các phụ huynh đây cũng là khoản phí rất vô lý. Đối với trẻ học hệ quốc tế, phí ghi danh sẽ là hơn 20 triệu/ trẻ, đối với trẻ học hệ song ngữ là khoảng 16 triệu/ trẻ. “Phí ghi danh chỉ cần đóng một lần, cùng một học sinh đó mà cứ chuyển lớp lại phải đóng phí ghi danh thì vô lý hết sức.

Anh B. cho biết, khi anh hỏi nhà trường thì được trả lời rằng khoản thu này đã có sự thỏa thuận dân sự giữa nhà trường và phụ huynh. “Nhưng nhà trường và phụ huynh có ký kết hợp đồng kinh doanh đâu mà gọi là thỏa thuận dân sự? Qua cách họ phản hồi với phụ huynh, tôi thấy họ là một trường quốc tế lớn mà cực kỳ thiếu chuyên nghiệp, họ xử lý mọi chuyện rất lặt vặt và thiếu tôn trọng. Khi chúng tôi đòi họp toàn thể phụ huynh với nhà trường thì họ không đồng ý, lần lữa hết ngày này qua ngày khác, rồi mời lẻ tẻ từng phụ huynh đến để làm việc, còn lại họ trả lời qua email. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục yêu cầu nhà trường phải tổ chức một cuộc họp công khai về khoản phí đặt cọc này với sự tham gia của tất cả phụ huynh”, anh Bảo giữ nguyên ý kiến. 

 N.HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top