Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Chương trình nghệ thuật Đi cùng năm tháng: Tái hiện hào khí Trường Sơn bằng… xiếc

Thứ Tư 10/07/2019 | 10:57 GMT+7

VHO- Sau thành công ấn tượng của chương trình nghệ thuật Đi cùng năm tháng lần thứ nhất, nhân kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh liệt sĩ, kỷ niệm 60 năm con đường Trường Sơn huyền thoại, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ ra mắt chương trình nghệ thuật Đi cùng năm tháng lần thứ hai mang tên Ký ức Trường Sơn.

 Tiết mục trong chương trình Ký ức Trường Sơn

 Chương trình này được dàn dựng có chất lượng nghệ thuật cao với chủ đề hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa qua ngôn ngữ xiếc giúp cho thế hệ trẻ cảm nhận sâu sắc tinh thần hi sinh, chấp nhận gian khổ của người chiến sĩ quân đội trong kháng chiến.

Các nghệ sĩ xiếc hóa thân thành 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc

Đi cùng năm tháng do NSƯT Tống Toàn Thắng viết kịch bản và dàn dựng với sự tham gia của các nghệ sĩ thuộc 3 đoàn của Liên đoàn Xiếc VN. NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, chương trình Đi cùng năm tháng đã được Liên đoàn đưa vào kế hoạch biểu diễn thường niên vào dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ. Tổ chức chương trình này là để tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình những người có công với cách mạng và cũng là để hướng thế hệ trẻ hôm nay, trong đó có cả nghệ sĩ trẻ xiếc về truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất của cha anh. Đây cũng là dịp để các nhà hảo tâm, các nhà doanh nghiệp, trực tiếp trao tặng các phần quà tới tận tay các cựu chiến binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các thương bệnh binh, các nạn nhân chất độc da cam… tại chương trình.

NSƯT Tống Toàn Thắng chia sẻ, chủ đề của chương trình năm nay là Ký ức Trường Sơn để kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn huyền thoại, những hình tượng anh bộ đội Trường Sơn, các cô gái xung phong được thể hiện trên sân khấu xiếc với rất nhiều cảm xúc. Hoạt cảnh Cúc ơi mở màn cho chương trình nhằm tưởng nhớ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Đây cũng là điểm nhấn ấn tượng trong chương trình với 10 nữ nghệ sĩ sẽ hóa thân vào các nữ thanh niên xung phong anh hùng đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, tái hiện lại những khoảnh khắc không thể nào quên trong chiến tranh. Khán giả sẽ cảm nhận được nội dung của chương trình gần gũi và sâu nặng tình cảm. Chương trình có nội dung và được dàn dựng cụ thể cho từng hoạt cảnh, tiết mục mang màu sắc riêng. Các hoạt cảnh xiếc được lồng ghép có nội dung theo giai điệu bài hát, cảm xúc biểu diễn của các nghệ sĩ thông qua các nhân vật được ghi nhớ trong lịch sử cách mạng dân tộc.

NSƯT Tống Toàn Thắng cho biết thêm với giai điệu bài hát Cô gái mở đường tiết tấu âm nhạc sôi nổi và hào hùng các nữ nghệ sĩ trong trang phục bộ đội xuất hiện trên sân khấu, trên vai vác những cây tre cùng nhau vui vẻ vừa ca hát vừa lao động, tạo dựng những chiếc lán trú bom đạn, các cô dùng những cây tre vừa múa, xếp hình, tạo ra những trò chơi trong lúc nghỉ ngơi và những khoảnh khắc yên bình trong chiến tranh. Các ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc được các cô gái trổ tài theo sở thích và sở trường của từng người như nhào lộn, uốn dẻo, thăng bằng đi dây, đu dây, sức mạnh đôi tay… tất cả được nghệ thuật hóa bằng ngôn ngữ xiếc.

Sẽ diễn Chiếc gậy Trường Sơn ra sao?

Mỗi tiết mục được lồng ghép vào chương trình đều hướng về Trường Sơn. Ví dụ tiết mục Chiếc gậy Trường Sơn là tiết mục thăng bằng trên thang - Thăng bằng trên dây thép chùng của xiếc. Sẽ có những tốp chiến sĩ trên đường hành quân, vai mang nhiều đồ quân dụng, ai nấy trong tay cầm chiếc gậy vừa đi theo nhịp nhạc và thể hiện các màn tung hứng, thăng bằng. Ở tiết mục Huyền thoại mẹ có sự tham gia của cặp nghệ sĩ nam nữ trong vai bà mẹ và người con trai cùng thực hiện các động tác của thể loại dây da. Các động tác thể hiện tình cảm mẹ con và những cao trào của thể loại đu dây sẽ đem đến những cảm xúc ấn tượng trong phần trình diễn của tiết mục. Tiết mục mang tên Lê Anh Nuôi lồng ghép sử dụng thể loại trò khéo của xiếc như: tung hứng, thăng bằng trên con lăn… với các dụng cụ nấu ăn, nhà bếp, đặc biệt là hình ảnh anh nuôi có dịp được giao lưu tương tác với khán giả trên sân khấu xiếc.

Sự góp mặt của các tiết mục xiếc thú như xiếc lợn, xiếc khỉ, xiếc trăn… trong chương trình vừa khoe được những ưu thế của xiếc thú, đồng thời các con thú cũng trở thành những nhân vật đặc biệt trong chương trình lần này. Ví dụ như tiết mục Lê Anh Nuôi sẽ có sự tham gia của 4 chú lợn đi theo đội hình răm rắp dưới sự dạy dỗ của các chiến sĩ hậu cần, thực hiện những động tác như nhảy qua vòng trải, cuốn thảm, nhảy qua vòng lửa, nối đuôi nhau đi qua cầu… tạo nên những màn diễn hài hước, vui nhộn... Ngoài ra còn có xiếc khỉ, xiếc trăn tham gia chương trình xuất hiện rất hợp lý trong không gian núi rừng và lễ hội buôn làng. Trên vai các nhân vật chiến sĩ bộ đội, các chú khỉ sẽ bắt chước làm xiếc như người: ngồi ghế, chồng cây chuối, thăng bằng trên con lăn, nhào lộn, đi xe đạp hai bánh…

Tiết mục xiếc trăn của NSƯT Tống Toàn Thắng là một trong những tiết mục xiếc thú độc đáo tạo nên thương hiệu của nhiều chương trình thuộc Liên đoàn Xiếc VN cũng đã được dàn dựng với một hình thức thể hiện mới, trên sân khấu sẽ xuất hiện cảnh người chiến sĩ bộ đội làm bạn với chú trăn hoang dã khổng lồ, phô diễn được sức mạnh của con người chinh phục thiên nhiên, luôn bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài thú...

Chương trình Đi cùng năm tháng với chủ đề Ký ức Trường Sơn sẽ được diễn phục vụ khán giả tại rạp xiếc Trung ương từ tối 25.7 đến 27.7. 

 HOÀNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top