Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Triển lãm tranh của họa sĩ- nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn: Những giai điệu vẽ bằng màu sắc

Thứ Ba 16/07/2019 | 18:14 GMT+7

VHO- Nhân kỷ niệm 90 năm sinh họa sĩ – nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn (1929 -2019), từ ngày 19- 28.7.2019 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền (Hà Nội), Hội Mỹ thuật Việt Nam, gia đình họa sĩ và người đại diện bộ sưu tập tranh phối hợp tổ chức triển lãm tranh và giới thiệu sách của ông. Đây là sự kiện ý nghĩa nhằm tri ân những đóng góp của họa sĩ – nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đối với nghệ thuật Việt Nam.

 

Làng, 1990, bột màu

Nhà Phê bình mỹ thuật Quang Việt, giám tuyển độc lập của bộ sưu tập tranh tư nhân về họa sĩ – nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, viết về ông: “Ở nước ta, có nhiều nhạc sĩ vẽ, nhưng dường như chỉ có ba nhạc sĩ coi vẽ như nghề-nghiệp thứ hai của mình: Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Toàn. Họ thực sự là những họa sĩ”.

Nhạc sĩ- họa sĩ Nguyễn Đức Toàn

Nhà phê bình Quang Việt nhận định: Nói về một họa sĩ-nhạc sĩ có lẽ vừa dễ hơn mà cũng vừa khó hơn nói về một họa sĩ hay một nhạc sĩ.

Dễ hơn là bởi vì các họa sĩ-nhạc sĩ có lợi thế hơn trong việc học hỏi, nhận biết cách sử dụng lẫn nhau các phương tiện riêng của cả hội họa và âm nhạc theo những “nguyên tắc như nhau”, và như vậy ta có đồng thời hai khả năng tốt hơn cho trải nghiệm và phân tích nghệ thuật. Nhưng cái khó tương ứng kèm theo là để chỉ ra được chính xác cách mà người họa sĩ-nhạc sĩ đã sử dụng thích đáng những phương tiện ấy, lại đòi hỏi một trình độ hiểu biết chuyên môn nhất định cả về hội họa lẫn âm nhạc.

Trong công viên, 2000, sơn dầu

Hoặc dễ hơn là bởi vì ranh giới phân chia “trông thấy” giữa hội họa và âm nhạc thường mang đến sự so sánh giữa chúng với nhau trong quá trình tìm kiếm từ “nội tâm”, mà điều này thì lại thường rõ ràng hơn ở các họa sĩ-nhạc sĩ. Thế nhưng, cái tâm thế thôi thúc sáng tác bằng hội họa hay bằng âm nhạc ở cùng một người nghệ sĩ lại thường không hoàn toàn giống nhau.

Nguyễn Đức Toàn đã từng viết: “Khi náo động nhất, có khi ta bỗng lắng lại để tìm một thi hứng âm nhạc. Và khi ngồi một mình suy ngẫm về thế sự, bỗng nhiên ta lại muốn bộc lộ ta bằng những mảng, khối, đường nét của nghệ thuật tạo hình”. Đây cũng là một trong những khó khăn thử thách sự phân tích về các họa sĩ-nhạc sĩ và nghệ thuật của họ.

Ráng chiều, 1989, sơn mài

Trên thực tế, Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Đức Toàn đều đã tham dự các lớp dự bị hoặc các lớp bàng thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào những năm 1940-1945.  Nguyễn Đức Toàn còn được thừa hưởng dòng máu tạo hình ở người cha- cụ Nguyễn Đức Thục, một nhà điêu khắc nổi tiếng nửa đầu thế kỷ 20. Nếu Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc đã có tác phẩm hội họa từ trước Cách mạng Tháng Tám, thì ngay trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đức Toàn, trẻ hơn nhiều, cũng đã được xem như một họa sĩ.

Từ những năm 1980, Nguyễn Đức Toàn, tác giả của các ca khúc nổi tiếng như “Quê em”, “Biết ơn Võ Thị Sáu”, “Chiều trên bến cảng” hầu như chỉ chuyên tâm vào vẽ, vừa để thỏa lòng say mê, những ước vọng về hội họa ấp ủ đã lâu, mà cũng vừa để “sống” trong thời kỳ bao cấp quá khó khăn. Ông vẽ rất nhiều, vẽ bằng đủ các chất liệu, từ khắc gỗ, bột màu, mực nho, lụa cho đến sơn dầu, sơn mài. Thậm chí, vẽ sơn mài thiếu vóc, ông tự làm lấy vóc. Trong các họa sĩ- nhạc sĩ, ông là người sử dụng nhiều loại chất liệu nhất. Hội họa của ông rất được hâm mộ.

Chải tóc, 1983, lụa

Nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt cũng trích một đoạn viết của họa sĩ- nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn: “... Cách tiếp nhận trong mỗi chuyến đi thực tế của nhạc sĩ, chẳng hề giống nhà văn, nhà báo. Cứ hỏi han, ghi chép. Còn nhạc sĩ chúng tôi thì như đang “thiền”. Không hỏi han, không ghi chép mà cứ mở ra, phanh tất cả ra cho gió, cho hương, cho mọi thứ nhập vào mình, ám ảnh mình. Chờ đến một lúc nào đấy, một bài hát ra đời”.

Các bức tranh của Nguyễn Đức Toàn có lẽ cũng đã ra đời, là kết quả của một quá trình trải nghiệm trong lĩnh vực cảm xúc như thế.

Nếu ông hay bắt đầu một bài hát với một câu văn thật giản dị như một câu nói thường ngày, kiểu như: “Một chiều mùa hè, gặp nhau trên bến cảng. Ta chia tay nhau, trong lòng bao lưu luyến”, thì ông cũng hay bắt đầu một bức tranh với một cấu tứ giản dị tưởng như đã quen thuộc lắm, quen tới mức sáo cũ, chẳng hạn: những con đường làng- những gốc đa- những cái cổng; những mảng ruộng- những ngôi nhà- những đống rơm; mái chùa cổ- mặt trăng; hoặc thiếu nữ- hoa- lá- cây...

Cô gái Hà Nội, 1988, lụa

Rồi sau đó, là sự thăng hoa lấp lánh của mộng tưởng và liên tưởng: “Anh đi ra khơi theo luồng cá biển. Em đi lên rừng theo tiếng sáo nai”- để rồi chùng một quãng, giai điệu nhạc bỗng vút lên cao như cánh diều: “Ôi, đất nước đang gọi mình đi. Những cánh chim của đồng quê. Hỡi em yêu, ta lại hẹn, đến ngày về.”

Trong âm nhạc cũng như trong hội họa, Nguyễn Đức Toàn dường như không cầu kỳ ở giai điệu hay tiết tấu, mà ông rất chú trọng đến thủ pháp luôn luôn nhắc lại và biến hóa “âm hình” chủ đạo.

Đôi bạn, 1980, lụa

Theo nhà phê bình Quang Việt, âm nhạc không chỉ tạo cho hội họa Nguyễn Đức Toàn những khoảng cách cần thiết với sự thật, với thực tại, cũng như khoảng cách giữa thực nghiệm và đề tài, mà âm nhạc còn tạo cho ông một năng lực “nghe” hình-màu mà không phải họa sĩ nào cũng có. Tranh của ông có rất nhiều “giọng” lạ, mà đôi khi chỉ khác bình thường một chút là đã đủ trở nên đặc sắc. Kỹ năng nghề nghiệp khá vững chắc về hội họa ở Nguyễn Đức Toàn cũng xứng tầm để ông thể hiện tất cả những gì ông muốn.

Nhịp màu, 1990, bột màu

Tâm hồn Nguyễn Đức Toàn là tâm hồn của một nghệ sĩ yêu nước, yêu quê hương, chiến đấu vì tự do và cái đẹp. Ông cũng rất thích khai thác vốn cổ dân tộc, tìm về quá khứ cha ông, cả trong âm nhạc lẫn hội họa. Cái chất lính trong con người ông có thể “tộc tuệch”, “xuề xòa”, “bất cần” ở ngoài đời, nhưng bao giờ cũng đầy khí phách, tráng kiện trong nghệ thuật. Ông  là một trong số vô cùng ít những nghệ sĩ đã liên kết được sức mạnh của cả âm nhạc và hội họa. Bên cạnh một Văn Cao họa sĩ “lập thể”, một Nguyễn Đình Phúc họa sĩ “biểu hiện”- Nguyễn Đức Toàn là một họa sĩ “trữ tình” như có cả hai cái đó.

Triển lãm tranh của nhạc sĩ- họa sĩ Nguyễn Đức Toàn sẽ khai mạc chiều 19.7 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền.

PHƯƠNG HÀ

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top