Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Quảng bá, xúc tiến du lịch: Phải đột phá từ đâu?

Thứ Tư 07/08/2019 | 09:43 GMT+7

VHO- Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của chúng ta còn quá vất vả, tính chuyên nghiệp chưa cao, kinh nghiệm chưa nhiều, kinh phí thấp, nguồn lực con người yếu… là ý kiến nhận định của nhiều đại biểu được đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quảng bá du lịch: Cần những bước đột phá” do Ban Nhân dân điện tử (Báo Nhân Dân) phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 6.8 tại Hà Nội.

 

 Để thu hút được một du khách quốc tế, chi phí xúc tiến ít nhất là từ 1 đến 5 đô la Mỹ Ảnh: T.DŨNG

Tại buổi tọa đàm các đại biểu đã mổ xẻ những hạn chế, bất cập của công tác quảng bá xúc tiến du lịch của Việt Nam và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này thời gian tới.

Chưa có một hình ảnh để nhận diện du lịch Việt Nam một cách rõ ràng

Mặc dù đánh giá là còn nhiều hạn chế nhưng theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia - TAB, công tác quảng bá, xúc tiến của chúng ta thời gian gần đây đã có những bước tiến xa so với những năm trước. Như trước đây, chúng ta đi dự Hội chợ du lịch quốc tế ITB ở Berlin (Đức) hay WTM ở London (Anh), gian hàng Việt Nam gần như chưa nổi bật và chưa có tính chuyên nghiệp, nhưng 2- 3 năm gần đây, gian hàng của chúng ta gây ấn tượng tốt. Ban tổ chức hội chợ ITB ở Berlin thậm chí đã xin gặp làm việc với lãnh đạo TCDL để bàn việc đưa ra những hình ảnh đẹp hơn ở những kỳ hội chợ tới. Rõ ràng, đây là bước chuyển mình của hoạt động xúc tiến, quảng bá. Và nếu chúng ta tiếp tục hướng này thì công tác quảng bá xúc tiến du lịch sẽ có hiệu quả hơn. Tất nhiên, sẽ còn nhiều việc phải làm nữa.

Tuy nhiên, ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty du lịch lữ hành Hanoitourist cho rằng, nhìn tổng thể, công tác xúc tiến quảng bá du lịch của Việt Nam chưa được triển khai thực hiện trong chiến lược dài hạn. Qua nhiều năm phát triển, thì hình ảnh nhận diện của du lịch Việt Nam chưa được rõ ràng. Thí dụ, khi nói đến Bali thì người ta hình dung ra ngay Indonesia. Hay như Campuchia, kinh phí làm xúc tiến du lịch của họ không nhiều. Nhưng qua các hội chợ du lịch quốc tế, có thể thấy gian hàng của Campuchia không lớn, nhỏ thôi, nhưng có đường nét và chuyên nghiệp. Họ luôn mang theo hình ảnh là đền Angkor để giới thiệu với thế giới. Từ chuyện thu hút đến đền Angkor, khách du lịch đến với khắp đất nước Campuchia... Nhưng để có một hình ảnh nào đó, chỉ cần nói đến là nghĩ ngay đến du lịch Việt Nam thì chưa có. Đi quảng bá, xúc tiến đã nhiều nhưng điều này chúng ta chưa làm rõ ràng được.

Theo ông Thắng, để quảng bá hình ảnh đất nước và xúc tiến điểm đến quốc gia hiệu quả, nên chọn ra một điểm đến tiêu biểu nhất và tập trung cho điểm đến đó. Trong hoàn cảnh nguồn lực của chúng ta hiện nay có hạn nên cũng không thể làm nhiều việc cùng lúc.

Hạ Long là điểm đến thu hút rất nhiều khách quốc tế đến Việt Nam và có nhiều tiềm năng để phát triển. Khách đến Hạ Long chắc chắn sẽ tìm kiếm những điểm đến khác. Hiện nay đã hình thành tuyến Hà Nội- Hạ Long- Ninh Bình. Theo tôi, nên chọn Hạ Long là điểm đến đại diện cho quốc gia và tập trung khai thác tuyến du lịch nói trên, từ đây, tiếp tục hình thành các tuyến du lịch khác trên toàn quốc, tùy vào điều kiện và năng lực của các điểm đến, các địa phương.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (TCDL) cho biết, thời gian gần đây nhận thức về vai trò của ngành Du lịch của các cấp, ngành và xã hội thay đổi rõ rệt; khách du lịch quốc tế và nội địa tăng trưởng tốt, đóng góp của ngành Du lịch vào GDP ngày càng tăng. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách thẳng thắn là công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của chúng ta còn quá vất vả, tính chuyên nghiệp chưa cao, kinh nghiệm chưa nhiều, kinh phí thấp, nguồn lực con người yếu…”.

Phải phát huy được vai trò “nhạc trưởng”

Các diễn giả tham dự tọa đàm cho rằng, để có những đột phá về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, trước tiên cần phát huy được vai trò “nhạc trưởng” trong lĩnh vực này.

Cơ quan quản lý nhà nước có vai trò vị trí không ai thay thế được là định hướng, xác định thị trường; hoạch định chiến lược; quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với các thị trường trọng điểm. Đồng thời đóng vai trò là “đầu tàu” kết nối, dẫn dắt các địa phương, các điểm đến, các doanh nghiệp làm thế nào đi theo một hướng, quy tụ được các nguồn lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp, thống nhất được cách làm… Và điều quan trọng nhất là các bên phải ngồi được với nhau, mỗi bên phải làm tốt vai trò, vị trí của mình.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty du lịch TransViet đánh giá: Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam hiện nay chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng. Ngân sách trung ương dành cho xúc tiến du lịch chỉ khoảng 2 triệu đô la Mỹ mỗi năm, trong khi đó, các nước trong khu vực đầu tư hơn 100 triệu đô la Mỹ. Kinh phí đã ít lại còn bị xé lẻ nên việc quảng bá, xúc tiến thường không ra tấm ra món được.

“Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia, để thu hút được thêm 1 du khách quốc tế với doanh thu khoảng 1.000- 5.000 USD mỗi khách, thì phải bỏ ra ít nhất là 1 đô la Mỹ đến 5 đô la Mỹ. Vậy để thu hút khoảng 20 triệu khách quốc tế năm 2020, chúng ta phải đầu tư tối thiểu 20 triệu đô la Mỹ chỉ dành cho công tác quảng bá, xúc tiến”, ông Hoàng Nhân Chính cho biết. Một điều quan trọng nữa cũng phải có thay đổi là chuyển từ tập trung vào số lượng khách sang chất lượng du khách, đặc biệt là khai thác đối tượng khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày và thị trường ổn định.

“Chúng tôi trông đợi, việc ra đời và đi vào hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch thời gian tới, với số vốn điều lệ 300 tỉ và huy động các nguồn lực khác sẽ tạo điều kiện để công tác quảng bá, xúc tiến triển khai tốt hơn. Nhưng cũng phải nhấn mạnh là việc có làm tốt quảng bá xúc tiến hay không không chỉ phụ thuộc vào kinh phí, mà con người, cách thức thực hiện, sản phẩm du lịch, định hướng thị trường cũng rất quan trọng. Tiền có nhiều mà sản phẩm du lịch không tốt, xác định thị trường sai, người làm xúc tiến thiếu chuyên nghiệp, mỗi người mỗi hướng thì có làm cách mấy cũng không thu hút được khách”, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong nói.

Các diễn giả cũng cho rằng: Cần phải có một mô hình tổ chức công tác xúc tiến chuyên nghiệp và đề xuất nên thành lập Cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia hoặc Hội đồng xúc tiến du lịch quốc gia với cơ chế hoạt động thông thoáng để điều phối hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia.

THÚY HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top