Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam , NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam: Cảm xúc Tự hào Áo dài Việt trên từng thiết kế

Thứ Tư 15/04/2020 | 10:49 GMT+7

VHO- Chia sẻ về việc tích cực phối hợp với Hội LHPN Việt Nam, Bộ VHTTDL nhằm tạo sức lan tỏa rộng lớn cho cuộc vận động thiết kế “Tự hào Áo dài Việt”, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam cho biết, tham gia hoạt động sáng tạo nhằm tôn vinh áo dài chính là hạnh phúc đối với bất cứ NTK nào.

 Chủ tịch Hội LHPN VN Nguyễn Thị Thu Hà và NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam

 Anh tin tưởng các NTK Việt sẽ hào hứng nhập cuộc và mỗi mẫu thiết kế đều sẽ hội tụ những nhiệt huyết, sáng tạo, thể hiện rõ xúc cảm mang tên “Tự hào Áo dài Việt”. 
P.V: CLB Áo dài Việt Nam đã có nhiều hoạt động phối hợp với Hội LHPN Việt Nam, Bộ VHTTDL triển khai sự kiện “Áo dài - Di sản Văn hóa Việt Nam”, trong đó có cuộc vận động thiết kế “Tự hào Áo dài Việt”. Anh có cảm xúc như thế nào về hoạt động này?
- NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam: Ngay từ tên gọi “Tự hào Áo dài Việt”, cuộc vận động thiết kế này đã nói lên xúc cảm của các NTK thời trang Việt khi đứng trước một đề bài vừa gần gũi, thân quen, vừa có nhiều thách thức, đòi hỏi sáng tạo mới mẻ. Năm 2020, Hội LHPN Việt Nam và Bộ VHTTDL đã và đang tổ chức nhiều hoạt động để quảng bá áo dài. CLB Áo dài Việt Nam cũng sẽ tích cực tham gia các hoạt động này. 
Phải nói rằng đối với các NTK, thiết kế áo dài luôn mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đó là những cảm xúc luôn mới mẻ và không lặp lại, cho dù chúng tôi đã sáng tạo hàng chục, hàng trăm mẫu áo dài. Áo dài không chỉ là một trang phục truyền thống để mặc mà đối với các NTK, ở đó còn chứa đựng khao khát thiết kế của mình sẽ đi vào đời sống. Sứ mệnh của áo dài với nghĩa là một biểu tượng của di sản văn hóa Việt Nam còn là quảng bá nét đẹp văn hóa, con người, vẻ đẹp danh lam thắng cảnh Việt Nam. Những di sản đó nếu gắn với hình ảnh áo dài sẽ càng trở nên gần gũi với người dân Việt Nam cũng như dư luận quốc tế. 

 Với NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, áo dài là một sản phẩm văn hóa luôn cần yếu tố sáng tạo mới mẻ

Trong hành trình đưa áo dài đến gần với sự tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, vai trò của các NTK Việt có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhiều năm gắn bó với áo dài, anh sẽ tham gia cuộc vận động sáng tác “Tự hào Áo dài Việt” như thế nào? 
- Với vai trò là Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam cũng như là một NTK đã có nhiều năm mang áo dài Việt đi trình diễn ở những tuần lễ thời trang lớn ở trong nước và trên thế giới, tôi cũng đã có những sưu tập áo dài lấy cảm hứng sáng tác từ hình ảnh những di sản Việt Nam đã được UNESCO công nhận. Bên cạnh đó là những mẫu áo được thiết kế với hình ảnh những di sản nổi tiếng khác ở Việt Nam. Đối với tôi, tất cả những thiết kế áo dài gắn với những di sản tuyệt vời của Việt Nam không chỉ mang tính trình diễn, hiện diện ở các tuần lễ thời trang mà nó sẽ có ý nghĩa thiết thực hơn khi đi vào đời sống, được nhiều người sử dụng và tự hào. 
Với suy nghĩ đó, CLB Áo dài Việt Nam cũng như bản thân tôi đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để cùng với Hội LHPN Việt Nam, Bộ VHTTDL nhằm tạo nên một cuộc vận động thiết kế có hiệu ứng rộng lớn trong cộng đồng về áo dài Việt, trước khi niềm tự hào của tất cả chúng ta sẽ được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với vai trò Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam, tôi cũng kêu gọi hàng ngàn thành viên CLB tham gia vào cuộc thi này. Các thành viên CLB có người là NTK chuyên nghiệp, có người là nghệ nhân, thợ may áo dài…, nhưng tất cả đều có chung một tình yêu và niềm tự hào đối với biểu tượng áo dài Việt. Vì thế, cuộc vận động thiết kế càng nhân lên nhiều ý nghĩa khi trở thành chất xúc tác để có nhiều người cùng được tham gia. Tôi thấy rằng các thành viên của CLB đang rất hào hứng để bước vào cuộc vận động thiết kế có ý nghĩa đặc biệt này. 
Ngoài ra, trong các hoạt động ở mỗi tỉnh, thành, tôi đều ấp ủ việc sẽ thiết kế trên vải áo dài những hình ảnh di sản đặc trưng của tỉnh, thành đó. Mong muốn của tôi là ở 63 tỉnh, thành sẽ đều có những thiết kế áo dài mang hình ảnh di sản, giống như một bộ sưu tập để tiếp tục quảng bá áo dài Việt Nam, di sản Việt Nam. Tôi nghĩ rằng thông qua việc thiết kế đó cũng giúp cho các địa phương nhận thấy những nét văn hóa, vẻ đẹp quê hương sẽ được thể hiện trên áo dài một cách chuyên nghiệp. Từ đó, tạo thêm niềm tự hào, cổ vũ cho chương trình quảng bá “Áo dài - di sản văn hóa Việt Nam”. 

 Áo dài VN trên sàn diễn thời trang New York

Anh đã chia sẻ áo dài không chỉ là trang phục để mặc mà sẽ có ý nghĩa hơn khi hiện diện trong đời sống. Tuần lễ mặc áo dài được phát động đầu tháng 3 vừa qua đã phần nào lan tỏa được ý nghĩa đó? 
- Hội LHPN Việt Nam, CLB Áo dài Việt Nam đã phối hợp và kêu gọi phụ nữ 63 tỉnh, thành tham gia tuần lễ mặc áo dài, diễn ra từ ngày 2-8.3. Đó cũng là một bước đi mới của áo dài trong ứng dụng vào đời sống. Chúng ta đã chứng kiến một ngày hội văn hóa sôi nổi, từ khắp mọi nơi đều xuất hiện hình ảnh những tà áo dài duyên dáng. Trong bối cảnh vì dịch bệnh Covid-19, có thể nói những hình ảnh quảng bá, tôn vinh áo dài đã như một luồng gió dịu nhẹ, làm ấm lòng người. Nhiều phụ nữ Việt đã rất phấn khởi, hào hứng khi mặc áo dài. Nếu chúng ta tổ chức được nhiều chương trình quảng bá như thế này thì chắc chắn việc mặc áo dài trong đời sống thường ngày sẽ thường xuyên hơn. Đó cũng là niềm vui, tự hào để các NTK tiếp tục có nhiều đóng góp cho xã hội, sáng tạo để phát triển tà áo dài, giúp cho hình ảnh áo dài ngày càng được lan tỏa nhiều hơn. 
Có phải với những suy nghĩ đó mà thời gian gần đây, cùng với việc đưa áo dài đi quảng bá ở nhiều tuần lễ thời trang trong và ngoài nước, anh còn xuất hiện với vai trò một chuyên gia đào tạo thời trang áo dài? 
- Có thể nói áo dài đã thay đổi và tạo ra nhiều bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Tại những tuần lễ thời trang lớn, khi giới thiệu những sản phẩm áo dài truyền thống, tôi coi đó như một sản phẩm văn hóa. Khi kết hợp với yếu tố văn hóa của nước sở tại, hay các yếu tố văn hóa vùng miền được mọi người đón nhận rất nồng nhiệt. Điều đó càng khẳng định yếu tố sáng tạo mới mẻ là vô cùng quan trọng đối với nghề thiết kế thời trang, đặc biệt là áo dài. 
Với những người thợ may cũng vậy, thay đổi tư duy là điều quan trọng. Ban đầu, tôi chỉ có ý định dạy may áo dài cho vài người, nhưng khi triển khai lại có nhiều người nữa có nhu cầu, nên tôi đã mở các lớp học để phổ biến rộng rãi hơn. Cũng trong quá trình truyền đạt, tôi thấy rằng nhiều người chỉ đơn thuần là những người thợ, không có kiến thức kinh doanh và yếu kiến thức về thiết kế. Từ đó, tôi lại nghĩ ra những lớp học để có thể truyền đạt cho họ kinh nghiệm của bản thân mình. 
Đó cũng là lý do tôi phối hợp với Hội LHPN Việt Nam triển khai nhiều dự án, hoạt động về đào tạo, quảng bá áo dài truyền thống của dân tộc. Thông qua đó, tôi mong muốn những người thợ may có cuộc sống tốt hơn, tự tin hơn và đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Đặc biệt, họ sẽ tiếp tục may những chiếc áo dài Việt Nam và quảng bá cho biểu tượng văn hóa truyền thống Việt Nam ở trong và ngoài nước. 
Xin cảm ơn anh! 

HOÀNG VY (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top