Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Bóng đá Việt Nam “xây” lại để ngôi nhà bền vững (Bài 1): Cần một cuộc tổng rà soát

Thứ Sáu 24/04/2020 | 10:29 GMT+7

LTS: Trong số báo 3397 ra ngày 15.4, Văn Hóa đã có bài viết đề cập đến việc Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Khánh Hải vừa ký quyết định quy hoạch lại số đội tham dự giải bóng đá quốc gia giai đoạn 2021-2023, nhằm khắc phục việc phát triển theo hình tháp ngược như trước đây. Ngay sau khi bài viết được đăng tải, Văn Hóa đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các độc giả, các chuyên gia bóng đá, HLV, cầu thủ.

 Với quyết định quy hoạch lại số đội, bóng đá Việt Nam đang hướng tới sự phát triển bền vững Ảnh: HẢI ĐĂNG

Như chúng tôi từng đề cập, theo quyết định này thì bắt đầu từ năm sau, cả 3 giải đấu là Giải bóng đá Vô địch quốc gia (V.League), Giải hạng Nhất và Giải hạng Nhì đều có số đội tham dự bằng nhau là 14 đội mỗi giải. Với quyết định này, tình trạng phát triển theo hình tháp ngược, tức là số đội phình ra ở giải đấu đỉnh cao nhất và “teo tóp” ở các giải đấu phía dưới sẽ được xóa bỏ.

 Nhận định rằng đây là một quyết định kịp thời, nhưng do diễn biến của dịch Covid-19 khiến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều chuyên gia bóng đá cho rằng, chúng ta phải đề ra được một lộ trình phù hợp thì mới kịp thực hiện vào thời điểm năm 2021.

Xuất phát từ thực tế cấp bách

Các chuyên gia bóng đá cho rằng, việc quy hoạch lại số đội xuất phát từ thực tế phát triển đầy trăn trở nhiều năm qua của bóng đá Việt Nam. Đơn cử từ năm 2015 đến nay trong khi V.League luôn duy trì ổn định số đội tham dự là 14 thì số đội dự giải hạng Nhất, hạng Nhì luôn trồi sụt theo hầu bao của các ông bầu và kinh phí của các đội bóng tham dự. Lần gần đây nhất, giải hạng Nhất có đủ 14 đội thi đấu là năm 2012; sau đó từ năm 2013-2015, giải hạng Nhất chỉ có 8 đội; năm 2016 và năm 2018, giải có 10 đội; năm 2017, giải chỉ có 7 đội tham dự. Ở giải hạng Nhì, tình hình còn trồi sụt hơn khi năm 2016 có 14 đội và lên tới đỉnh cao là mùa giải năm 2017, có tới 16. Nhưng ngay năm 2018, giải chỉ còn lại 13 đội và con số này được duy trì cho tới mùa giải năm 2019. Nhìn tổng thể ở mùa giải năm 2019, V.League có 14 đội tham dự nhưng giải hạng Nhất chỉ có 12 đội và giải hạng Nhì gồm 13 đội. Năm 2020 V.League vẫn là 14 đội, giải hạng Nhất là 12 đội và giải hạng Nhì do dịch Covid-19 phải tạm hoãn nên chưa biết được số đội tham dự.

Bày tỏ sự đồng tình trong thay đổi về mô hình phát triển chung của bóng đá Việt Nam, ông Lê Minh Dũng, Giám đốc điều hành CLB Phố Hiến chia sẻ: “Về quản lý, thay đổi này chắc chắn tạo ra mô hình bóng đá có chiều sâu hơn. Người ta vẫn nói phát triển hệ thống bóng đá cần theo hình kim tự tháp. Càng lên cao, tính cạnh tranh càng lớn, số lượng các đội tham dự giải đấu cao nhất cũng thu hẹp hơn so với những giải ở cấp độ thấp”. Ông Đinh Hồng Vinh - Chủ tịch CLB Bà Rịa Vũng Tàu nhấn mạnh: “Theo tôi, giải hạng Nhất có số đội ngang ngửa (14) hoặc cao hơn so với V.League là điều đúng đắn. Các đội ở giải thấp hơn V.League cần tăng thêm số trận thi đấu, qua đó tích lũy thêm kinh nghiệm trận mạc, tạo bước đệm để khi lên V.League, sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn, tâm thế sẵn sàng hơn”.

Có những khó khăn chưa lường hết được

Chính vì thực tế đó nên quyết định quy hoạch lại số đội tham dự 3 giải đấu, tạm thời ở mức 14 đội trong giai đoạn 2021-2023, được ông Nguyễn Hồng Thanh, TGĐ Cty CP bóng đá SLNA cho là đúng đắn. Theo ông Thanh, nếu không có diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19 thì việc thực hiện quyết định trên là rất khả thi, nhưng giờ thì có những khó khăn chưa lường hết được.

“Mục tiêu đề ra là đúng và chúng ta sẽ cố gắng để hoàn thành. Tuy nhiên sau khi dịch Covid kết thúc, các phòng, ban chức năng của VFF cần có một cuộc tổng khảo sát lại tình hình của các CLB tại các giải hạng Nhất và hạng Nhì. Việc này đã được tiến hành thường xuyên với các CLB V.League và số đội ở V.League nhiều năm qua đã ổn định ở số 14. Khi khảo sát các CLB hạng Nhất, hạng Nhì, VFF cần phải đánh giá toàn diện xem họ có đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, sân bãi, đào tạo trẻ và quan trọng nhất là phải có đủ kinh phí để nuôi đội bóng tham dự giải hay không. Đặc biệt phải xác định được mục tiêu của chủ sở hữu đội bóng là doanh nghiệp hay địa phương, họ mong muốn đầu tư lâu dài hay chỉ là chớp nhoáng? Ngoài ra cũng phải xem xét các vấn đề khác như họ có đủ lực lượng tham dự giải hay không? Có một thực tế là nhiều đội giành được suất lên hạng nhưng không có đủ lực lượng phải mượn của CLB khác. Khi các CLB có quân cho mượn rút quân về là các đội hạng Nhất, hạng Nhì sẽ không đủ người để đá. Chẳng hạn như SLNA cũng cho một số CLB mượn lứa U19 để đá giải hạng Nhì. Như thế sẽ không ổn định được đội bóng và không giữ được ổn định chung cho giải”.

Chính vì thực tế đó nên chuyên gia kỳ cựu Nguyễn Hồng Thanh cho rằng, VFF phải tiến hành rà soát tổng thể từ đó đưa ra đánh giá sát thực tiễn để thực hiện mục tiêu quy hoạch lại số đội cho khả thi.

Yêu cầu cam kết

Trưởng thành từ cầu thủ rồi trở thành HLV, cùng CLB Phù Đổng thăng từ hạng Ba, hạng Nhì tới hạng Nhất, HLV Lê Đức Tuấn cho rằng quyết định này trước hết là tin vui đối với các HLV, cầu thủ. Tuy nhiên, có một thực tế là kinh phí nuôi đội bóng của nhiều CLB phụ thuộc vào các ông bầu nên khi ông bầu hứng đầu tư thì CLB sẽ sống, ngược lại khi ông bầu hết nhiệt huyết thì CLB sẽ khó tồn tại được. “Ở giải hạng Ba, cách đây vài năm, có mùa chỉ có 4 đội, đá vòng tròn 1 lượt rồi thăng hạng. Thăng hạng rồi, một số CLB không đủ kinh phí duy trì đội bóng tham dự giải nên phải bỏ hoặc cũng chỉ thi đấu được 1-2 mùa rồi bỏ. Như ở CLB Phù Đổng may mắn là có nhà tài trợ từ giải hạng Nhì tới giải hạng Nhất nhưng do lực lượng của chúng tôi mỏng, không có đào tạo trẻ nên chỉ vừa lên giải hạng Nhất đã phải xuống giải hạng Nhì”, ông Tuấn nói.

Từ thực tế đó, HLV Lê Đức Tuấn cho rằng, để triển khai quyết định trên, VFF cần yêu cầu các CLB phải cam kết dự giải trong thời gian là bao lâu, tránh để các đội bỏ giải giữa chừng hoặc chỉ tham dự được 1-2 mùa rồi bỏ, làm giải đấu không ổn định. Tiếp nữa, các CLB muốn tham dự giải ổn định thì bên cạnh vấn đề lớn nhất là kinh phí, các đội cần phải cam kết về công tác đào tạo trẻ. Bên cạnh đội lớn, phải có các lứa kế cận từ U15, U17, U19 để không bị động về lực lượng cung cấp cho tuyến trên, khi cần là có thể bổ sung ngay được.

“Quyết định trên là một tin vui đối với những người làm công tác bóng đá như chúng tôi. Tuy nhiên để quyết định đi vào thực tế, có thể triển khai được, chúng ta nên có những tính toán cụ thể, đảm bảo cho sự bền vững, ổn định của các CLB và cho các giải đấu”, HLV Lê Đức Tuấn nhấn mạnh. 

 THU SÂM

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top