Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tập trung toàn lực để kích cầu du lịch nội địa

Thứ Sáu 08/05/2020 | 12:04 GMT+7

VHO- Hội nghị trực tuyến bàn về các giải pháp khôi phục du lịch sau dịch Covid-19 do Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam tổ chức ngày 6.5 có sự tham gia của các HHDL địa phương trên cả nước với 39 điểm cầu. Tại Hội nghị, HHDL Việt Nam đã thống nhất việc triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa quy mô toàn quốc, bắt đầu từ trung tuần tháng 5.2020.

 Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực HHDL Việt Nam cho rằng: “Không chỉ du lịch Việt Nam mà du lịch thế giới cũng thiệt hại vô cùng lớn do dịch bệnh Covid-19. Hàng nghìn doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã phải tạm thời đóng cửa, cho người lao động nghỉ việc…”. Mặc dù Chính phủ đã có các gói tín dụng và an sinh xã hội hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giảm thuế, phí, giá điện… nhưng theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch, thì hiện vẫn chưa nhận được hỗ trợ nói trên.

Bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Phó chủ tịch HHDL Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn cho biết: “Thời gian dịch bệnh vừa qua, hầu hết các khách sạn của Việt Nam đều đóng cửa hoặc không có khách. Doanh thu không có, nhân viên phải nghỉ việc, cắt giảm lương nhưng các khách sạn vẫn phát sinh chi phí. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ người lao động trong ngành Du lịch vẫn chưa được hưởng. Hay như việc giảm giá điện từ tháng 4 đến tháng 6.2020 lại là thời điểm khách sạn không có khách nên cũng không có tác dụng nhiều…”.

Thừa Thiên Huế có 13.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch thì có đến 9.000 lao động nghỉ việc, hàng trăm doanh nghiệp du lịch phải tạm ngừng hoạt động. Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó chủ tịch HHDL Việt Nam, Chủ tịch HHDL Thừa Thiên Huế cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị với UBND tỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất, giá điện, nước của cơ sở lưu trú du lịch cũng cần đưa hẳn về mức giá sản xuất thay vì mức giá bán lẻ áp dụng cho kinh doanh như hiện nay. Việc điện lực chỉ hỗ trợ giảm giá và áp dụng mức giá sản xuất trong 3 tháng ít có tác dụng vì doanh nghiệp sau dịch Covid-19 mới bắt đầu có khách và vẫn cần hỗ trợ. Vì thế, mức giảm giá 10% cũng nên kéo dài đến hết năm 2020”.

Theo ông Vũ Thế Bình, Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, khả năng hồi phục cũng chưa biết thế nào. Bài học kinh nghiệm của chúng ta trong việc phục hồi du lịch trong dịch SARS 2003 và khủng hoảng kinh tế năm 2009 không áp dụng được ở đây, đòi hỏi chúng ta phải chủ động, nỗ lực hơn nhiều lần so với những lần khủng hoảng trước. Để “phá băng” và dần khôi phục du lịch, HHDL Việt Nam sẽ tập trung toàn lực cho Chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc.

Chủ tịch HHDL Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh: “Trong khi thị trường quốc tế chưa có lối thoát thì thị trường nội địa là “cứu cánh” và Chương trình kích cầu nội địa toàn quốc là hết sức quan trọng để khôi phục du lịch. Thời điểm này, việc kích cầu nên hướng tới kéo dài thời gian lưu trú của khách tại một điểm, hạn chế di chuyển, tập trung vào các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, sinh thái, khám phá, văn hóa, lịch sử, ẩm thực… Nếu tất cả các địa phương đều tham gia kích cầu, cùng hy sinh và chia sẻ lợi ích chắc chắn sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách du lịch”.

Mặc dù dịch bệnh vẫn đang hoành hành dữ dội ở các nước trên thế giới, gây thiệt hại nặng nề cả về người và của nhưng ở Việt Nam về cơ bản dịch đã được kiểm soát rất tốt. Hơn nữa, qua đợt nghỉ lễ kéo dài 4 ngày dịp 30.4 - 1.5, lượng khách đã đông trở lại, thị trường du lịch nội địa đã ấm dần. Vì thế, chúng ta có niềm tin vào việc phục hồi của ngành Du lịch và cần bắt tay ngay vào Chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc.

Khác với Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam trước đây chỉ chọn một số tỉnh/ thành phố không xảy ra dịch để đón du khách, Chương trình lần này được triển khai đồng loạt ở tất cả các địa phương trên cả nước. Lễ phát động được tổ chức ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam vào giữa tháng 5.2020. Trong đó, khu vực phía Nam, HHDL TP.HCM và HHDL các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ kết nối du lịch cả nước với ĐBSCL; vùng Đông Nam Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai…) và TP.HCM để thúc đẩy du lịch khu vực này từ trung tuần tháng 5.2020. Ở khu vực phía Bắc, cuối tháng 5, HHDL Việt Nam chủ trì việc kích cầu du lịch Sông Hồng và các tỉnh ven biển phía Bắc, khu vực Đông Bắc. HHDL Lào Cai, Sơn La phụ trách chương trình kích cầu khu vực Tây Bắc mở rộng. HHDL Đà Nẵng và HHDL Thừa Thiên Huế giữa tháng 6 sẽ triển khai chương trình kích cầu khu vực miền Trung. Riêng khu vực Tây Nguyên - Nam Trung Bộ, có 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Phú Yên được chọn để mở màn cho Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam hồi tháng 3 đã những bước chuẩn bị rất kỹ và sẵn sàng cho chương trình kích cầu nội địa toàn quốc lần này. HHDL 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Phú Yên cũng sẽ làm đầu mối để điều hành chương trình kích cầu khu vực này.

Các đầu mối và các HHDL có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện, đảm bảo đúng chất lượng, nội dung đã đề ra. Có nhiều phương án kích cầu, như giảm giá và giữ nguyên chất lượng hoặc giữ nguyên giá và tăng các dịch vụ, có quà tặng cho khách… Lần kích cầu này, Hàng không Việt Nam (HKVN) thông báo sẵn sàng tham gia để có mức giá tốt nhất và thống nhất mức giá cho tất cả các doanh nghiệp. Ngay trong ngày 6.5, lãnh đạo HHDL Việt Nam và lãnh đạo HKVN đã làm việc để thống nhất hợp tác trong Chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc.

Để chương trình thực sự có hiệu quả và về lâu dài có thể khôi phục ngành Du lịch, rất cần sự tham gia của các địa phương. Trong lúc khó khăn này, việc miễn giảm phí tham quan có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi nên không phải đơn vị, địa phương nào cũng ủng hộ. Vì thế, ngoài việc HHDL Việt Nam phát động và các HHDL địa phương sẵn sàng tham gia, cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ và chính sách hỗ trợ cụ thể của chính quyền và các cơ quan quản lý du lịch. Đây không chỉ là việc tham gia hay không tham gia mà còn là cách ứng xử của địa phương với một ngành kinh tế mà rất nhiều tỉnh/ thành phố xác định là mũi nhọn. 

THUÝ HÀ - HÀ THAO

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top