Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Điệu múa trống của đồng bào Giáy ở tỉnh Hà Giang

Thứ Bảy 09/05/2020 | 12:30 GMT+7

VHO- Lễ hội múa trống của người Giáy là vậy, vừa mang yếu tố tâm linh, vừa thể hiện sự sáng tạo trong từng điệu múa của các chàng trai, cô gái.

Trong cộng đồng dân tộc ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, người Giáy sống tập trung chủ yếu ở thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà. Từ những lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội giúp người dân từng bước tạo dựng cuộc sống ấm no. Cùng với đó, đời sống tinh thần cũng ngày một phong phú. Đối với người Giáy ở Tát Ngà, điệu múa trống hay còn gọi là Lồng trống, đã phản ánh chân thực đời sống giàu bản sắc văn hóa của người dân nơi đây.

Theo những người già kể lại, tại xóm Tát Ngà, nơi tập trung người Giáy đông nhất, từ rất lâu người dân đã xây dựng hai ngôi miếu đặt tên Miếu Ông và Miếu Bà. Đây không chỉ là nơi để người dân đến thắp hương cầu xin những điều tốt lành mà đó còn là nơi để treo hai chiếc trống lớn phục vụ lễ hội.

 Trưởng bản làm lễ xin hạ trống

Ông Vi Dấu Mìn, xã Tát Ngà, cho biết: "Miếu ông, miếu bà xuất phát từ xưa cách đây rất lâu rồi khi được nghe ông cha truyền lại. Miếu Ông, Miếu Bà là 2 vì thần. 1 vị thần là miếu bà phụ trách về đất đai mùa màng, mưa thuận gió hòa. Mùa màng  tốt tươi. Còn vị thần miếu ông phụ trách về sức khỏe để cho mỗi người thành đạt, hạnh phúc."

Múa trống là hoạt động văn hóa được người Giáy lưu giữ, truyền thụ qua các thế hệ và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân. Bao đời nay, múa trống không chỉ được coi là một nét văn hóa truyền thống độc đáo mà còn là niềm tự hào của mỗi người dân địa phương. Tiếng trống rộn ràng sẽ xua đuổi đi những điều không may mắn của năm cũ để  hướng tới cuộc sống bình an cho mọi nhà.   Cứ thế suốt hàng trăm năm qua, tiếng trống gắn với Miếu Ông và Miếu Bà gắn với những nguyện cầu của người Giáy về một năm mới đầy may mắn, bình an.

Hàng năm, hai chiếc trống được hạ xuống vào đúng ngày mồng 1 Tết. Theo quan niệm của người Giáy, ông và bà chính là tổ tiên của họ, đồng thời cũng là vị thần linh che chở, bảo vệ cho con cháu trước những nguyện cầu.

Điệu "múa trống" có sự tham gia của cả đàn ông và phụ nữ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu

Nét đặc biệt của múa trống là sự kết hợp hài hòa giữa các động tác của nam và nữ. Những chàng chai, cô gái người Giáy xúng xính trong bộ trang phục truyền thống múa vòng tròn quanh chiếc trống, sau đó lại múa từng đôi  một. Những điệu múa lúc dịu dàng, nhẹ nhàng, lúc lại rộn rã gấp gấp theo từng hồi trống.

Các chàng trai thường gõ vào mặt trống, các cô gái thì gỗ vào tang trống. Điệu múa với những động tác đơn giản nhưng vui nhộn nhằm cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, đến với mọi người.

Những bài múa trống đều là những bài trống cổ do cha ông truyền lại. Ý nghĩa là cầu mong những điều tốt đẹp đến cho dân làng. Các động tác múa khá đơn giản nhưng đặc biệt có sự kết hợp với đạo cụ như chiếc nón, là truyền thống của người Giáy, nên cũng vì đó mà trở nên duyên dáng hơn. Đặc biệt nhiều động tác như miêu tả đời sống sinh hoạt lao động của người dân trên đồng ruộng.

Ông Vi Dấu Mìn cho biết: "Một buổi sáng mùng 1 Tết khai trương cho cả 1 năm nên phải tổ chức phong phú rầm rộ. Điệu múa thứ nhất là múa hết 1 năm cũ sang 1 năm mới để cho Miếu Bà biết, phù hộ cho dân làng. Điệu thứ 2 là múa phù hộ cho mùa màng tốt tươi. Điệu thứ 3 là điệu xin trống rước trống, múa vui chơi cho cả 1 năm mới."

Trong các bài múa trống thì trống cái luôn được đặt ở vị trí trung tâm và do 2 người 1 nam 1 nữ cầm trịch. Trống của người Giáy đặc biệt có hình trụ chiều cao hơn 1m đường kính dài khoảng 6cm được làm bởi khối gỗ nguyên và đục cho rỗng ruột, sau đó 1 đầu bọc da làm mặt trống. Khi đánh trống có thể đánh vào mặt trong và tang trống tạo nên những âm thanh vui nhộn và rất hòa quyện. Chính vì thế mà các điệu múa cũng có tiết tấu rất riêng.

Đồng bào Giáy vui mừng nhảy múa xung quanh trống

Lễ múa trống của người Giáy bao giờ cũng được mở đầu bằng lễ xin trống. Thầy cúng đại diện đứng ra cúng thần linh cầu xin thần linh che chở và bảo vệ cho dân làng. Sau lời khấn cầu đó, lễ hội múa trống rộn rã sẽ bắt đầu diễn ra.

Người Giáy quan niệm rằng dù ông trời ở trên cao nhưng qua tiếng trống cũng có thể nghe được lời thỉnh cầu và sẽ ban mưa xuống cho mùa màng tốt tươi. Cuối cùng để kết thúc lễ hội máu trống, bao giờ cũng là phần rước trống cầu may. Khi trống rước đến nhà nào thì nhà đó sẽ có được nhiều may mắn tốt lành. Để đáp lại đoàn người rước trống gia chủ sẽ tặng những sản phẩm gia đình làm ra như bánh trưng, gà, vịt… Và trong ngày hôm đó, cho dù muộn ra sao, đoàn múa trống cũng phải đi đủ các nhà, bởi đến hôm sau trống sẽ được thu về cất ở ngôi miếu thiêng, chỉ đến năm kế tiếp mới lại mang ra mở hội.

Lễ hội múa trống của người Giáy là vậy, vừa mang yếu tố tâm linh, vừa thể hiện sự sáng tạo trong từng điệu múa của các chàng trai, cô gái. Vậy nên trải qua những biến thiên của lịch sử, múa trống gần như vẫn giữ được nét nguyên bản bởi các bài múa vẫn chủ yếu theo người xưa. Múa trống không chỉ diễn ra vào dịp tết mà nó trở thành nét văn hóa truyền thống để giới thiệu cho du khách hiểu hơn phần nào về đời sống tinh thần của đồng bào người Giáy nơi đây.

VOV.VN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top